16:29 18/09/2019

Doanh nghiệp FDI vẫn muốn tăng giờ làm thêm nhưng không tính lương luỹ tiến

KIỀU LINH

Việc quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ rất có thể sẽ phản tác dụng khi mà lương làm thêm giờ quá cao sẽ khiến người lao động gây sức ép lên người sử dụng lao động để có thể làm thêm giờ

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Giữ nguyên giờ làm 48 tiếng một tuần, tăng giờ làm thêm và không luỹ tiến lương giờ làm thêm là những kiến nghị mà các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục bày tỏ mong muốn tại Hội thảo Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi những tác động bất lợi và kiến nghị diễn ra sáng 18/9 do CIEM tổ chức.

Tại hội thảo, một số tài liệu điều tra được nhóm nghiên cứu đưa ra kết quả như: Trong số 222 lao động được khảo sát thì có đến 91,4% lao động cho biết vui vẻ sẵn sàng nếu được huy động làm thêm giờ; 7,6% miễn cưỡng và 1% không đồng ý hoặc chống đối.

Các lý do để người lao động sẵn sàng làm thêm giờ là tăng thu nhập để có tích luỹ, đủ trang trải cuộc sống, không có việc gì làm. Còn nhu cầu làm thêm giờ của doanh nghiệp do đơn hàng không ổn định, không chủ động được đơn hàng, doanh nghiệp không tuyển đủ lao động theo yêu cầu, công nhân nghỉ việc nhiều.

Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, tổng số giờ được làm thêm tối đa trong một năm của Việt Nam đang bị hạn chế (200 giờ), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang cạnh tranh lao động với Việt Nam như các nước trong khối ASEAN (Thái Lan: 1836 giờ, Malaysia: 1248 giờ, Philippines: 1224 giờ, Indonesia: 714 giờ) hay Trung Quốc (432 giờ), Bangladesh (408 giờ), Ấn Độ (300 giờ). 

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 200 giờ/năm hoặc 300 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Thậm chí, có doanh nghiệp đã phải chấp nhận việc vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng theo máy bay. Nếu giảm giờ làm việc bình thường như Dự thảo Bộ Luật lao động mới đương nhiên các doanh nghiệp phải tăng giờ làm thêm, nhưng kéo theo đó sự gia tăng chi phí về tiền lương làm thêm giờ.

Do đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng cần xem xét về việc nâng mức thời giờ làm thêm tối đa hằng năm từ 200 giờ lên 300 giờ (đối với các ngành nghề bình thường). Riêng đối với một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định, người sử dụng lao động có thể tăng số giờ làm thêm từ 400 giờ lên 500 giờ với điều kiện là có nhu cầu kinh doanh chính đáng như các ngành nghề phục vụ xuất khẩu, phục vụ đơn hàng… và được sự đồng ý của người lao động đối với công việc làm thêm giờ.

Trong trường hợp vẫn giữ quy định 400 giờ đối với các trường hợp đặc biệt như trong Dự thảo, đề xuất chỉnh sửa ngành nghề "Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, linh kiện điện, điện tử, chế biến nông, lâm, thủy sản" thành "Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm là hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, sản xuất linh kiện hỗ trợ cho các sản phẩm nêu trên, chế biến nông, lâm, thủy sản".

Cùng với đó, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng cho rằng, tiền lương làm thêm giờ ở Việt Nam hiện nay đã quá cao so với thời giờ làm việc bình thường (150% vào ngày thường, 200% vào ngày nghỉ hằng tuần, 300% vào ngày nghỉ lễ, tết) và cao hơn so với tiền lương làm thêm giờ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản (125% vào ngày thường, 135% vào ngày nghỉ hằng tuần), Đài Loan (133,3%), Philippines (125%). Thậm chí tiền lương làm thêm giờ đã lũy tiến của Nhật Bản mới bằng tiền lương làm thêm giờ của Việt Nam (150%).

Việc quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ mục đích là để đảm bảo sức khỏe cho người lao động nhưng rất có thể sẽ phản tác dụng khi mà lương làm thêm giờ quá cao sẽ khiến người lao động gây sức ép lên người sử dụng lao động để có thể làm thêm giờ, tăng thêm thu nhập.

Bên cạnh đó, nếu trả lương làm thêm lũy tiến cao, người lao động nhìn thấy đây là một khoản lợi ích to lớn nên có thể kêu gọi người lao động khác với nhiều lý do biện minh khác nhau để làm việc cầm chừng (làm việc câu giờ), năng suất thấp để hết giờ làm việc tiêu chuẩn. Doanh nghiệp buộc phải tổ chức làm thêm giờ để hoàn thành sản lượng, đơn hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý, điều hành sản xuất của doanh nghiệp cũng như chi phí lao động tăng cao.

"Do vậy, chúng tôi kiến nghị không quy định trả lương lũy tiến làm thêm giờ để có thể đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia khác và để tránh những tác dụng ngược không mong muốn", Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị.