13:18 26/10/2010

“Đại gia” viễn thông Trung Quốc vẫn ra rìa ở Mỹ

An Huy

Dù đã phát triển mạnh ở nhiều thị trường, tập đoàn thiết bị viễn thông Huawei gần như vẫn đứng ngoài rìa thị trường Mỹ

Huawei được thành lập vào cuối thập niên 1980 tại thành phố Thâm Quyến bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, ông Ren Zhengfei - Ảnh: WSI.
Huawei được thành lập vào cuối thập niên 1980 tại thành phố Thâm Quyến bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, ông Ren Zhengfei - Ảnh: WSI.
Đầu năm nay, tập đoàn thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc Huawei đã cử đại diện tới thung lũng silicon để thực hiện một chiến dịch tuyển dụng nhân tài. Đây được xem là một bước đi khẳng định nỗ lực của Huawei trong việc đột phá vào thị trường Mỹ.

Theo tờ New York Times, trong suốt 1 thập kỷ qua, Huawei đã phát triển từ chỗ chỉ bắt chước sản phẩm của các công ty nước ngoài, tới một doanh nghiệp có tầm cạnh tranh quốc tế trong lĩnh vực thiết bị viễn thông và máy tính. Tuy nhiên, cho tới tận bây giờ, Huawei vẫn gần như bị đứng ngoài rìa ở thị trường Mỹ.

Huawei chỉ là một trong số nhiều công ty Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận với những lĩnh vực kinh doanh cao cấp và đem lại nhiều lợi nhuận hơn tại Mỹ. Tuy nhiên, những lý do về an ninh khiến viễn thông trở thành một lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm đối với Washington.

Nhà mạng không dây lớn thứ ba của Mỹ là Sprint Nextel đang có ý định mua 3 tỷ USD thiết bị viễn thông tiên tiến, và Huawei được coi là một nhà cung cấp tiềm năng hàng đầu. Tuy nhiên, khả năng Sprint ký kết hợp đồng với Huawei đã làm các nhà chức trách Mỹ cảm thấy lo ngại.

Một số nghị sỹ và quan chức an ninh quốc gia Mỹ cho rằng, mối liên hệ mật thiết giữa Huawei và quân đội Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh kiểm soát một phần hệ thống an ninh Mỹ, gây ra sự gián đoạn hoặc xâm nhập vào các cuộc gọi điện thoại và tin nhắn trên Internet.

Lường trước được những rào cản này, Huawei đã thuê nhiều nhà vận động hành lang, luật sư, chuyên gia tư vấn và các công ty quan hệ công chúng ở Washington hỗ trợ.

Ngoài ra, Huawei còn hỗ trợ thành lập một công ty phân phối các sản phẩm của hãng tại thị trường Mỹ có tên Amerilink Telecom, với hội đồng quản trị gồm những nhân vật “có máu mặt” như cựu nghị sỹ Richard A. Gephardt, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) James D. Wolfensohn, và cựu CEO William A. Owens của công ty viễn thống Nortel Networks.

Quan chức của Amerilink đều cho biết, họ ưu tiên hỗ trợ Huawei vượt qua những rào cản vào thị trường Mỹ.

Và những nỗ lực của Huawei đã bước đầu được đền đáp. Mới đây, công ty viễn thông Internet của Mỹ có tên Clearwire đã bắt đầu thử nghiệm một hệ thống dựa trên công nghệ mạng 4G của Huawei. Tuy nhiên, thương vụ với Sprint, nếu thành công, mới là hợp đồng lớn nhất từ trước tới nay của Huawei với một đối tác Mỹ.

Nỗ lực tìm một chỗ đứng trên thị trường Mỹ của Huawei được xem là quan trọng, vì tập đoàn này là công ty đa quốc gia thực sự lớn lên trong nước của Trung Quốc. Một số nhà phân tích cho rằng, họ tin là sự nổi lên ngoạn mục của Huawei sẽ trở thành hình mẫu cho các công ty Trung Quốc khác khi cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Huawei hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới sau tập đoàn Ericsson của Thụy Điển. Với sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc, Huawei đã giành được nhiều hợp đồng lớn ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin. Tại châu Âu, Huawei thậm chí đã qua mặt cả Ericsson khi giành quyền cung cấp thiết bị cho nhiều nhà mạng lớn.

