10:52 10/01/2021

Độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã cao hơn trung bình thế giới

Đào Vũ

Trong thời gian qua CIC đã mở rộng cơ sở dữ liệu về thông tin tín dụng trên cả thông tin truyền thống và thông tin phi truyền thống

Tại hội nghị tổng kết công tác của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021, Tổng giám đốc Đỗ Hoàng Phong cho biết, độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đã tăng từ 41,8% năm 2015 lên 59,6% năm 2020.

Như vậy, độ phủ thông tin tín dụng Việt Nam đạt được đã cao hơn mức trung bình của khu vực châu Á Thái Bình Dương và khu vực nước có thu nhập cao OECD.

Chi tiết trong năm 2020, độ phủ thông tin tín dụng tiếp tục được cải thiện so với năm 2019, tăng hơn 2,9 triệu khách hàng vay (trên 10,7 triệu hồ sơ vay mới), nâng tổng số khách hàng trong kho dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia lên trên 45,6 triệu khách hàng vay (trong đó trên 1,3 triệu khách hàng pháp nhân và gần 44,3 triệu khách hàng thể nhân), vượt trên 30% so với mục tiêu đặt ra tại Đề án phát triển giai đoạn 2015-2020.

Ông Phong cũng cho biết thêm, bên cạnh việc mở rộng độ phủ thông tin tín dụng, năm 2020 CIC còn hỗ trợ giảm thiểu tác động của Covid-19 thông qua việc giảm giá sản phẩm, dịch vụ 2 lần với tổng số tiền là khoảng 200 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí hoạt động, qua đó giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các doanh nghiệp và cá nhân được tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh nhấn mạnh, trong năm 2021, CIC cần tập trung vào một số trọng tâm như triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 01 của Thống đốc về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2021; Kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước triển khai các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 và định hướng đến năm 2022.

Trong đó, CIC cần đề ra những nhiệm vụ và mục tiêu cụ thể, triển khai đồng bộ các giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất trong các mặt hoạt động. CIC cũng cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan để đảm bảo đặc thù của đơn vị sự nghiệp tự chủ hoạt động theo Nghị định 16 và Nghị định 141 của Chính phủ, đảm bảo chặt chẽ nhưng phải tạo điều kiện, khuyến khích và nâng cao hiệu quả công việc phù hợp với các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, CIC cần mở rộng hơn nữa kho dữ liệu, vừa duy trì các nguồn thông tin trong ngành, vừa đẩy mạnh thu thập các thông tin phi truyền thống từ các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức tự nguyện; mở rộng và nâng mức độ bao phủ của thông tin tín dụng và duy trì điểm số về chiều sâu thông tin tín dụng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang ngày càng phát triển và tác động rất lớn vào mọi mặt của hoạt động kinh tế, xã hội, CIC cần tiếp tục khai thác triệt để công năng và hiệu quả của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay; tổ chức triển khai hiệu quả kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin giai đoạn 2018-2023. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các xu hướng công nghệ mới vào hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu, nghiệp vụ xử lý, cung cấp thông tin và hỗ trợ khách hàng.

“Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ thông tin đồng bộ cần gắn với việc đảm bảo an toàn thông tin mạng, an toàn bảo mật tổ thông tin tín dụng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia vào hệ sinh thái thông tin tín dụng quốc gia”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.