15:08 12/05/2025

Tăng cường kiểm nghiệm để phát hiện thuốc giả, thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng

Nhật Dương

Việc lấy mẫu được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm thuốc dễ bị biến đổi chất lượng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết thuốc có vai trò quan trọng trong công tác phòng chữa bệnh. Thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng, thuốc giả có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe người bệnh.

Do vậy, công tác bảo đảm chất lượng thuốc, đấu tranh phòng chống sản xuất, buôn bán thuốc giả luôn là một trong các hoạt động được sự quan tâm, giám sát chặt chẽ của Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan, cũng như của các doanh nghiệp dược chân chính.

Thời gian vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động trong công tác đấu tranh phòng chống thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng có xu hướng giảm thấp.

Tuy nhiên, các hành vi vi phạm liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc giả vẫn chưa được xử lý triệt để.

Vì vậy, hàng năm, Bộ Y tế đã xây dựng và triển khai các kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất. Cụ thể, về kiểm tra điều kiện kinh doanh, duy trì đáp ứng của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bán buôn bán lẻ thuốc, Bộ Y tế tiến hành kiểm tra định kỳ trên 30% số cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc.

Năm 2024, Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền triển khai 80 đoàn kiểm tra GMP (thực hành sản xuất tốt), tạm dừng hoạt động một phần của 1 cơ sở; 90 đoàn kiểm tra GSP (tiêu chuẩn thực hành tốt bảo quản thuốc) tại các cơ sở nhập khẩu.

Thanh tra Bộ đã triển khai 50 đoàn thanh tra về lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Đã ban hành 46 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là trên 2,5 tỷ đồng.

Trong năm 2024, Hệ thống kiểm nghiệm Nhà nước đã tiến hành lấy trên 43 nghìn mẫu thuốc trên thị trường để kiểm tra chất lượng. Việc lấy mẫu được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các sản phẩm dễ bị biến đổi chất lượng (500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu), và đã phát hiện 228 mẫu không đạt chất lượng.

Đồng thời, cũng đã phát hiện là 23 mẫu nghi ngờ là thuốc, dược liệu giả. Trong đó, có 11 mẫu thuốc đông dược có thông tin trên nhãn không tồn tại trên thực tế, có trộn lẫn các thuốc tân dược như paracetamol, diclofenac.

Các thuốc tân dược nghi ngờ bị làm giả tập trung vào các hoạt chất cefixim, cefuroxime, mebendazole, salbutamol, tetracyclin, được phát hiện ở 5 tỉnh/thành phố Bình Dương, Huế, Sóc Trăng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.

Căn cứ trên kết quả lấy mẫu giám sát chất lượng thuốc của hệ thống kiểm nghiệm thuốc, năm 2024, Bộ Y tế đã tiến hành xử lý đối với 65 mẫu thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng (thu hồi một phần), và thu hồi 10 lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng; 4 thuốc thu hồi tự nguyện; có 18 công văn cảnh báo về thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, thời gian qua, với mức tăng trưởng nhanh chóng trong sản xuất dược phẩm nội địa, Việt Nam cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực xuất khẩu dược phẩm, tiềm năng trở thành trung tâm dược phẩm và y tế của khu vực.

Thị trường dược phẩm Việt Nam tăng trưởng mạnh, với tổng giá trị từ tổng giá trị ước tính tăng từ khoảng 2,7 tỷ USD trong năm 2015, lên đến 7,2 tỷ USD vào năm 2023, với tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) là 10,6%.

Tiền thuốc bình quân đầu người năm 2023 đạt mức 75 USD, tăng 68,3 USD so với năm 2002, tăng 52,25 USD so với năm 2010.

Số cơ sở sản xuất thuốc trong nước tăng mạnh từ 50 nhà máy vào năm 2005; 158 nhà máy vào năm 2015, đến nay hiện có 238 nhà máy đạt GMP-WHO. Sản xuất trong nước bao phủ 13/13 nhóm thuốc thiết yếu theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Tăng trưởng sản xuất trong nước đạt 12-15% hàng năm. Giá trị thuốc sản xuất trong nước chiếm 70% về số lượng và trên 50% về giá trị sử dụng thuốc trong nước.

Số cơ sở bán buôn thuốc là 5.144 cơ sở; 65 cơ sở bán lẻ. Hiện có khoảng 20.000 thuốc có số đăng ký lưu hành còn hiệu lực.