Mặc dù vậy, chặng đường đi đến thị trường Mỹ của Huawei vẫn vấp phải vô số trở ngại, chủ yếu về những lý do an ninh cũng như những cáo buộc về xâm phạm sở hữu trí tuệ và gián điệp kinh doanh. Trong thập kỷ qua, Huawei đã hai lần dính đơn kiện ở Mỹ từ hai trong số các đối thủ chính là Cisco và Motorola. Cả hai công ty này cáo buộc Huawei đánh cắp các thiết kế phần mềm và vi phạm bản quyền sáng chế.

Vào năm 2008, cũng chính những lo ngại về an ninh đã buộc Huawei phải từ bỏ kế hoạch cùng đối tác Mỹ Bain Capital mua lại công ty mạng 3Com của Mỹ với giá 2,2 tỷ USD.

Năm nay, Huawei cũng đã thất bại khi có ý định mua lại bộ phận mạng không dây của Motorola và một công ty phần mềm Internet băng thông rộng 2Wire của Mỹ. Các chuyên gia cho rằng, Motorola và 2Wire từ chối Huawei, vì lo ngại Washington có thể ngăn chặn thỏa thuận của họ với Huawei.

Trong một lá thư gửi các cơ quan chức năng Mỹ hồi tháng 8 vừa qua, một nhóm thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa của Mỹ đã đặt ra những câu hỏi xung quanh việc Huawei có thể giành được hợp đồng với Sprint - nhà mạng có phục vụ quân đội Mỹ và nhiều cơ quan thực thi pháp luật của nước này.

Nhóm nghị sỹ này đã đề nghị Chính phủ rà soát lại hoạt động của Huawei tại Mỹ, đồng thời cho biết, họ lo ngại về “quá khứ” của công ty này, trong đó có việc Huawei cung cấp thiết bị viễn thông cho Iran và Iraq dưới thời cựu Tổng thống Saddam Hussein, có thể vi phạm luật trừng phạt của Liên hiệp quốc.

Sự thận trọng đối với Huawei còn lan sang nhiều quốc gia khác. Tại châu Âu, một số đối thủ của Huawei hiện đang phàn nàn về những khoản mà họ cho là trợ cấp mà Huawei nhận được từ Chính phủ Trung Quốc. Còn tại Ấn Độ, nhiều người lo ngại mạng lưới Huawei có thể gây ra những rủi ro an ninh. Về phần mình, Huawei phủ nhận việc họ có quan hệ với quân đội Trung Quốc, cũng như những cáo buộc về vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo giới phân tích, Huawei đã phát triển nhanh chóng thành một đối thủ đáng gờm tại một trong những lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất và có mức độ cạnh tranh cao nhất, đó là những thiết bị cao cấp cho phép cải thiện việc phân phối âm thanh và hình ảnh trên Internet thông qua các thiết bị không dây.

Các chuyên gia cho rằng, sự vươn lên này của Huawei một phần là nhờ công ty đã chi mạnh cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Doanh nghiệp Trung Quốc nói chung yếu về R&D, nhưng Huawei đã có 17 trung tâm nghiên cứu trên thế giới, bao gồm tại các địa điểm như Dallas, Moscow, Bangalore, và gần đây nhất là một trung tâm mở tại Santa Clara, Mỹ.

Trên thực tế, trong số 96.000 nhân viên của Huawei, gần một nửa là nhân viên thuộc bộ phận R&D. Tháng 5 vừa qua, Huawei đã mở một trung tâm nghiên cứu trị giá lên tới 340 triệu USD tại Thượng Hải và cho biết, trung tâm này sẽ sử dụng tới 8.000 kỹ sư.

Tuy nhiên, nỗ lực trở thành một công ty đa quốc gia của Huawei không phải lúc nào cũng xuôi chèo mát mái. Theo các chuyên gia từng làm việc lâu năm cho Huawei, ngoài những lý do khách quan như đã nêu trên, công ty có trụ sở ở Thâm Quyến này đã rất dò dẫm khi mới đặt chân ra thị trường bên ngoài, vì không hiểu rõ về môi trường kinh doanh ngoài Trung Quốc.

Giáo sư kinh tế Peter J. Williamson thuộc Đại học Cambridge cho rằng, dù còn nhiều ý kiến về những rủi ro an ninh mà Huawei có thể gây ra, sức mạnh công nghệ của tập đoàn này là điều không thể phủ nhận.

“Thị trường khó xâm nhập nhất đối với Huawei là Mỹ. Nhưng họ đã vào được châu Âu. Một khi họ đã làm việc được với Vodafone, một trong những nhà mạng lớn nhất thế giới, họ có thể trở thành đối tác của bất kỳ nhà mạng nào khác”, ông Williamson nói.