18:46 27/09/2021

Đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030

Phan Dương

Tại nghị quyết 119/NQ-CPvề các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 (ban hành ngày 27/9), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu việc lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2022...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Nghị quyết nêu rõ: Công tác quy hoạch phải đi trước một bước, việc triển khai phải tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, bám sát và cụ thể hóa các nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030.

NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA CÁC CẤP, CÁC NGÀNH

Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền các cấp để hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tất cả các cấp, các ngành.

Ngoài ra, cần tăng cường sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương trong triển khai thực hiện và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trên nguyên tắc vướng mắc, khó khăn ở cấp nào thì cấp đó có trách nhiệm tháo gỡ, giải quyết; các vấn đề vượt thẩm quyền phải tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch đảm bảo đồng bộ. Thống nhất với Luật Quy hoạch và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành, tiêu chuẩn, điều kiện đầu tư, kinh doanh để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và người dân trước ngày 31/10/ 2021.

Hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để cung cấp thông tin đồng bộ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch trước ngày 31/12/2022.

Các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp rà soát, trình Chính phủ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành những nội dung quy định trong các văn bản hướng dẫn không phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch, gây cản trở, ách tắc, khó khăn cho việc lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 của các địa phương, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch. Công tác này hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 2021.

Trước ngày 31/10/2021, phải hoàn thành việc rà soát, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn chi tiết thực hiện các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý theo trình tự, thủ tục rút gọn, đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch.

 CHỈ ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TRONG TRƯỜNG HỢP CẦN THIẾT

Thủ tướng giao các Bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thu hồi ngay trong tháng 10 / 2021 các văn bản hướng dẫn liên quan đến quy trình lập quy hoạch và phương án phát triển mạng lưới điện lực, cụm công nghiệp, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phương án mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trong nội dung quy hoạch tỉnh. Qua đó nhằm đảm bảo không phát sinh thêm quy trình, nội dung trái với quy định tại khoản 4 Điều 16 và khoản 2 Điều 27 Luật Quy hoạch, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh của các địa phương.

 
Cho phép tỉnh Hà Tĩnh (đã thẩm định quy hoạch) và các tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lai Châu, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn và Cao Bằng đã gửi lấy ý kiến quy hoạch theo quy định tại khoản 4 Điều 16 và khoản 1 Điều 19 Luật Quy hoạch, không phải thực hiện quy định tại khoản 6 và 7 Điều 1 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP.

Trong khi đó, Bộ trưởng các bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm: chỉ đạo khẩn trương trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch; tổ chức thẩm định và phê duyệt dự toán nhiệm vụ quy hoạch; phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 theo nhiệm vụ được giao, trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt quy hoạch trước ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bố không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh, khai thác tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, đồng thời bảo đảm được tính thống nhất với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng; hoàn thành trước ngày 31 tháng 10 năm 2021.

Thủ tướng lưu ý: "chỉ điều chỉnh quy hoạch thời kỳ 2011 - 2020 trong trường hợp cần thiết, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc đề xuất, quyết định điều chỉnh; xem xét, lồng ghép các nội dung liên quan để đưa vào quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch".

Bên cạnh đó, cần tăng cường phối hợp, trao đổi và chia sẻ thông tin trong quá trình triển khai lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, đảm bảo kết nối đồng bộ quy hoạch tỉnh với quy hoạch vùng, quy hoạch cấp quốc gia;

Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn có đủ năng lực theo hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu để lập các quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng chưa tổ chức lựa chọn được nhà thầu lập quy hoạch; các bộ, ngành xây dựng phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu cho từng quy hoạch cụ thể, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận để triển khai thực hiện.

Đối với các quy hoạch thuộc lĩnh vực đảm bảo bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật được thực hiện chỉ định thầu theo quy định tại Điều 22 Luật Đấu thầu.

Đặc biệt, Thủ tướng cho phép sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; Đồng ý cho các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương được huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm chất lượng, công khai, minh bạch, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch, đấu thầu, đầu tư công, đầu tư và pháp luật có liên quan khác…