Công ty Trung Quốc khó vào Mỹ, vì sao?
Cơ hội kinh doanh tại Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - của các công ty Trung Quốc một lần nữa trở nên u ám
Cơ hội kinh doanh tại Mỹ - thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới - của các công ty Trung Quốc một lần nữa trở nên u ám, khi một số nhà lập pháp Mỹ ra tay ngăn cản một hợp đồng thương mại giữa hai công ty viễn thông Huawei Inc. (Trung Quốc) và Sprint Nextel (Mỹ).
Huawei Technology Corporation của Trung Quốc đã trúng thầu cung cấp thiết bị cho Công ty Viễn thông Sprint Nextel - một trong những mạng thông tin di động lớn nhất nước Mỹ, có hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều cơ quan chính phủ và quân đội Mỹ.
Viện cớ an ninh quốc gia bị đe dọa, tám nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã cùng ký một lá thư đề ngày 18/8 gửi các quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ như Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner và Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, Trung tướng James R. Clapper Jr., yêu cầu xem xét kỹ hợp đồng nói trên.
Các nghị sĩ này tỏ ra quan ngại trước những thông tin rằng Công ty Huawei đã từng cung cấp thiết bị viễn thông cho Chính phủ Iraq thời ông Saddam Hussein, có mối quan hệ kinh doanh với lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran và gắn bó chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.
Theo luật Mỹ, trong trường hợp cần thiết, một cơ quan liên ngành gọi là Hội đồng về Đầu tư nước ngoài có quyền ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mua cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ.
“Công ty Sprint Nextel cung cấp những thiết bị quan trọng cho quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng như cung cấp rất nhiều loại thiết bị, hệ thống, phần mềm và dịch vụ cho các công ty tư nhân Mỹ. Chúng tôi lo ngại rằng, Công ty Huawei với tư cách là nhà cung cấp cho Sprint Nextel, có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho các công ty Mỹ và có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ”, bức thư của các nghị sĩ viết.
Trong những năm gần đây, Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác đã nhiều lần bị ngăn cản khi tìm cách mua lại các công ty Mỹ vì những quan ngại về an ninh, xuất phát từ lịch sử của các công ty này hoặc mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền và quân đội Trung Quốc. Nếu hợp đồng Huawei - Sprint Nextel bị ngăn cản thì đây là diễn tiến mới nhất của một xu thế bắt đầu từ việc tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc bị ngăn không cho mua lại công ty dầu khí Unocal năm 2005.
Huawei được thành lập vào cuối thập niên 1980 tại thành phố Thâm Quyến bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, ông Ren Zhengfei, và từ đó phát triển rất nhanh chóng; hoạt động ở cả Trung Quốc, châu Âu và châu Phi với doanh số hàng năm khoảng 20 tỉ Đô la Mỹ.
Giới phân tích trong ngành cho rằng, chính phủ và quân đội Trung Quốc vừa đầu tư vốn liếng vào Huawei vừa giúp cho công ty này giành được nhiều hợp đồng cung cấp mạng viễn thông ở châu Phi và các nước đang phát triển khác; Chính phủ Trung Quốc cũng giao cho Huawei thực hiện các dự án cung cấp thiết bị viễn thông cho các chính phủ nước ngoài được Bắc Kinh cho vay ưu đãi.
Hoạt động của Huawei tại Iran, chủ yếu là trong các ngành công nghiệp quân sự, bị các nghị sĩ Mỹ cho rằng đã vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này, và do đó Huawei không được phép làm ăn với Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, các chuyên gia an ninh Mỹ còn hoài nghi Huawei đang hỗ trợ quân đội Trung Quốc phát triển khả năng “chiến tranh tin học”.
Bức thư của các nghị sĩ đặt vấn đề, liệu một công ty như vậy nắm quyền kiểm soát một công ty có liên quan tới các hợp đồng nhạy cảm của Chính phủ Mỹ sẽ “đặt ra một mối đe dọa an ninh quốc gia vì bị rò rỉ công nghệ hoặc thúc đẩy hoạt động gián điệp chống lại nước Mỹ” hay không.
Trước mối hoài nghi của các nghị sĩ Mỹ, cả Chính phủ Trung Quốc và Công ty Huawei đều phản ứng mạnh.
Ông Vương Bao Đồng, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington, đưa ra tuyên bố nói rằng Huawei chỉ là một công ty tư nhân muốn làm ăn ở Mỹ. “Chúng tôi hy vọng một số người ở Mỹ sẽ có cách tiếp cận hợp lý với một hoạt động thương mại bình thường thay vì đứng cản đường bằng cách lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia”, ông Vương nói. Thứ Sáu tuần trước, Công ty Huawei cũng ra thông cáo xác định chính phủ và quân đội Trung Quốc không hề kiểm soát công ty.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Huawei gặp trở ngại ở Mỹ. Năm 2008, Huawei đã từng bỏ dở việc mua lại Công ty 3Com Corporation sau khi Chính phủ Mỹ điều tra xem vụ thôn tính đó sẽ mang lại những rủi ro an ninh nào. Mới đầu năm nay, Huawei bị thất bại khi đấu thầu mua công ty phần mềm 2Wire và bộ phận sản xuất thiết bị không dây của Motorola cho dù họ bỏ thầu giá cao hơn vì bên bán e rằng thỏa thuận bán cho Huawei sẽ bị Chính phủ Mỹ ngăn cản.
Ngoài ra, Huawei cũng đã vài lần bị các công ty Mỹ kiện vì đánh cắp công nghệ hoặc vi phạm bản quyền. Năm 2003, Huawei bị tập đoàn Cisco Systems - nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất của Mỹ - kiện ra tòa vì tội sao chép bất hợp pháp các phần mềm của Cisco và vi phạm nhiều bản quyền sáng chế. Hai bên đã dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án.
Mới tháng trước, Huawei lại bị Motorola kiện ra tòa án Mỹ vì cáo buộc âm mưu đánh cắp bí quyết kinh doanh với sự hỗ trợ của một số nhân viên cũ của Motorola. Huawei cho đây là cáo buộc vô căn cứ và quyết định đối chất tại tòa.
Xem ra cánh cửa vào thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc vẫn chưa rộng mở chừng nào Trung Quốc vẫn chưa minh bạch hóa mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Và đó cũng có thể là kinh nghiệm mà các nước khác nên tham khảo.
Huỳnh Hoa (TBKTSG)
Huawei Technology Corporation của Trung Quốc đã trúng thầu cung cấp thiết bị cho Công ty Viễn thông Sprint Nextel - một trong những mạng thông tin di động lớn nhất nước Mỹ, có hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông cho nhiều cơ quan chính phủ và quân đội Mỹ.
Viện cớ an ninh quốc gia bị đe dọa, tám nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa đã cùng ký một lá thư đề ngày 18/8 gửi các quan chức hàng đầu của Chính phủ Mỹ như Bộ trưởng Bộ Tài chính Timothy Geithner và Giám đốc cơ quan tình báo quốc gia, Trung tướng James R. Clapper Jr., yêu cầu xem xét kỹ hợp đồng nói trên.
Các nghị sĩ này tỏ ra quan ngại trước những thông tin rằng Công ty Huawei đã từng cung cấp thiết bị viễn thông cho Chính phủ Iraq thời ông Saddam Hussein, có mối quan hệ kinh doanh với lực lượng Vệ binh Cách mạng của Iran và gắn bó chặt chẽ với quân đội Trung Quốc.
Theo luật Mỹ, trong trường hợp cần thiết, một cơ quan liên ngành gọi là Hội đồng về Đầu tư nước ngoài có quyền ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, mua cổ phần hoặc hợp tác kinh doanh với các công ty Mỹ.
“Công ty Sprint Nextel cung cấp những thiết bị quan trọng cho quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ cũng như cung cấp rất nhiều loại thiết bị, hệ thống, phần mềm và dịch vụ cho các công ty tư nhân Mỹ. Chúng tôi lo ngại rằng, Công ty Huawei với tư cách là nhà cung cấp cho Sprint Nextel, có thể gây rủi ro nghiêm trọng cho các công ty Mỹ và có khả năng làm suy yếu an ninh quốc gia của Mỹ”, bức thư của các nghị sĩ viết.
Trong những năm gần đây, Huawei và nhiều công ty Trung Quốc khác đã nhiều lần bị ngăn cản khi tìm cách mua lại các công ty Mỹ vì những quan ngại về an ninh, xuất phát từ lịch sử của các công ty này hoặc mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền và quân đội Trung Quốc. Nếu hợp đồng Huawei - Sprint Nextel bị ngăn cản thì đây là diễn tiến mới nhất của một xu thế bắt đầu từ việc tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc bị ngăn không cho mua lại công ty dầu khí Unocal năm 2005.
