Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023: Hỗ trợ Việt Nam rút ngắn hành trình hướng tới nền kinh tế xanh
Để giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, Việt Nam cần có nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp, với công nghệ phù hợp...
Diễn đàn Kinh tế Xanh (GEF) 2023 theo dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/11 tại Hà Nội, với sự cộng tác của Nhóm châu Âu bao gồm: Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tiểu ban lĩnh vực tăng trưởng xanh EuroCham, 9 hiệp hội doanh nghiệp châu Âu trực thuộc EuroCham Việt Nam và các quốc gia châu Âu.
EuroCham Việt Nam cho biết sự kiện bao gồm các cuộc đối thoại về phát triển bền vững, phiên họp toàn thể cấp cao và các phiên hội nghị chuyên đề, quy tụ các lãnh đạo đầu ngành, các nhà hoạch định chính sách và những người ủng hộ chính sách bền vững của châu Âu và Việt Nam.
Phiên họp toàn thể cấp cao của Diễn đàn dự kiến có Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte và Bộ trưởng Bộ Năng lượng Đan Mạch Dan Jannik Jørgensen tham dự.
Ngoài ra, diễn đàn còn có nhiều hội thảo chuyên sâu tập trung vào các chủ đề quan trọng như năng lượng tái tạo, tài chính xanh, giảm phát thải carbon và nông nghiệp bền vững.
Trong buổi họp báo ra mắt Diễn đàn Kinh tế Xanh 2023 mới đây, Đại sứ Julien Guerrier, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của GEF.
Ông cho rằng diễn đàn như một biểu tượng cho những nỗ lực hợp tác không ngừng giữa châu Âu và Việt Nam. Đồng thời tin tưởng những sáng kiến như vậy sẽ mở đường cho quá trình chuyển đổi xanh thành công, thể hiện sức mạnh hợp tác của châu Âu và Việt Nam.
“Châu Âu đang đi đầu trong năng lượng xanh, chúng tôi cũng nỗ lực vận động để có sự chuyển dịch toàn cầu hướng tới nền kinh tế phát thải thấp, nền kinh tế tuần hoàn. Đây là sức mạnh để chuyển những thách thức hiện nay của biến đổi khí hậu thành những cơ hội cho cả nền kinh tế và doanh nghiệp, mở đường một tương lai trong đó người dân và doanh nghiệp sẽ sống và phát triển thịnh vượng trong một hành tinh xanh lá, xanh rừng”, ngài Đại sứ nhấn mạnh.
Nhu cầu năng lượng tái tạo ở toàn cầu đang tăng lên, do đó cần đảm bảo chúng ta phát triển được một mô hình loại bỏ thói quen sản xuất, sử dụng và vứt đi. Như vậy cần phải tìm ra cách để không làm cạn kiệt nền kinh tế và như thế, kinh tế tuần hoàn là con đường duy nhất.
Phải xây dựng, lồng ghép tính tuần hoàn vào hệ thống năng lượng, giao thông, xây dựng, chuỗi thực phẩm… Điều này có tác động rất lớn về cách thức mà các doanh nghiệp có thể phát triển thịnh vượng trong tương lai, dẫn tới việc làm tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và cuộc sống, để cuộc sống hài hoà với thiên nhiên. Do đó cần những giải pháp cụ thể để hướng tới một tương lai bền vững.
Đại sứ Julien Guerrier chỉ rõ, những nghiên cứu cho thấy việc chuyển sang nền kinh tế tuần hoàn sẽ giúp tiết kiệm được 600 triệu euro cho các doanh nghiệp đến năm 2030, bằng 8% tổng doanh thu của các doanh nghiệp và tạo ra được 600 nghìn việc làm. Đây là những cơ hội cũng như lợi ích kinh tế mang lại cho cả xã hội và doanh nghiệp tiên phong trong quá trình chuyển đổi.
EU đang đi đầu trong chuyển đổi xanh cũng như công nghệ xanh. EU sẽ giúp Việt Nam xanh hoá nền kinh tế và tăng cường năng lực trong việc chống lại biến đổi khí hậu, giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ở Việt Nam. Không chỉ ở ngành năng lượng hay giao thông mà ở toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi sự nỗ lực hợp tác của các bên như doanh nghiệp Việt Nam và EU, các nhà sản xuất, nhà đầu tư, khách hàng, tổ chức xã hội dân sự... Đây chính là mục tiêu của GEF 2023.
“Doanh nghiệp EU đi đầu về công nghệ, còn Việt Nam khẳng định phát triển bền vững là con đường cần đi. Như vậy, chúng ta có chung tham vọng để hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với những công nghệ tiên tiến, EU sẽ hỗ trợ Việt Nam rút ngắn hành trình hướng tới mục tiêu này”, Đại sứ Julien Guerrier nhấn mạnh.
Ông Christoph Prommersberger, Phó Đại sứ, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh về các mục tiêu bền vững của Việt Nam đến năm 2050. Rút kinh nghiệm từ châu Âu, ông chỉ ra những thách thức trong việc biến các cam kết thành kết quả.
Ông cho rằng cộng đồng doanh nghiệp có vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh, đặc biệt khi bắt đầu áp dụng các quy định mới của EU, chẳng hạn như Thoả thuận xanh, Chống phá rừng, Chương trình thẩm tra tính bền vững của doanh nghiệp, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… Những quy định này đồng nghĩa với việc tất cả hàng hoá của Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường EU thì phải đáp ứng được những tiêu chí về bền vững cao hơn trong những năm tới đây.
Vì vậy, để giữ được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tương lai, Việt Nam phải chuẩn bị tất cả những điều này. Cần có nền kinh tế tuần hoàn carbon thấp, với công nghệ phù hợp, không chỉ tạo công ăn việc làm cho những doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu mà còn giúp các nhà đầu tư châu Âu làm ăn tại Việt Nam phục vụ thị trường châu Âu và nhà cung ứng của họ.
Diễn đàn cũng sẽ giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng được những khung pháp lý phù hợp tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển dịch xanh, đồng thời giúp huy động được nguồn vốn cho sự chuyển dịch.
“Không dễ dàng đạt được mục tiêu đặt ra, đây sẽ là hành trình dài và đầy khó khăn nhưng tôi tin khi đã cam kết chúng ta sẽ làm được”, Christoph Prommersberger khẳng định.