16:05 14/09/2021

Đề xuất chưa từng có: Bơm thẳng tiền mặt hỗ trợ người yếu thế

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV

Các giải pháp giãn, hoãn thuế nợ vay... đối với người yếu thế đang khốn khổ trong đại dịch Covid - 19 là cần nhưng chưa đủ và quá chậm; bởi vậy, cần nhanh chóng hỗ trợ trực tiếp tiền mặt...

Các gói hỗ trợ tác động đến đối tượng thụ hưởng quá chậm
Các gói hỗ trợ tác động đến đối tượng thụ hưởng quá chậm

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng lớn đến người dân và doanh nghiệp, đặc biệt khi dịch bùng phát trở lại lần thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay đã lan rộng 62 tỉnh, thành phố và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Bên cạnh các gói hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh; một số gói an sinh xã hội đã được thực hiện và đã hỗ trợ người dân phần nào, đặc biệt là công nhân, nông dân và những người yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, người có công…). Tuy nhiên, việc thiết kế gói hỗ trợ và quá trình thực thi còn khó khăn, chậm tiến độ, trong khi nhu cầu của người dân là cấp thiết.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm triển khai hỗ trợ tiền mặt tại 4 quốc gia khá tương đồng Việt Nam (Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo), bài viết này tập trung vào 4 nội dung chính: (i) Sự cần thiết hỗ trợ tiền mặt đối với người dân; (ii) Tiêu chí đánh giá hiệu quả hỗ trợ tiền mặt; (iii) Kinh nghiệm quốc tế; và (iv) Một số kiến nghị đối với Việt Nam.

NĂM LÝ DO HỖ TRỢ TIỀN MẶT

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, lao động tự do, trở nên rất khó khăn. Qua kinh nghiệm các nước đang phát triển và thực tế tại Việt Nam, việc hỗ trợ tiền mặt đối với người dân cần được ưu tiên thực hiện với 5 lý do chính.

Một là, đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân lao động, trong đó nhu cầu trang trải chi phí sinh hoạt là cấp thiết. Trong khi đó, những người dân này vẫn phải trang trải các khoản chi phí, nghĩa vụ nợ (chi phí sinh hoạt, tiền thuê nhà, tiền khám chữa bệnh....), tạo sức ép tài chính và tâm lý rất lớn đối với người dân. Do đó, việc hỗ trợ tiền mặt để duy trì cuộc sống là một yêu cầu cấp thiết đối với người dân lúc này.

 
Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2021, có 12,8 triệu lao động chính thức bị tác động tiêu cực, trong đó 557 nghìn lao động (chiếm 4,35%) bị mất việc làm; 4,1 triệu lao động tạm nghỉ việc (chiếm 32%); 4,3 triệu lao động bị cắt giảm giờ làm hoặc phải nghỉ giãn việc (34,1%); và 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập (66,4%). Cùng đó, khoảng 29,3 triệu lao động tự do bị mất việc làm bởi giãn cách.

Hai là, hỗ trợ tiền mặt có tác động tức thời, góp phần kích cầu tiêu dùng. Khác với các biện pháp hỗ trợ kinh tế khác như giảm thuế, phí, tạm dừng đóng bảo hiểm... có độ trễ khi triển khai, việc phát tiền mặt (nếu được triển khai tốt) có tác động gần như tức thì khi người dân sử dụng tiền để trang trải chi phí sinh hoạt cho bản thân và gia đình.

Ba là, hỗ trợ tiền mặt là 1 trong những biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia triển khai nhằm giúp người dân đối phó với tác động của dịch bệnh. Bên cạnh việc triển khai các biện pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ; nhiều quốc gia như Mỹ, Châu Âu, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo... phát tiền mặt cho người dân, nhất là trong năm 2020 và đợt dịch bùng phát gần đây.

Bốn là, hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm chấp hành các biện pháp giãn cách xã hội, đảm bảo an dân và an sinh. Việc được hỗ trợ tiền mặt sẽ giúp người dân yên tâm hơn về nguồn tài chính. Từ đó, làm giảm sức ép phải ra ngoài kiếm sống. Bên cạnh đó, việc phát tiền mặt cũng có ý nghĩa to lớn đối với đối với các đối tượng yếu thế (người nghèo, người tàn tật, người mất khả năng lao động...), vốn là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.

