08:43 07/03/2023

Đánh thuế thu nhập doanh nghiệp: Hiểu đúng về quy định hồi tố

Đỗ Mến

TAND Cấp cao tại TPHCM vừa xét xử phúc thẩm giữa Công ty TNHH H. và Cục trưởng Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu liên quan đến quyết định xử phạt thuế...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo hồ sơ vụ án, từ ngày 21/9/2020 đến 2/10/2020, Cục thuế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành thanh tra Công ty H. về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Thời kỳ thanh tra từ năm 2011-2014.

LUẬT KHÔNG CÓ QUY ĐỊNH HIỆU LỰC HỒI TỐ?

Ngày 30/12/2020, Cục trưởng Cục thuế ban hành quyết định số 11930, xác định Công ty khai sai thuế dẫn đếu thiếu số thuế phải nộp, khai sai dẫn đến tăng số thuế GTGT được hoàn.

Theo đó, buộc Công ty H. phải nộp đủ số tiền thuế được hoàn cao hơn quy định vào ngân sách nhà nước. Trong đó, truy thu phần hoàn thuế GTGT số tiền hơn 953 triệu đồng, truy thu thuế phải nộp số tiền hơn 4,8 tỷ đồng. Số tiền công ty chậm nộp thuế tính trên số tiền thuế nộp thiếu do kê khai sai là hơn 5,4 tỷ đồng (mức 0,05%/ngày tính đến ngày 30/6/2016 và mức 0,03% tính từ ngày 1/7/2016 đến ngày 18/12/2020). Công ty phải điều chỉnh giảm lỗ hơn 11,2 tỷ đồng.

Hành vi vi phạm của Công ty diễn ra từ năm 2011-2014 nhưng đến năm 2020 có kết luận thanh tra là quá thời hiệu 5 năm (Luật Quản lý thuế năm 2006 và năm 2012 đều quy định thời hiệu xử phạt là 5 năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện).

Về phía doanh nghiệp cho rằng trong giai đoạn này, có 2 Luật quản lý thuế được áp dụng. Đó là Luật Quản lý thuế năm 2006 áp dụng với những hành vi vi phạm pháp luật về thuế được thực hiện từ năm 2011-2013. Theo khoản 3, Điều 110 luật này thì “quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận vào ngân sách nhà nước”.

Như vậy, theo quy định này không quy định phải nộp tiền chậm nộp trong trường hợp quá thời hiệu xử phạt. Do đó, Công ty không phải nộp tiền chậm thuế 2011-2013.

Mặt khác, Luật Quản lý thuế năm 2012 áp dụng cho những hành vi vi phạm pháp luật về thuế được thực hiện từ ngày 1/7/2013 đến nay.

Công ty cho rằng Cục thuế áp dụng Luật Quản lý thuế năm 2012 đối với các vi phạm từ năm 2011-2013 là không đúng. Bởi lẽ, Luật Quản lý thuế năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/7/2013, không có quy định hiệu lực hồi tố.

Điều 83, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.

Tại Điều 79 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định “Không được quy định hiệu lực trở về trước đối với các trường hợp sau đây: Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý”.

Trong khi đó, so sánh khoản 3 Điều 110 Luật Quản lý Thuế  năm 2006 thì Luật quản lý thuế năm 2012 đã quy định thêm trách nhiệm pháp lý mới đó là “vẫn phải nộp tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm”.

Do vậy, không thể áp dụng Luật quản lý thuế năm 2012 áp dụng cho hành vi xảy ra trước ngày 1/7/2013.  

Với lý do trên, Công ty khởi kiện, đề nghị tòa án hủy một phần quyết định của Cục thuế. Về nội dung tính tiền chậm nộp thuế số tiền hơn 5,4 tỷ đồng.

 HIỂU ĐÚNG VỀ QUY ĐỊNH HỒI TỐ

Theo tòa án phúc thẩm, việc xác định hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Công ty H. từ thời điểm năm 2011 đến năm 2014, được điều chỉnh bởi Luật Quản lý thuế 2006 và Luật Quản lý thuế 2012 là có căn cứ.

Luật Quản lý thuế năm 2006 áp dụng đối với những hành vi vi phạm pháp luật về thuế của Công ty H. được thực hiện từ năm 2011 đến ngày 30/6/2013. Còn Luật Quản lý thuế năm 2012 áp dụng hành vi vi phạm từ ngày 1/7/2013 đến năm 2014.

Theo khoản 35, Điều 110 Luật năm 2012 thì “Quá thời hiệu xử phạt vi vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm”.

Điều luật trên đã quy định hồi tố nhằm bảo vệ lợi ích nhà nước. Do đó, quyết định về phần tính tiền chậm nộp thuế là đúng quy định.

 

Theo Cục thuế, Luật Quản lý thuế năm 208 và Luật Quản lý thuế năm 2012 đều do Quốc hội ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề về biện pháp khắc phục hậu quả nên theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau.

Điều 152 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 quy định: “Chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan trung ương mới được quy định hiệu lực trở về trước.