Đề xuất sửa đổi quy định hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện để tránh vụ lợi
Nghị định số 93/2019/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động đúng theo quy định pháp luật và Điều lệ song quá trình thực hiện phát sinh một số vướng mắc...
Ngày 23/7, Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp đã đăng tải hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy tính đến tháng 12/2023, tổng số quỹ trên cả nước là 3.158 quỹ.
Trong đó, quỹ hoạt động phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh là 99 quỹ, bao gồm 5 quỹ được Bộ Nội vụ cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ năm 2023.
Có 3.059 quỹ hoạt động phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, năm 2023 có 38 quỹ được cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ, 4 quỹ bị giải thể.
NHIỀU VẤN ĐỀ CÒN TỒN TẠI
Từ khi Nghị định số số 93/2019/NĐ-CP có hiệu lực đến nay, quỹ xã hội, quỹ từ thiện đã kiện toàn theo điều lệ được công nhận, đã thực hiện việc công nhận, thay đổi thành viên hội đồng quản lý quỹ; sửa đổi, bổ sung điều lệ và báo cáo định kỳ theo quy định; đã ban hành các quy chế, quy định trong nội bộ. Nhiều quỹ đã chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Một số quỹ phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh đã thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại một số địa phương theo quy định của pháp luật để triển khai hoạt động.
Quỹ xã hội thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ đã tham gia huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, thể dục thể thao, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quỹ từ thiện đã tích cực vận động, huy động các nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ, tài trợ giúp đỡ người tàn tật, trẻ em mồ côi, người có hoàn cảnh khó khăn, nạn nhân chất độc màu da cam, đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, động viên, khuyến khích họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.
Tuy nhiên, tổ chức hoạt động của các quỹ còn một số tồn tại hạn chế. Có quỹ chưa thực hiện việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của quỹ theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP. Chưa ban hành đầy đủ các quy chế, quy định trong nội bộ quỹ theo quy định điều lệ quỹ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và quy định của pháp luật.
Báo cáo định kỳ về tổ chức, hoạt động, tài chính với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền còn chưa đảm bảo thời gian; chưa thực hiện đăng ký mã số thuế, kê khai thuế theo quy định.
Việc tổ chức thực hiện huy động các nguồn lực tham gia ủng hộ, hỗ trợ xây dựng nguồn tài chính của các tổ chức quỹ còn nhiều hạn chế, chưa có giải pháp tăng cường tài chính quỹ.
Tổng hợp số liệu báo cáo của 58/85 quỹ xã hội, quỹ từ thiện phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh cho thấy, tổng kinh phí thu của quỹ năm 2021 là hơn 3.468 nghìn đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ là không có; (ii) tổng chi năm 2021 là hơn 2.425 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo của 78/95 quỹ xã hội, quỹ từ thiện phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh thể hiện, tổng kinh phí thu của quỹ năm 2022 là hơn 2.982 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ là không có; (ii) tổng chi năm 2022 là hơn 1.817 tỷ đồng.
Số liệu báo cáo của 63/99 quỹ xã hội, quỹ từ thiện phạm vi hoạt động toàn quốc hoặc liên tỉnh thể hiện tổng kinh phí thu của quỹ năm 2023 là hơn 2.982 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ là không có; (ii) tổng chi năm 2022 là hơn 1.817 tỷ đồng.
ĐỀ XUẤT SỬA ĐỔI NHIỀU NỘI DUNG ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CỦA QUỸ
Nghị định số 93/2019/NĐ-CP đã tạo cơ sở pháp lý, điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn quỹ xã hội, quỹ từ thiện hoạt động đúng theo quy định pháp luật và Điều lệ.
Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Về tôn chỉ, hiện nay Nghị định số 93/2019/NĐ-CP mới chỉ quy định mục đích thành lập quỹ nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận; chưa có quy định cụ thể về lĩnh vực môi trường và một số lĩnh vực khác.
Ngoài ra, hiện nay đang có xu hướng gia tăng đề nghị thành lập quỹ gắn với tên riêng của cá nhân, tổ chức có dấu hiệu vụ lợi hoặc gắn liền với tên các đồng chí nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước hoặc anh hùng dân tộc và các chức sắc, tổ chức tôn giáo trong khi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP chưa có quy định về vấn đề này. Nghị định số 93/2019/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về tài liệu chứng minh tính hợp pháp của trụ sở quỹ.
Bên cạnh đó, Nghị định 93/2019/NĐ-CP chỉ quy định các quỹ được thành lập từ các nguồn tài sản hiến, tặng hoặc theo hợp đồng ủy quyền, di chúc mà tổ chức quyên góp và nhận tài trợ thì hàng năm phải dành tối thiểu 5% tổng số tài sản để tài trợ cho các chương trình, dự án phù hợp với mục đích hoạt động của quỹ nhưng chưa áp dụng quy định này đối với các quỹ còn lại.
Khoản 3, Điều 29, Luật Kế toán năm 2015 quy định thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm trước trước 31/3. Trong khi đó, điểm i khoản 2 Điều 8, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP quy định quỹ phải báo cáo tài chính trước ngày 31/12 (chưa đồng bộ với Luật Kế toán năm 2015 nêu trên).
Qua thực tiễn, gia tăng các thành viên trong một gia đình đề nghị thành lập quỹ, tham gia Ban sáng lập Quỹ và Hội đồng quản lý Quỹ (có dấu hiệu “Quỹ gia đình”) nên chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong tổ chức, hoạt động của quỹ. Tuy nhiên, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về vấn đề nêu trên…
Từ đó, Cơ quan soạn thảo đề xuất nội dung sửa đổi Nghị định số 93/2019/NĐ-CP theo 3 nội dung chính.
Thứ nhất, quy định nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức, hoạt động của các quỹ.
Thứ hai, quy định nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Thứ ba, phân cấp thẩm quyền giải quyết các thủ tục về quỹ theo Nghị quyết số 04/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ.