10:55 16/07/2016

Đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ

An Huy

Tổng thống Erdogan tuyên bố cuộc nổi dậy này là một “hành động phản quốc”

Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác tại quảng trường Taksim ở Istanbul trong đêm xảy ra vụ đảo chính bất thành 15/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ đứng gác tại quảng trường Taksim ở Istanbul trong đêm xảy ra vụ đảo chính bất thành 15/7 - Ảnh: Reuters.<br>
Một nỗ lực đảo chính của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ đã thất bại vào đầu giờ sáng ngày 16/7, sau khi người dân nước này nghe theo lời kêu gọi của Tổng thống Tayyip Erdogan tiến hành chiếm đường phố để ủng hộ ông.

“Hành động phản quốc”

Theo tin từ Reuters, âm mưu đảo chính được thực hiện khi ông Erdogan đang trong kỳ nghỉ. Ngay lập tức, vị Tổng thống đã bay về Istanbul trước rạng sáng ngày thứ Bảy và xuất hiện trên truyền hình giữa đám đông người ủng hộ bên ngoài sân bay, nơi lực lượng đảo chính không chiếm được.

Tại một cuộc họp báo diễn ra sau đó, ông Erdogan tuyên bố cuộc nổi dậy này là một “hành động phản quốc” và những người chịu trách nhiệm sẽ phải trả giá đắt.

Việc bắt giữ các sỹ quan quân đội tham gia đảo chính đang được tiến hành, từ cấp thấp tới cấp cao, và đỉnh điểm có thể là thanh lọc toàn bộ lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, tiếng súng và bom nổ đã làm rung chuyển thành phố chính Istanbul cùng thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ trong một đêm hỗn loạn, sau khi các binh sỹ quân đội chiếm nhiều vị trí trong hai thành phố và ra lệnh cho đài truyền hình quốc gia đọc một tuyên bố nói rằng quân đội đã giành quyền kiểm soát đất nước.

Tuy nhiên, đến sáng sớm ngày thứ Bảy, phóng viên của Reuters có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ đã chứng kiến 30 binh sỹ thuộc lực lượng đảo chính hạ vụ khí và đầu hàng lực lượng cảnh sát ở quảng trường Taksim, tại trung tâm Istanbul.

Nếu vụ đảo chính lật đổ ông Erdogan - người lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2003 - thành công, thì đây sẽ là một trong những thay đổi lớn nhất ở khu vực Trung Đông trong nhiều năm trở lại đây, làm thay đổi một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, giữa lúc nước láng giềng Syria chìm sâu trong nội chiến.

Tuy nhiên, một cuộc đảo chính thất bại vẫn có thể dẫn tới bất ổn lớn ở quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng này.

Mỹ ủng hộ Erdogan


Trước khi trở về Istanbul, ông Erdogan đã xuất hiện trong cuộc gọi video thông qua điện thoại di động tới một kênh truyền hình. Tại đây, một nhân viên đài truyền hình đã giơ điện thoại di động trước ống kính máy quay để cho thấy hình Tổng thống.

Trong cuộc gọi, ông Erdogan kêu gọi người dân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đường phố để bảo vệ chính quyền, và nói những người thực hiện vụ đảo chính sẽ phải trả giá đắt.

Đến sáng sớm ngày thứ Bảy, các nghị sỹ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn ẩn nấp bên trong tòa nhà Quốc hội ở Ankara, tòa nhà bị lực lượng đảo chính nã đạn ba lần trước đó. Một chỉ huy quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nói chiến đấu cơ của lực lượng thân Tổng thống đã bắn hạ một máy may trực thăng của nhóm đảo chính ở Ankara. Trong khi đó, hãng thông tấn Anadolou cho biết 17 cảnh sát đã thiệt mạng tại trụ sở của lực lượng đặc biệt tại thủ đô.

Dần dần, phe đảo chính mỗi lúc một đuối trước lực lượng thân Chính phủ. Người dân nước này kháng lệnh ở trong nhà mà phe đảo chính đưa ra, đổ ra đường tập trung tại các quảng trường chính ở Istanbul và Ankara, vẫy cờ và hô khẩu hiệu ủng hộ Tổng thống.

Ông Erdogan và các quan chức khác cáo buộc những người trung thành với giáo sỹ Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong ở Mỹ thực hiện vụ đảo chính. Tuy nhiên, vị giáo sỹ này phủ nhận cáo buộc có liên quan.

Về phần mình, Mỹ tuyên bố ủng hộ Chính phủ của ông Erdogan. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ông đã gọi điện cho người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ và nhấn mạnh “sự ủng hộ hoàn toàn đối với chính phủ dân sự được bầu dân chủ, cũng như các thể chế dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Bối cảnh đảo chính


Đêm thứ Sáu, cuộc đảo chính đã bắt đầu khi một loạt chiến đấu cơ và trực thăng gầm rú trên bầu trời Ankara và các toán binh sỹ đảo chính phong tỏa những cây cầu nối hai bờ sông Bosphorus ở Istanbul. Theo hãng tin Anadolu, máy bay quân sự của phe đảo chính đã xả đạn vào trụ sở cơ quan tình báo nước này.

Trong những giờ đầu tiên của nỗ lực đảo chính, các sân bay bị đóng cửa và các mạng truyền thông xã hội ở Thổ Nhĩ Kỳ không thể truy cập.

Sau khi đài truyền hình quốc gia TRT bị chiếm, một phát thanh viên đã bị buộc phải đọc tuyên bố của phe đảo chính về áp lệnh giới nghiêm và thiết quân luật trên toàn quốc. Tiếp đó, kênh truyền hình quốc gia phải phát một tuyên bố nữa cáo buộc Chính phủ coi thường các quy định về dân chủ. Tuyên bố cũng nói đất nước sẽ được lãnh đạo bởi một “hội đồng hòa bình” đảm bảo an toàn cho dân chúng.

Ngay sau đó, đài TRT ngừng phát sóng. Hoạt động phát sóng của đài này đã được nối lại vào sáng sớm ngày thứ Bảy.

Hãng thông tấn Anadolu nói Tổng tham mưu trưởng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ là một trong số những người bị phe đảo chính giữ làm con tin ở Ankara. Tuy nhiên, sau đó Thủ tướng Binali Yildirim nói vị Tổng tham mưu trưởng đã quay trở lại vị trí kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và có lực lượng quân đội lớn thứ hai trong khối này, là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở hai nước láng giềng Iraq và Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một trong những nước ủng hộ chính lực lượng chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria. Chưa kể, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận 2,7 triệu người di cư Syria và giữ vai trò là một cửa ngõ cho dòng chảy người di cư lớn nhất vào châu Âu kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Trong nước, Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với lực lượng ly khai người Kurd. Từ đầu năm đến nay, ở nước này đã xảy ra một số vụ đánh bom và xả súng, bao gồm một vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan vào sân bay chính ở Istanbul cách đây 2 tuần khiến hơn 40 người thiệt mạng.