Huawei được thành lập vào cuối thập niên 1980 tại thành phố Thâm Quyến bởi một cựu sĩ quan quân đội Trung Quốc, ông Ren Zhengfei, và từ đó phát triển rất nhanh chóng; hoạt động ở cả Trung Quốc, châu Âu và châu Phi với doanh số hàng năm khoảng 20 tỉ Đô la Mỹ.
Giới phân tích trong ngành cho rằng, chính phủ và quân đội Trung Quốc vừa đầu tư vốn liếng vào Huawei vừa giúp cho công ty này giành được nhiều hợp đồng cung cấp mạng viễn thông ở châu Phi và các nước đang phát triển khác; Chính phủ Trung Quốc cũng giao cho Huawei thực hiện các dự án cung cấp thiết bị viễn thông cho các chính phủ nước ngoài được Bắc Kinh cho vay ưu đãi.
Hoạt động của Huawei tại Iran, chủ yếu là trong các ngành công nghiệp quân sự, bị các nghị sĩ Mỹ cho rằng đã vi phạm lệnh cấm vận mà Mỹ áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo này, và do đó Huawei không được phép làm ăn với Chính phủ Mỹ. Ngoài ra, các chuyên gia an ninh Mỹ còn hoài nghi Huawei đang hỗ trợ quân đội Trung Quốc phát triển khả năng “chiến tranh tin học”.
Bức thư của các nghị sĩ đặt vấn đề, liệu một công ty như vậy nắm quyền kiểm soát một công ty có liên quan tới các hợp đồng nhạy cảm của Chính phủ Mỹ sẽ “đặt ra một mối đe dọa an ninh quốc gia vì bị rò rỉ công nghệ hoặc thúc đẩy hoạt động gián điệp chống lại nước Mỹ” hay không.
Trước mối hoài nghi của các nghị sĩ Mỹ, cả Chính phủ Trung Quốc và Công ty Huawei đều phản ứng mạnh.
Ông Vương Bao Đồng, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại thủ đô Washington, đưa ra tuyên bố nói rằng Huawei chỉ là một công ty tư nhân muốn làm ăn ở Mỹ. “Chúng tôi hy vọng một số người ở Mỹ sẽ có cách tiếp cận hợp lý với một hoạt động thương mại bình thường thay vì đứng cản đường bằng cách lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia”, ông Vương nói. Thứ Sáu tuần trước, Công ty Huawei cũng ra thông cáo xác định chính phủ và quân đội Trung Quốc không hề kiểm soát công ty.
Tuy nhiên đây không phải lần đầu tiên Huawei gặp trở ngại ở Mỹ. Năm 2008, Huawei đã từng bỏ dở việc mua lại Công ty 3Com Corporation sau khi Chính phủ Mỹ điều tra xem vụ thôn tính đó sẽ mang lại những rủi ro an ninh nào. Mới đầu năm nay, Huawei bị thất bại khi đấu thầu mua công ty phần mềm 2Wire và bộ phận sản xuất thiết bị không dây của Motorola cho dù họ bỏ thầu giá cao hơn vì bên bán e rằng thỏa thuận bán cho Huawei sẽ bị Chính phủ Mỹ ngăn cản.
Ngoài ra, Huawei cũng đã vài lần bị các công ty Mỹ kiện vì đánh cắp công nghệ hoặc vi phạm bản quyền. Năm 2003, Huawei bị tập đoàn Cisco Systems - nhà sản xuất thiết bị mạng viễn thông lớn nhất của Mỹ - kiện ra tòa vì tội sao chép bất hợp pháp các phần mềm của Cisco và vi phạm nhiều bản quyền sáng chế. Hai bên đã dàn xếp vụ kiện bên ngoài tòa án.
Mới tháng trước, Huawei lại bị Motorola kiện ra tòa án Mỹ vì cáo buộc âm mưu đánh cắp bí quyết kinh doanh với sự hỗ trợ của một số nhân viên cũ của Motorola. Huawei cho đây là cáo buộc vô căn cứ và quyết định đối chất tại tòa.
Xem ra cánh cửa vào thị trường Mỹ của các công ty Trung Quốc vẫn chưa rộng mở chừng nào Trung Quốc vẫn chưa minh bạch hóa mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp. Và đó cũng có thể là kinh nghiệm mà các nước khác nên tham khảo.
Huỳnh Hoa (TBKTSG)