Đầu tư hàng chục tỷ xây lò gạch công nghệ vẫn bị yêu cầu “xoá sổ”
Loạt các công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã có văn bản giửi UBND huyện Quốc Oai (Tp.Hà Nội) về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung trên địa bàn
Loạt các công ty sản xuất vật liệu xây dựng đã có văn bản giửi Uỷ ban Nhân dân huyện Quốc Oai (Tp.Hà Nội) về việc chấm dứt hoạt động của các lò gạch nung trên địa bàn. Các doanh nghiệp này gồm Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phong Hải, Tuyên Dương, Bình Tài, Hoàng Long, Thảo Miện, Đại Lộc, Hồng Thịnh, Thương mại Hoàng Long, Xây dựng Mạnh Quang.
Xây lò gạch công nghệ, vẫn bị yêu cầu "xoá sổ"
Ngày 21/3/2019, UBND huyện Quốc Oai có văn bản yêu cầu các cơ sở lò gạch cam kết thu dọn nguyên vật liệu sản xuất gạch và trả lại mặt bằng trước 1/6/2019. Các doanh nghiệp cho rằng, với thời gian gấp gáp như vậy là rất khó khăn để thực hiện.
"Để sản xuất gạch nung, chúng tôi phải đầu tư cơ sở vật chất bao gồm máy móc, trang thiết bị, thuê nhân công, sân bãi, mua công nghệ xây dựng lò và công nghệ sản xuất, mua nguyên vật liệu. Trung bình mỗi lò gạch chúng tôi phải đầu tư lên đến hơn 10 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nguồn vốn chủ yếu huy động từ vay ngân hàng.
Theo tính toán của chúng tôi, mỗi lò gạch nung bằng lò vòng sản xuất với công suất 4 triệu viên/năm và có thị trường ổn định thì tối thiểu phải mất 10 năm mới có thể thu hồi được vốn đầu tư. Hiện chúng tôi mới hoạt động được 8 năm, như vậy nếu phải chấm dứt hoạt động trước ngày 1/6/2019 thì chúng tôi sẽ bị thiệt hại rất lớn", nhóm doanh nghiệp vật liệu xây dựng cho biết.
Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Tp. Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có khuyến khích phát triển các công nghệ mới, công nghệ sạch, công nghệ làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm nguồn tài nguyên. Về nguyên liệu, khuyến khích việc sử dụng nguyên liệu là đất đồi và các loại đất ít hiệu quả trong công nghiệp, phế thải xây dựng.
Ông Tạ Đức Đôn, chủ một doanh nghiệp cho biết: "Sau khi thành phố có chủ trương loại bỏ lò gạch thủ công vào năm 2011, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng sang lò gạch công nghệ. Thời điểm đó, lò công nghệ có 2 loại lò: lò úp vung và lò đứng. Sau đó tôi dẫn cán bộ tham mưu của huyện đi Chương Mỹ tham khảo loại lò vòng. Đi tham khảo về, tôi không làm lò đứng, mà làm lò vòng luôn. Tôi là người đầu tiên làm. Nhưng đang làm dở dang huyện cấm không cho làm. Sau đó tôi lên huyện nói chuyện rằng lò vòng đạt hiệu quả, không ô nhiễm thì được làm từ 2012".
Sau ông Đôn, nhiều doanh nghiệp bắt đầu làm lò vòng. Những chủ doanh nghiệp làm loại lò đứng hay lò úp vung đều không trụ được vì không hiệu quả.
Ông Vũ Danh Hải, Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Phong Hải, cho hay cuối 2014, doanh nghiệp này có đơn lên UBND xã xin chuyển đổi làm lò vòng. Chưa kịp vui mừng vì loại lò này có hiệu quả, thì những đơn vị này liên tục nhận được yêu cầu dừng hoạt động từ 2016 đến nay.
Xin lùi mốc thời gian đến năm 2020
Các doanh nghiệp vật liêu xây dựng này khẳng định cơ cở sản xuất hoàn toàn phù hợp với Quy hoạch của UBND Tp. Hà Nội. Về nguyên liệu, doanh nghiệp sử dụng phế thải xây dựng, áp dụng công nghệ gạch nung lò vòng đó là than qua lửa là phế thải, xỉ lò, tro bụi từ các nhà máy nhiệt điện nhà máy sản xuất giấy; đất, cát từ quá trình xây dựng, nạo vét lòng hồ trong nội thành Hà Nội.
"Các nhà máy nhiệt điện ở phía Bắc trong quá trình sản xuất điện sẽ sản xuất ra một lượng lớn phế phẩm được xả ra bãi xả thải, bãi rác, đổ xuống sông, hồ, ao…gây ô nhiễm môi trường. Riêng nhà máy nhiệt điện Phả Lại mỗi năm tạo ra 1 triệu tấn tro xỉ. Tính đến năm 2020 các nhà máy nhiệt điện thải ra 422 triệu tấn tro, xỉ. Đây là con số khổng lồ nếu không được xử lý sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, môi trường trầm trọng", văn bản nêu. Các doanh nghiệp cho rằng việc sản xuất gạch của họ sẽ giúp giải bài toán tro xỉ cho nhà máy nhiệt điện hiện rất được các cấp có thẩm quyền khuyến khích.
Mặt khác, quy trình sản xuất gạch nung bằng lò vòng tạo ra các sản phẩm gạch có chất lượng cao mà không gây tình trạng ô nhiễm môi trường.
"Chúng tôi khẳng định các lò sản xuất của chúng tôi không hề sử dụng 1kg nhiên liệu hóa thạch nào. Ủy ban hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền nào hoàn toàn có thể kiểm tra nguyên liệu tại cơ sở của chúng tôi tại bất cứ thời điểm nào trong quá trình sản xuất", văn bản gửi lên UBND huyện Quốc Oai nói rõ.
Theo các doanh nghiệp, các cơ sở này được cấp phép sản xuất từ năm 2011, tức là trước giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội thì không đầu tư mới sản xuất gạch nung vào giai đoạn 2016-2020, trong khi các cơ sở của họ đều được cấp phép trước thời điểm này.
Đặc biệt, văn bản số 3328/UBND-ĐT của UBND Tp. Hà Nội tháng 7/2018, các địa phương được phép lập kế hoạch và lộ trình chấm dứt các loại lò gạch đến năm 2020. Do đó, các doanh nghiệp khẳng định hoạt động sản xuất của họ hoàn toàn phù hợp quy hoạch của thành phố.
Do đó, các doanh nghiệp đề nghị gia hạn thời gian chấm dứt hoạt động lò gạch đến 31/12/2020. "Chúng tôi cam kết sau thời gian này sẽ thu hồi toàn bộ cơ sở vật chất cũng như trả lại mặt bằng cho UBND xã", ông Tạ Văn Đôn nhấn mạnh.
"Hiện còn 11 cơ sở sản xuất cùng loại giấy phép, cùng ngày cùng giờ, nhưng lại có 2 doanh nghiệp được tồn tại đến 2020. Còn 9 cơ sở của chúng tôi thì bị yêu cầu giải tán. Việc đó là không công bằng", Công ty Đại Lộc cho biết.