17:24 17/07/2023

Dịch vụ logistics được xác định là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thành phố Đà Nẵng

Ngô Anh Văn

Việc xây dựng đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045, làm sao để đưa logistics phát triển, tạo sự kết nối để vận chuyển hàng hóa đi-đến thông suốt, tăng trưởng tốt nhất và kiểm soát được. Đặc biệt là để kết nối hàng hóa Việt Nam vươn rộng hơn ra thế giới...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Trưởng Ban xây dựng đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045, vừa có buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và đại diện các Sở, ngành của các tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động để nâng cao năng lực cạnh tranh logistics; trong đó, giao Bộ Công Thương thực hiện xây dựng Đề án chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh tranh của logitics, đưa dịch vụ logistics phát triển, tạo sự kết nối thông suốt hàng hóa, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu hàng hóa.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phải biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.
Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân phải biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc xây dựng đề án làm sao để đưa logistics phát triển, tạo sự kết nối để vận chuyển hàng hóa đi-đến thông suốt, tăng trưởng tốt nhất và kiểm soát được. Đặc biệt là để kết nối hàng hóa Việt Nam vươn rộng hơn ra thế giới.

Thứ trưởng cũng cho biết, Bộ Công Thương đã thành lập Ban soạn thảo đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045. Dự kiến, dự thảo Đề án lần 1 sẽ hoàn thành vào tháng 9/2023, sau khi lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia sẽ hoàn thiện dự thảo lần 2 trong năm 2023 và phấn đấu sẽ hoàn thành dự thảo để báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong quý 1/2024, chậm nhất trong quý 2/2024.

“Để việc soạn thảo đề án sát với thực tế, tạo động lực cho phát triển logistics, Bộ Công Thương đã làm việc với một số địa phương có tiềm năng phát triển dịch vụ logistics như Hải Phòng, Quảng Ninh… Đồng thời Bộ Công Thương cũng mong muốn lắng nghe thông tin từ các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế về nhu cầu và định hướng phát triển dịch vụ logistics của địa phương mình cũng như các ý kiến đóng góp để bổ sung xây dựng chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045 hoàn thiện nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm.

Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt hơn 732 tỷ USD, Việt Nam là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Thương mại nội địa đang phát triển ngày một sôi động, hầu như tất cả các hoạt động thương mại này rất cần có dịch vụ logistics phát triển.

Tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Đà Nẵng, cho biết hiện đóng góp của vận tải kho bãi, dịch vụ logistics chiếm tỷ trọng rất lớn trong kinh tế thành phố. Và trong dự thảo phát triển dịch vụ logisitcs Đà Nẵng thì logistics được xác định là 1 trong 5 lĩnh vực kinh tế mũi nhọn thành phố; trong đó, có 2 nội dung gắn với chiến lược phát triển trong thời gian tới của Đà Nẵng là Khu phi thuế quan và Khu thương mại tự do.

Ông Hồ Kỳ Minh cũng mong muốn Ban soạn thảo đề án đưa 2 nội dung trong dự thảo Chiến lược phát triển logisitcs của Đà Nẵng vào Đề án phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2035, tầm nhìn đến 2045.

Các ý kiến của đại diện thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam cũng đã thông tin về tình hình phát triển dịch vụ logistics của mỗi tỉnh, thành cũng như định hướng phát triển dịch vụ trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các ý kiến đóng góp cho dự thảo xây dựng đề án Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng như đề xuất các giải pháp để gắn kết logistics thông suốt khu vực miền Trung, khai thác hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây.