10:58 01/06/2023

Giảm nghèo bền vững, cần cấp quyền chủ động cho địa phương

Nguyệt Như

Nhiều ý kiến đại biểu đồng thuận về việc cần phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động nguồn vốn để triển khai chương trình giảm nghèo bên vững, chương trình mục tiêu quốc gia…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chiều 31/5, các đại biểu tiếp tục làm “nóng” nghị trường với những đề xuất cho chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Tráng A Dương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang cho rằng hiện nay, còn một số dự án thành phần của chương trình chưa có hướng dẫn, chưa có cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện hoặc có nhưng còn mâu thuẫn, không thống nhất dẫn đến các địa phương lúng túng, chậm triển khai, tiến độ giải ngân đạt thấp gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn sử dụng, làm chậm tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu, kế hoạch, tạo áp lực giải ngân vốn cho các địa phương, trong khi nguồn vốn thực hiện chương trình là rất lớn.

Chậm triển khai một ngày là thêm một ngày người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi để được tiếp nhận chính sách và thêm một ngày nguồn lực đầu tư cho chương trình bị lãng phí.

Theo đại biểu, bước sang năm thứ ba thực hiện triển khai chương trình, các chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất cho người dân chưa được triển khai, đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng cán bộ tham gia thực hiện chương trình chưa có cơ sở thực hiện…

Vì vậy, đại biểu Tráng A Dương kiến nghị cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương, chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương khẩn trương đẩy mạnh việc ban hành sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo quy trình, thủ tục rút ngắn, đảm bảo tình hình thực hiện thực tiễn phù hợp với năng lực thực thi của cấp cơ sở.

Đặc biệt, Hà Giang với đặc điểm là vùng núi đá, địa hình đồi núi dốc, đá tai mèo, nhiều thung lũng sâu, khép kín, có mạng lưới sông, suối và nguồn nước ngầm là khu vực thiếu nước trầm trọng, nhất là về mùa khô. Các chính sách hỗ trợ đồng bào thoát nghèo cũng không phát huy được nếu không có nước sản xuất.

Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang, cử tri Hà Giang kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư, xây dựng các công trình hồ chứa nước đa mục tiêu phục vụ nước sinh hoạt và cấp nước, hồ treo trữ nước, cấp nước sinh hoạt và công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy...

Quốc hội họp phiên thảo luận chiều 31/5.
Quốc hội họp phiên thảo luận chiều 31/5.

Nhắc đến chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế  - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi, đại biểu Tạ Thị Yên – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay là giải ngân vốn sự nghiệp.

“Nội dung cần chi thì không được phân bổ, có những nội dung thì được phân bổ quá nhiều, vượt quá nhiệm vụ chi, không thể giải ngân được. Địa phương không được tự điều chỉnh do thẩm quyền này là của Trung ương.

Việc giao vốn như hiện nay không sai so với quy định của pháp luật hiện hành nhưng làm giảm tính chủ động của địa phương và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách”, đại biểu cũng kiến nghị cần cho phép địa phương được chủ động điều chỉnh vốn dựa trên nhu cầu thực tế để hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình.

Còn đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn Đại biểu Quốc hội Yên Bái cho biết, việc triển khai một số chính sách của 3 chương trình còn chậm, chưa đạt yêu cầu, không đảm bảo tiến độ đề ra. Nguyên nhân là do một số quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành chưa kịp thời, chưa đầy đủ. Kế hoạch vốn sự nghiệp cho cả giai đoạn 2021-2025 của các chương trình chưa được Thủ tướng Chính phủ giao dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Việc giao vốn hàng năm có mặt chưa hợp lý.

Do vậy, đại biểu Luận đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương rà soát, xem xét sớm ban hành đầy đủ các hướng dẫn, định mức hỗ trợ và các quy định cụ thể về tổ chức triển khai thực hiện các chương trình. Xem xét, điều chỉnh việc phân bổ nguồn vốn sự nghiệp, ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng giao vốn cho cả giai đoạn 2021-2025.

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét giao chung vốn sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia hằng năm, không giao theo lĩnh vực để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương trong việc phân bổ chi tiết và triển khai.

Tương tự, đại biểu Ma Thị Thúy – Đoàn Đại biểu Quốc hội Tuyên Quang cũng đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành trung ương sớm ban hành thông tư hướng dẫn để các địa phương thực hiện điều chỉnh, bổ sung một số quy định tại Nghị định 27 của Chính phủ mà trong thời gian vừa qua ở hầu hết các địa phương đều vướng mắc và đã có kiến nghị đến với Chính phủ.