Năm là, hỗ trợ tiền mặt gây ra ít tác động phụ so với các biện pháp tiền tệ và tài khóa khác. So với các biện pháp hỗ trợ như giảm lãi suất, cho vay ưu đãi, giảm thuế..., phát tiền mặt với quy mô hợp lý (mức chi tiêu trung bình của hộ dân), thời gian phù hợp (trong thời gian giãn cách xã hội) và đúng đối tượng (những người thu nhập trung bình và thấp) sẽ ít gây tác động tiêu cực khiến cho tiền hỗ trợ chảy vào các kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán, bất động sản; thậm chí, còn góp phần gây nên tình trạng bong bóng tài sản và tăng áp lực lạm phát.

HIỆU QUẢ RÚT RA TỪ CÁC NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI

Tham khảo kinh nghiệm quốc tế về triển khai hỗ trợ tiền mặt tại 4 quốc gia khá tương đồng với Việt Nam (về trình độ phát triển) là Nigeria, Peru, Sri Lanka, Togo (theo Báo cáo của Tổ chức ODI tháng 6/2021) cho thấy chính sách hỗ trợ tiền mặt cần được đánh giá dựa trên 4 tiêu chí chính.

Thứ nhất là tính thời điểm. Chính sách hỗ trợ tiền mặt được cho là đúng thời điểm nếu được triển khai không quá lâu từ khi dịch bệnh bùng phát. Tại 4 quốc gia nêu trên, khoảng thời gian này là 1-1,5 tháng. Khả năng đúng thời điểm của chính sách này phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) Chất lượng của hệ thống hành chính như hệ thống an sinh xã hội có đầy đủ thông tin về dân cư sẽ tạo điều kiện để phân bổ nhanh chóng các khoản hỗ trợ (như trường hợp Nigeria); (ii) Cách tiếp cận linh hoạt của cơ quan quản lý (như Peru tiếp cận người dân thông qua kênh bảo hiểm xã hội trong khi Togo tiếp cận qua thông tin cử tri bầu cử); (iii) Sự ủng hộ mạnh mẽ từ lãnh đạo cấp cao (tại Peru, Sri Lanka và Togo, Tổng thống là người ban hành chỉ đạo hỗ trợ).

Thứ hai, tỷ lệ hỗ trợ được xác định dựa trên 2 yếu tố: (i) Quy mô hỗ trợ được xác định bằng tỷ lệ % lao động hay hộ gia đình/hộ nghèo được hỗ trợ so với tổng số lao động hay tổng hộ gia đình/hộ nghèo. Tại Peru, 69% lực lượng lao động được hỗ trợ trong khi Sri Lanka hỗ trợ cho 66% hộ gia đình và 90% hộ nghèo; (ii) Mức độ công bằng (xác định các đối tượng được hỗ trợ và các đối tượng không cần hỗ trợ). Tỷ lệ hỗ trợ tại mỗi quốc gia phụ thuộc vào khả năng tài chính (nguồn ngân sách hiện có hoặc các huy động khác, kể cả vay quốc tế), hệ thống an sinh xã hội và hạ tầng hệ thống tài chính – viễn thông (dịch vụ ngân hàng, viễn thông).

Thứ ba, mức độ hỗ trợ phụ thuộc vào 3 yếu tố: (i) Nguồn tài chính hay khả năng cân đối ngân sách (Nigeria phụ thuộc vào nguồn vốn vay của WB nên mức hỗ trợ tuân theo cam kết của chương trình); (ii) Mức sống của người dân (chi phí tiêu dùng của dân cư, đối tượng thụ hưởng). Peru hỗ trợ 178% thu nhập bình quân hàng tháng của các hộ nghèo nhất (27% thu nhập hàng tháng trung bình của các hộ gia đình khi áp dụng giãn cách xã hội kéo dài thêm). Trong khi đó, các nước có điều kiện thấp hơn chỉ hỗ trợ dựa trên mức lương tối thiểu và chi phí sinh hoạt hàng tháng như Togo (1/3 mức lương tối thiểu) và Nigeria (tương đương mức chi phí sinh hoạt hàng tháng tối thiểu); (iii) Hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi: việc phát tiền mặt có thể tạo cơ hội cho tình trạng tham nhũng, trục lợi chính sách, đồng thời tăng rủi ro lây nhiễm, chi phí đi lại khi người dân phải đến trực tiếp nơi nhận tiền (như Nigeria), hay phí chuyển tiền nếu qua hệ thống ngân hàng và ví điện tử (như Togo).

