Đề xuất phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản
Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản. Tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong toả tài khoản của cơ quan thanh tra….
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại tờ trình Thanh tra Chính phủ gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.
Theo Thanh tra Chính phủ, kế thừa các quy định hiện hành về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra, dự thảo Nghị định quy định căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản khi đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, không thực hiện quyết định tạm giữ tài sản, quyết định thu hồi tài sản của người có thẩm quyền đúng thời gian theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Theo dự thảo, thủ trưởng cơ quan thanh tra, thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, trưởng đoàn thanh tra quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra để phục vụ cho hoạt động thanh tra.
Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi đối tượng thanh tra có tài khoản. Tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong toả tài khoản của cơ quan thanh tra.
Quyết định phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác.
Quyết định phong tỏa tài khoản được ký và đóng dấu của cơ quan ra quyết định thanh tra.
Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác.
Ngoài các quy định trên, dự thảo nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền.
Trong thời gian 3 ngày làm việc, kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra Quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra Quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy Quyết định phong tỏa tài khoản. Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.
Bên cạnh nội dung về phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra, những nội dung đáng chú ý khác trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra là: giám định trong hoạt động thanh tra; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra; (giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra; giải quyết kiến nghị về nội dung thanh tra; (xử lý vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra.
Về công khai kết luận thanh tra, dự thảo Nghị định quy định Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.
Dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa thời gian, cách thức thực hiện việc công khai kết luận thanh tra thông qua các hình thức đăng tải thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; công bố tại cuộc họp; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và Cổng thông tin điện tử; niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra...