“Đề nghị kế thừa mô hình Chủ tịch nước như hiện nay”
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nêu một loại ý kiến đề nghị Việt Nam nên lựa chọn mô hình Tổng thống
Không nhiều góp ý về chương Chủ tịch nước tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được tiếp thu.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong một bản báo cáo dài 150 trang đã giải trình chi tiết cả những góp ý chung và góp ý cho các điều khoản cụ thể của nhân dân vào dự thảo này.
Với chương VI - Chủ tịch nước, Ủy ban có nêu một loại ý kiến đề nghị Việt Nam nên lựa chọn mô hình Tổng thống.
Ủy ban lý giải, chế định nguyên thủ quốc gia là một chế định quan trọng trong thể chế chính trị. Ở mỗi nước, nguyên thủ quốc gia có tên gọi, vị trí, chức năng khác nhau tuỳ thuộc vào thể chế chính trị và phương thức tổ chức quyền lực nhà nước của quốc gia đó.
Đối với mô hình cộng hòa, nguyên thủ quốc gia đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, có một phần quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo quan điểm của Ủy ban, mô hình Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, có các thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quy định trong dự thảo đã và đang được áp dụng ổn định ở Việt Nam hiện nay và thực tiễn cho thấy phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, phát huy hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa mô hình Chủ tịch nước như hiện nay.
Về những điều khoản cụ thể, ở điều 91, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định trong Hiến pháp việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam giữ chức Chủ tịch nước và cho rằng, quy định này sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động đối ngoại, tạo điều kiện thực hiện nhất quán nhiệm vụ Bí thư Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Còn loại ý kiến thứ hai không tán thành, vì nếu quy định một người giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước là không phù hợp, không phân biệt được vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng của người đứng đầu Nhà nước, có thể dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, độc quyền. Hơn nữa, nếu không quy định trong Hiến pháp thì theo cách làm hiện nay, Đảng vẫn có thể giới thiệu đồng chí Tổng bí thư ứng cử chức vụ Chủ tịch nước.
Đây là vấn đề liên quan đến công tác nhân sự của Đảng, vì vậy không quy định nội dung này trong Hiến pháp, Ủy ban tỏ rõ quan điểm.
Sang điều 92, cũng có nhiều loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị thay đổi phương thức bầu Chủ tịch nước theo hướng “Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp trong số đại biểu Quốc hội” hoặc trong số những Ủy viên Bộ Chính trị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp theo hình thức tranh cử cùng với bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương với các thành viên của mình (dưới sự lãnh đạo của Đảng), giới thiệu 3 người để nhân dân chọn 1.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, việc quy định Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của Nhà nước ta.
Báo cáo cũng thể hiện một loại ý kiến đề nghị quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đề nghị họp Quốc hội để phế truất Chủ tịch nước; trường hợp có 80% số phiếu yêu cầu phế truất thì Chủ tịch nước phải từ nhiệm.
Với giải thích việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước sẽ được áp dụng chung theo các quy định của pháp luật hiện hành, Ủy ban cho rằng không cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo.
Được chấp nhận là các ý kiến đề nghị quy định nội dung “Chủ tịch nước làm lễ tuyên thệ nhậm chức”. Ủy ban cho biết, ý kiến này được thể hiện tại điều 75 về yêu cầu tuyên thệ khi nhậm chức đối với một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước để thể hiện vị trí, vai trò và trách nhiệm của người giữ vị trí này trước nhân dân.
Tiếp tục giải trình về nội dung ở chương này, bản báo cáo cho biết có loại ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: Chủ tịch nước có quyền giải tán Quốc hội, tuyên bố bầu cử sớm, giải tán Chính phủ, cách chức Thủ tướng để Quốc hội bầu Thủ tướng mới, thành lập Chính phủ mới.
Theo giải thích của Ủy ban, việc người đứng đầu quốc gia giải tán Quốc hội, Chính phủ chỉ xảy ra ở một số nước, nơi quyền lực tập trung chủ yếu ở Tổng thống do dân bầu trực tiếp - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Ở Việt Nam, với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên không thể quy định một thiết chế nào có thể “giải tán” Quốc hội. Do vậy, Ủy ban đề nghị không quy định nội dung này trong Hiến pháp.
Với góp ý về quy định khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm, Ủy ban đã chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Về các ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền triệu tập và chủ tọa hội nghị chính trị đặc biệt”, Ủy ban cho rằng, hội nghị chính trị đặc biệt là vấn đề đã từng được Hiến pháp năm 1959 quy định, nhưng đó là thực tiễn của những năm đất nước đang đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hiện nay tổ chức bộ máy Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện, Hiến pháp đã ghi nhận thẩm quyền của các thiết chế nhà nước trong các tình huống khác nhau như khi đất nước có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp... để bảo đảm có cơ chế xử lý kịp thời, phù hợp với vị trí, vai trò và chức năng của từng cơ quan. Vì vậy, đề nghị không quy định về hội nghị chính trị đặc biệt trong dự thảo.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, trong một bản báo cáo dài 150 trang đã giải trình chi tiết cả những góp ý chung và góp ý cho các điều khoản cụ thể của nhân dân vào dự thảo này.
Với chương VI - Chủ tịch nước, Ủy ban có nêu một loại ý kiến đề nghị Việt Nam nên lựa chọn mô hình Tổng thống.
