10:22 09/02/2022

Đổ bể thương vụ 40 tỷ USD, SoftBank chuẩn bị thực hiện IPO lớn nhất lịch sử ngành chip

Đức Anh

Không bán được Arm do sự phản đối của cơ quan chức năng, SoftBank "lên dây cót" cho vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của hãng chip này...

CEO SoftBank Masayoshi Son đặt mục tiêu đưa Arm niêm yết cổ phiếu "thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử ngành chip" - Ảnh: SBG
CEO SoftBank Masayoshi Son đặt mục tiêu đưa Arm niêm yết cổ phiếu "thương vụ IPO lớn nhất trong lịch sử ngành chip" - Ảnh: SBG

Tỷ phú Masayoshi Son, người sáng lập SoftBank Group Corp., ngày 8/2 cho biết ông dự định đưa công ty chip thiết kế chip Arm Ltd. niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) sau khi nỗ lực bán lại công ty này cho hãng chip Mỹ Nvidia Corp. thất bại do vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách.

Thương vụ bán Arm Ltd. – hãng chip có trụ sở tại Anh - được SoftBank công bố vào tháng 9/2020 với giá trị khoảng 40 tỷ USD.

Tại cuộc gọi công bố kết quả kinh doanh quý ngày 8/2, sau khi thông báo thương vụ này đổ bể, ông Son đã phần lớn thời gian còn lại của cuộc gọi để quảng cáo về IPO của Arm với các nhà đầu tư và giới phân tích.

Ông bắt đầu bài thuyết trình với việc điểm qua thành tích của công ty và lý giải ứng dụng công nghệ của Arm đã vượt ra khỏi điện thoại thông minh sang ô tô và điện toán đám mây.

“Arm sắp bước vào thời kỳ hoàng kim mà ở đó công ty sẽ trải qua đợt tăng trưởng bùng nổ thứ hai”, ông Son nói. “Dù IPO hiện tại là kế hoạch dự phòng của SoftBank dành cho Arm, trên thực tế chúng tôi đã cân nhắc một thương vụ niêm yết tương tự trước khi Nvidia đề xuất mua lại công ty. Hiện tại chúng tôi quay trở lại kế hoạch ban đầu và hướng tới IPO lớn nhất trong lịch sử ngành chip”.

Tuy nhiên, vấn đề hiện tại nằm ở định giá của Arm. Theo thỏa thuận với Nvidia vào tháng 9/2020, SoftBank dự kiến nhận 10 tỷ USD tiền mặt và gần 8% cổ phần tại hãng chip Mỹ - tổng cộng khoảng 40 tỷ USD thời điểm đó. Tuy nhiên, mức định giá này đã tăng thêm hàng chục tỷ USD do giá cổ phiếu của Nvidia tăng. SoftBank có thể sẽ gặp khó khăn để có được một IPO với mức định giá tương tự.

Do thương vụ thất bại, SoftBank sẽ được nhận 1,25 tỷ USD phí phá hợp đồng từ Nvidia. Công ty này mua lại Arm vào năm 2016 với giá 32 tỷ USD. Nếu thương vụ với Nvidia thành công, SoftBank đã có thể bỏ túi hơn 8 tỷ USD lợi nhuận. Thương vụ này từng là ưu tiên hàng đầu của SoftBank nhằm có tiền để đầu tư vào các startup mới, đồng thời tận dụng mối liên hệ với Nvidia để thúc đẩy điều mà ông Son gọi là “một cuộc cách mạng” toàn cầu” về trí tuệ nhân tạo.

Hãng thiết kế chip Arm của Anh hiện là nhà cung cấp thiết kế chip hàng đầu cho điện thoại thông minh trên thế giới- Ảnh: Reuters
Hãng thiết kế chip Arm của Anh hiện là nhà cung cấp thiết kế chip hàng đầu cho điện thoại thông minh trên thế giới- Ảnh: Reuters

Ngay từ đầu, đề nghị mua lại Arm của Nvidia vấp phải sự phản đối của các nhà chức trách nhiều nước. Thương vụ này hứng đòn giáng nặng nề nhất khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) khởi kiện để chặn thương vụ vào tháng 12 năm ngoái, trong đó nói rằng Nvidia sẽ nắm quá nhiều quyền kiểm soát với những thiết kế chip mà các hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang và sẽ sử dụng. Arm hiện là nhà cung cấp thiết kế chip hàng đầu cho điện thoại thông minh trên thế giới.

Thương vụ cũng cần được phê duyệt bởi các nhà chức trách tại Liên minh châu Âu, Trung Quốc cũng như Anh – nơi Arm đặt trụ sở - nhưng không được nơi nào thông qua.

SoftBank dự kiến sẽ tiến hành IPO của Arm trong năm tài khóa 2022 (kết thúc vào tháng 3/2023). Ông Rene Haas, Chủ tịch của Arm, sẽ đảm nhiệm vị trí CEO thay cho Simon Segars – người vừa từ chức.

Tỷ phú Son đã chịu ảnh hưởng lớn bởi sự suy thoái của thị trường công nghệ. Tỷ phú Nhật đã đầu tư mạnh vào các công ty công nghệ khởi nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, giá trị cổ phần của SoftBank tại các công ty đại chúng như Didi Global Inc. và DoorDash Inc. sụt giảm mạnh. Hiện tại, giá trị cổ phần này đã giảm hơn 50% so với mức đỉnh vào tháng 3/2021.

Tháng 11 năm ngoái, tại một buổi họp báo, ông thừa nhận rằng “cơn bão tuyết” vẫn chưa tan.

“Cơn bão vẫn chưa hết. Trên thực tế, nó đã mạnh lên tại Mỹ và nhiều quốc gia khác”, ông Son nói.

Giá trị tài ròng của SoftBank – một thước đo ưa thích của ông Son khi nói về hiệu quả hoạt động của SoftBank, đã giảm xuống còn 168 tỷ USD tính tới tháng 12/2021, giảm từ 187 tỷ USD ba tháng trước đó. Điều này khiến tỷ lệ vay trên giá trị (LTV) của công ty tăng lên 22%, mức cao nhất kể từ năm 2018.

Trong quý cuối năm ngoái, quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank đã có lợi nhuận trở lại với 109 tỷ Yên (940 triệu USD), sau khi lỗ kỷ lục 825,1 tỷ Yên quý trước đó.