Thứ tư, phương thức phát tiền: phụ thuộc vào tình hình hạ tầng tài chính và văn hóa mỗi nước nhằm đảm bảo tiền tới tay người dân song vẫn phải đảm bảo không lây lan dịch bệnh. So với phương thức phát tiền mặt trực tiếp (như Nigeria và Srilanka), phương pháp chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng hoặc điện thoại di động được đánh giá là ưu việt hơn (Peru và Togo áp dụng hoàn toàn chi trả bằng phương thức này trong khi Nigeria chỉ áp dụng 1 phần). Tuy nhiên, việc chuyển tiền online phụ thuộc vào hạ tầng dịch vụ tài chính và kỹ thuật số khác (trình độ công nghệ thông tin của khu vực tài chính-ngân hàng, hệ thống thanh toán di động) và năng lực điện tử của chính phủ (nhất là các dịch vụ công).

Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ tiền mặt của Chính phủ tại các quốc gia nêu trên được triển khai, điều chỉnh theo hướng giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin như điện thoại di động, nền tảng số, đơn giản hóa thủ tục… Trong trường hợp bắt buộc phải chi trả trực tiếp, cần có các phương pháp đảm bảo an toàn như giãn cách, mặc dù trong thực tế thường khó thực hiện. Theo đó, việc triển khai được tiến hành theo 4 bước sau đây.

Bước một, nhận diện và đăng ký. Do cơ sở dữ liệu của các quốc gia còn nhiều lỗ hổng, nên người đăng ký sẽ thực hiện khai báo theo các biểu mẫu, chương trình của Chính phủ. Đồng thời, các cơ quan chức năng có trách nhiệm rà soát, đối chiếu, bổ sung dữ liệu trên cơ sở khai thác các nguồn dữ liệu của cả Chính phủ và kênh khác. Như vậy, tại bước này, các quốc gia thường: (i) sử dụng cơ sở dữ liệu có sẵn (dữ liệu bảo trợ xã hội, các chương trình hỗ trợ trước đây…) như được áp dụng tại Nigeria, Sri Lanka; cũng như dữ liệu của Chính phủ (Nigeria, Peru, Sri Lanka); (ii) tận dụng nguồn dữ liệu khác và của khu vực tư nhân như nhà mạng (Nigeria); (iii) yêu cầu người dân đăng ký theo các chương trình, biểu mẫu do Chính phủ xây dựng; trong đó đăng ký trực tuyến (Nigeria, Peru, Togo) được áp dụng rộng rãi hơn là trực tiếp (Sri Lanka) để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Theo đó, để triển khai thành công bước này, 6 yếu tố cần có bao gồm: (i) Hệ thống thông tin về các chương trình an sinh xã hội hiệu quả; (ii) Khả năng kết nối, chia sẻ giữa các nguồn dữ liệu; (iii) Cần có một số định danh duy nhất (ID) cho mỗi người dân; (iv) Cho phép đăng ký từ xa (trực tuyến, internet); (v) Tính linh hoạt và khả năng kết hợp khâu đăng ký và nhận diện; (vi) Ý chí chính trị mạnh mẽ được thống nhất và thúc đẩy từ các cấp cao nhất của chính quyền.

Bước hai, xác định đối tượng cần hỗ trợ. Để xác định đối tượng cần hỗ trợ từ các đơn đăng ký, chính phủ các nước thường sử dụng các đánh giá kinh tế - xã hội trước khi đại dịch xảy ra (như Peru, Sri Lanka); kiểm tra chéo dữ liệu của người nộp đơn với dữ liệu của Chính phủ (Peru, Togo); giao quyền quyết định cho địa phương (Sri Lanka); tận dụng các chương trình hỗ trợ trước đại dịch và có điều chỉnh phù hợp; đơn giản hóa thủ tục xác nhận để hạn chế việc tập trung đông người (Nigeria). Như vậy, có thể thấy, việc tận dụng dữ liệu sẵn trong khâu sàng lọc và xác định đúng đối tượng được nhiều quốc gia sử dụng do tính thuận tiện, nhanh chóng.

 
Để triển khai nhanh chóng và thành công chuyển tiền hỗ trợ người dân, cần đảm bảo 3 yếu tố: (i) tính sẵn có của các thông tin kinh tế - xã hội liên quan đến người thụ hưởng (thí dụ, dữ liệu sẵn có về an sinh xã hội); (ii) quyết tâm và sự sẵn sàng của chính phủ; (iii) nguồn lực về con người, kỹ thuật, tài chính ở cả cấp Trung ương và địa phương.

Bước ba, chuyền tiền hỗ trợ. Các thức thực hiện khá đa dạng, phụ thuộc vào năng lực của từng quốc gia. Theo đó, hình thức phát tiền mặt trực tiếp vẫn phải áp dụng với các quốc gia (hay địa phương) có hạ tầng tài chính số hạn chế; ngược lại các hình thức thanh toán điện tử (thanh toán qua di động - mobile money, Internet…) sẽ được ưu tiên ở các quốc gia (địa phương) có trình độ tài chính và nền tảng số phát triển hơn. Trong số 4 nước nêu trên; Nigeria và Peru đồng thời áp dụng cả hình thức phát tiền trực tiếp và trực tuyến (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử); trong khi Togo chỉ áp dụng giải ngân qua ví điện tử và Sri Lanka phát tiền mặt trực tiếp (tại địa điểm theo quy định hoặc giao tận nhà).

Theo đó, để triển khai nhanh chóng và thành công bước này, 5 yếu tố cần có bao gồm: (i) Sự phát triển của hạ tầng internet, điện thoại di động, thanh toán qua ngân hàng, , ví điện tử (mobile money) cho phép đa dạng phương thức thanh toán; (ii) Khả năng tận dụng và cái tiến (nếu cần) nền tảng công nghệ thanh toán hiện có; (iii) Sự liên kết, chia sẻ giữa các tổ chức liên quan; (iv) Sự linh hoạt và sẵn sàng thay đổi phương pháp (nếu không hiệu quả, phù hợp) của các cơ quan chức năng; và (v) Nhanh chóng điều chỉnh các quy định pháp luật để thúc đẩy nhanh chóng việc giải ngân.

Bước bốn, kiểm tra và giám sát. Đây là khâu hết sức quan trọng do nhu cầu thanh toán nhanh chóng và việc nới lỏng các thủ tục xác minh. Theo đó, một số cơ chế được sử dụng như cơ chế khiếu nại (trực tuyến hoặc trực tiếp) hay giám sát, kiểm toán thông qua một đơn vị độc lập, tổ chức phi Chính phủ... Đối với cơ chế giải quyết khiếu nại, hầu hết các quốc gia dùng cơ chế giải quyết từ xa (điện thoại, internet) để hạn chế lây lan dịch bệnh (như tại Peru, Sri Lanka, Togo). Trong khi đó, đối với cơ chế giám sát, việc sử dụng các tổ chức phi chính phủ (cả quốc tế và trong nước) khá phổ biến (Peru, Sri Lanka, Togo); ngoài ra có thể sử dụng các đơn vị kiểm toán tư nhân (như Togo) hay tổ chức xã hội (như Nigeria)…

Theo đó, để triển khai hiệu quả bước này, 3 yếu tố cần có bao gồm: (i) Khả năng và quyền hạn giải quyết khiếu nại của đơn vị điều hành hệ thống; (ii) Sự tham gia của bên thứ 3 đáng tin cậy và có tính độc lập; và (iii) Có hệ thống thông tin tập trung, dạng điện tử, tự động tổng hợp dữ liệu về việc triển khai chương trình.

5 KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI VIỆT NAM

Một là, Chính phủ chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP đến thời điểm hiện tại và tiến hành sửa đổi, tháo gỡ ngay những vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tính đến hết tháng 8/2021, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB-XH, tổng số lao động đã được hỗ trợ là trên 15 triệu lượt người với tổng số tiền là 8.400 tỷ đồng (32% tổng gói hỗ trợ); 1,2 triệu lao động tự do đã nhận 2.180 tỷ đồng (do các địa phương tự xác định đối tượng và chi). Có thể thấy, khâu thực thi còn chậm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh và thực hiện giãn cách xã hội quyết liệt như hiện nay và cần thiết phải có thời hạn thực hiện cụ thể (thí dụ, tối đa 3 tháng) để đẩy nhanh hỗ trợ quý giá này.

Hai là, Chính phủ xem xét sớm mở rộng đối tượng hỗ trợ tới tất cả lao động phi chính thức (lao động tự do) với mức trợ cấp 1 triệu đồng/người với quy mô 29.300 tỷ đồng (tổng số lao động năm 2020 là 54,6 triệu người, trong đó có khoảng 29,3 triệu người (53,7%) là lao động tự do), ngoài phần hỗ trợ riêng của các địa phương theo Nghị quyết 68.

 
Theo số liệu mới nhất mà nhóm nghiên cứu thu thập được, đến nay, các địa phương mới hỗ trợ lao động tự do với số tiền khoảng gần 2.370 tỷ đồng, rất nhỏ so với nhu cầu cấp thiết

Ba là, việc thu thập thông tin đối tượng cần hỗ trợ nên được tổng hợp, đối chiếu từ nhiều nguồn nhằm đảm bảo người dân có thể tiếp cận nhanh chóng và chính xác quyền lợi của mình. Việc tổng hợp danh sách đối tượng cần hỗ trợ nên được kết hợp từ cả việc đăng ký tại địa phương, người dân tự đăng ký (đăng ký online, qua tin nhắn SMS) cũng như đối chiếu thông tin từ danh sách người tham gia bảo hiểm xã hội, danh sách cử tri và nguồn khác (như nhà mạng, công ty điện, nước...). Điều này sẽ hạn chế việc thu thập thiếu hoặc chậm trễ trong thu thập thông tin cá nhân. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuẩn, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác an sinh xã hội, cứu trợ; có sự liên thông, chia sẻ được với cơ sở dữ liệu định danh quốc gia.

Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp tiền hỗ trợ cho người dân bằng cách: (i) Cho phép đăng ký qua mạng; (ii) Tận dụng hệ thống thông tin, dữ liệu hiện có và tham khảo/đối chiếu qua hệ thống dữ liệu của các tổ chức khác (như Bảo hiểm Xã hội, Nhà mạng, doanh nghiệp điện, nước...) và tổ chức đoàn thể địa phương (nếu cần) để xác định đối tượng nhanh, trúng và đầy đủ hơn; (iii) Kết hợp nhiều kênh chuyển tiền cho dân (qua tài khoản ngân hàng, ví điện tử, dịch vụ tiền di động – mobile money...; ngoài kênh phát tiền trực tiếp như đang làm). Những việc này vừa đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, giảm chi phí, giảm thủ tục giấy tờ, hạn chế rủi ro lây lan dịch bệnh và cũng là thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Năm là, cần ưu tiên hoàn thiện thể chế và tăng nguồn lực an sinh xã hội (như là một chiến lược cấu phần trong chiến lược mới về phòng, chống dịch bệnh và thiên tai khác) với cách tiếp cận đổi mới, linh hoạt, có sự tham gia của nhiều bên gồm cả khu vực tư nhân và quốc tế; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin – dữ liệu; nâng cao năng lực tổ chức, đội ngũ an sinh xã hội cộng với nguồn tài chính hợp lý, bền vững. Việc ưu tiên giải quyết các bất cập hiện tại; đổi mới và nâng cấp hệ thống bảo trợ xã hội cho phép huy động, phân bổ nguồn lực an sinh hiệu quả hơn và phản ứng tốt hơn trước các cú sốc trong tương lai.