Ủy ban lý giải, chế định nguyên thủ quốc gia là một chế định quan trọng trong thể chế chính trị. Ở mỗi nước, nguyên thủ quốc gia có tên gọi, vị trí, chức năng khác nhau tuỳ thuộc vào thể chế chính trị và phương thức tổ chức quyền lực nhà nước của quốc gia đó.
Đối với mô hình cộng hòa, nguyên thủ quốc gia đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại, có một phần quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Theo quan điểm của Ủy ban, mô hình Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, có các thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp như quy định trong dự thảo đã và đang được áp dụng ổn định ở Việt Nam hiện nay và thực tiễn cho thấy phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, phát huy hiệu quả trên thực tế. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa mô hình Chủ tịch nước như hiện nay.
Về những điều khoản cụ thể, ở điều 91, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định trong Hiến pháp việc Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam giữ chức Chủ tịch nước và cho rằng, quy định này sẽ góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước, bảo đảm thuận lợi trong hoạt động đối ngoại, tạo điều kiện thực hiện nhất quán nhiệm vụ Bí thư Quân ủy Trung ương với nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang.
Còn loại ý kiến thứ hai không tán thành, vì nếu quy định một người giữ cả hai chức vụ quan trọng nhất của Đảng và Nhà nước là không phù hợp, không phân biệt được vai trò lãnh đạo của Đảng và chức năng của người đứng đầu Nhà nước, có thể dễ dẫn đến tình trạng lạm quyền, độc quyền. Hơn nữa, nếu không quy định trong Hiến pháp thì theo cách làm hiện nay, Đảng vẫn có thể giới thiệu đồng chí Tổng bí thư ứng cử chức vụ Chủ tịch nước.
Đây là vấn đề liên quan đến công tác nhân sự của Đảng, vì vậy không quy định nội dung này trong Hiến pháp, Ủy ban tỏ rõ quan điểm.
Sang điều 92, cũng có nhiều loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị thay đổi phương thức bầu Chủ tịch nước theo hướng “Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp trong số đại biểu Quốc hội” hoặc trong số những Ủy viên Bộ Chính trị.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị Chủ tịch nước do nhân dân bầu trực tiếp theo hình thức tranh cử cùng với bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiệp thương với các thành viên của mình (dưới sự lãnh đạo của Đảng), giới thiệu 3 người để nhân dân chọn 1.
Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho rằng, việc quy định Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra là phù hợp với bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy nhà nước và hệ thống chính trị của Nhà nước ta.
Báo cáo cũng thể hiện một loại ý kiến đề nghị quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quyền đề nghị họp Quốc hội để phế truất Chủ tịch nước; trường hợp có 80% số phiếu yêu cầu phế truất thì Chủ tịch nước phải từ nhiệm.
Với giải thích việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch nước sẽ được áp dụng chung theo các quy định của pháp luật hiện hành, Ủy ban cho rằng không cần thiết phải quy định vấn đề này trong dự thảo.
Được chấp nhận là các ý kiến đề nghị quy định nội dung “Chủ tịch nước làm lễ tuyên thệ nhậm chức”. Ủy ban cho biết, ý kiến này được thể hiện tại điều 75 về yêu cầu tuyên thệ khi nhậm chức đối với một số chức danh chủ chốt trong bộ máy nhà nước để thể hiện vị trí, vai trò và trách nhiệm của người giữ vị trí này trước nhân dân.
Tiếp tục giải trình về nội dung ở chương này, bản báo cáo cho biết có loại ý kiến đề nghị bổ sung nội dung: Chủ tịch nước có quyền giải tán Quốc hội, tuyên bố bầu cử sớm, giải tán Chính phủ, cách chức Thủ tướng để Quốc hội bầu Thủ tướng mới, thành lập Chính phủ mới.
Theo giải thích của Ủy ban, việc người đứng đầu quốc gia giải tán Quốc hội, Chính phủ chỉ xảy ra ở một số nước, nơi quyền lực tập trung chủ yếu ở Tổng thống do dân bầu trực tiếp - Tổng thống vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Ở Việt Nam, với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, trong đó Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nên không thể quy định một thiết chế nào có thể “giải tán” Quốc hội. Do vậy, Ủy ban đề nghị không quy định nội dung này trong Hiến pháp.
Với góp ý về quy định khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm, Ủy ban đã chỉnh lý để trình Quốc hội cho ý kiến về nội dung này theo hướng: “Chủ tịch nước có quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn về vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”.
Về các ý kiến đề nghị bổ sung quy định: “Khi xét thấy cần thiết, Chủ tịch nước có quyền triệu tập và chủ tọa hội nghị chính trị đặc biệt”, Ủy ban cho rằng, hội nghị chính trị đặc biệt là vấn đề đã từng được Hiến pháp năm 1959 quy định, nhưng đó là thực tiễn của những năm đất nước đang đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.
Hiện nay tổ chức bộ máy Nhà nước ta đã và đang hoàn thiện, Hiến pháp đã ghi nhận thẩm quyền của các thiết chế nhà nước trong các tình huống khác nhau như khi đất nước có chiến tranh, tình trạng khẩn cấp... để bảo đảm có cơ chế xử lý kịp thời, phù hợp với vị trí, vai trò và chức năng của từng cơ quan. Vì vậy, đề nghị không quy định về hội nghị chính trị đặc biệt trong dự thảo.