Doanh nghiệp vẫn thờ ơ diễn tập ứng phó sự cố hóa chất... do thiếu cán bộ chuyên môn
90% cơ sở hóa chất sau khi xây dựng “biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất” nhưng không tổ chức diễn tập ứng phó sự cố…
Theo Bộ Công Thương, sự cố hóa chất hiện đang có xu hướng xảy ra ngày càng nhiều, đặc biệt tại các tỉnh công nghiệp có số lượng doanh nghiệp sản xuất, sử dụng, kinh doanh hóa chất tập trung đông.
KHÓ KHĂN TRIỂN KHAI 4 TẠI CHỖ
Với đặc tính của nhiều loại hóa chất độc, nguy hiểm là tính ôxy hóa mạnh, ăn mòn mạnh, dễ cháy, độc cấp tính, độc hại đến môi trường... nên khi xảy ra các sự cố rò rỉ, tràn đổ, cháy, nổ rất nguy hiểm.
Theo thống kê, lượng hóa chất sử dụng của Việt Nam đang tập trung tại các nhà máy của các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM và các tỉnh có nhiều khu công nghiệp.
Bên cạnh các sản phẩm có thể dễ nhận thấy trong một số lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, bảo vệ thực vật, hóa chất tiêu dùng..... hóa chất còn tham gia nhiều vào quá trình sản xuất, chế tạo của nhiều ngành kinh tế.
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật về quản lý hóa chất đã được ban hành tương đối đầy đủ, các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý, doanh nghiệp hoạt động liên quan đến hóa chất phải tự chịu trách nhiệm thực thi.
Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 82/2022/NĐ-CP bổ sung quy định: Hàng năm, các cơ sở hóa chất phải tổ chức diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất đã được xây dựng trong “Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất” với sự chứng kiến hoặc chỉ đạo của đại diện cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương. Trong trường hợp cơ sở có tồn trữ hóa chất thuộc Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó nhưng dưới ngưỡng quy định tại Phụ lục IV Nghị định số 113/2017/NĐ-CP.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Ứng phó sự cố và An toàn hóa chất, Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, thời gian qua, công tác diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương ở nước ta chưa cao, đạt khoảng 35-40%. Số địa phương thực hiện diễn tập ít nhất là 1 lần. Nhưng việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh đạt trên 90%.
Nguyên nhân xuất phát từ một số khó khăn của chính nội tại doanh nghiệp. Tại toạ đàm “Biện pháp tăng cường ứng phó sự cố hóa chất” ngày 20/12, bà Hà Thị Nguyệt Quế, đại diện Công ty TNHH công nghệ Hóa chất và Môi trường Vũ Hoàng cho biết đó là vấn đề nhân lực. Doanh nghiệp đang thiếu những cán bộ có chuyên môn thực sự tốt để ứng phó sự cố hóa chất.
“Chúng tôi sản xuất, kinh doanh nguyên liệu hóa chất, nên có rất nhiều kỹ sư tốt nghiệp tốt từ các trường đại học hàng đầu của Việt Nam về lĩnh vực kỹ thuật, tuy nhiên, cán bộ có trình độ chuyên môn về lĩnh vực an toàn thì lại đang thiếu”, bà Quế nêu thực tế.
Ngoài ra là khó khăn về triển khai 4 tại chỗ: chỉ huy tại chỗ, huy động lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ trong ứng phó sự cố hóa chất. Nhất là phương tiện ứng phó tại chỗ, doanh nghiệp đã cố gắng trang bị những thiết bị tốt nhất để ứng phó nhưng với khối lượng hàng hóa tồn trữ trong nhà máy lớn thì sẽ rất khó khăn, ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp.
CẦN CÓ NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LÝ CỤ THỂ
Trước những khó khăn của doanh nghiệp trong ứng phó với sự cố hoá chất, ông Nguyễn Xuân Sinh, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) cho rằng bắt buộc phải diễn tập đối với các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch phòng ngừa ứng phó sự cố hóa chất. Diễn tập phải có sự giám sát, thậm chí có những tình huống có sự chỉ đạo của Sở Công Thương.
Ông Sinh nhấn mạnh tới vai trò của cơ quan quản lý địa phương trong vấn đề này. Bởi việc xây dựng biện pháp mà không quy định bắt buộc phải diễn tập, khi ấy doanh nghiệp làm xong để đấy… bất cập trong việc quản lý.
Do đó, cần hoàn thiện chính sách pháp luật, có những quy định pháp lý cụ thể hơn, quy định cụ thể cho từng khâu trong hoạt động hoá chất.
Ngoài ra, bộ máy ứng phó với sự cố hoá chất của địa phương vô cùng quan trọng. Đó là cảnh sát phòng cháy chữa cháy cứu hộ cứu nạn, lực lượng môi trường, y tế cũng có những kỹ năng riêng. Hằng năm phải được đào tạo, huấn luyện cho đội ngũ này những kỹ năng riêng.
Bên cạnh lực lượng ứng phó của nhà nước, cần có lực lượng trong khu công nghiệp, chẳng hạn trang thiết bị của các doanh nghiệp… Bởi khi lực lượng phòng cháy chữa cháy chưa tới xử lý kịp, doanh nghiệp có trang thiết bị có thể chủ động ứng phó trước mắt.
Về phía doanh nghiệp, cần thường xuyên tăng cường lực lượng ứng phó sự cố, luyện tập thường xuyên để nâng cao kỹ năng, tự xử lý những tình huống.
Là tỉnh có 16 khu công nghiệp tập trung, số lượng doanh nghiệp hoạt động rất lớn, việc sử dụng hóa chất nhiều, nên để chủ động ứng phó với sự hoá chất tại địa phương, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công Thương Bắc Ninh cho biết tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chặt chẽ hơn, ghi nhớ cam kết giữa các doanh nghiệp có những trang thiết bị theo từng khu vực mà Ban chỉ đạo hóa chất ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh nắm được và sẽ điều động khi cần thiết.
“Chúng tôi kiến nghị với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, đầu tư trang thiết bị như là xe hút, tẩy rửa, hút xử lý chất độc hóa chất khi sự cố xảy ra, tránh hiện tượng khi xảy ra mà có thông báo, hạn chế về thời gian…”, ông Tuấn chia sẻ.
Đồng thời sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền pháp luật liên quan, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp tuân thủ đúng chính sách pháp luật về ứng phó với sự cố hoá chất…