19:23 16/12/2021

Quản lý hoá chất còn nhiều bất cập

Vũ Khuê

Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chủ quan, lơ là, chưa xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hoá chất; Luật hoá chất đã bộc lộ một số điểm không còn phù hợp ...

Sở Công Thương Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất- Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty TNHH ViTop Chemical (Khu công nghiệp Yên Phong)
Sở Công Thương Bắc Ninh phối hợp với Trung tâm ứng phó sự cố và an toàn hóa chất- Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) tổ chức diễn tập ứng phó sự cố hoá chất tại Công ty TNHH ViTop Chemical (Khu công nghiệp Yên Phong)

Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), hoạt động liên quan đến hóa chất tại các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp luôn tiềm ẩn sự cố nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường và sức khỏe con người, tác động tới sự phát triển của doanh nghiệp.

CẦN SỬA ĐỔI LUẬT HOÁ CHẤT

Sự cố đơn giản nhất là vương vãi hóa chất. Sự cố nguy hiểm hơn là xì, rò dẫn đến nổ. Sự cố phức tạp hết sức nguy hiểm là vừa nổ, vừa cháy. Sự cố tại Nhà máy hóa chất Đức Giang, hoả hoạn ở Nhà máy Bóng đèn - phích nước Rạng Đông gây thất thoát lượng lớn chất thủy ngân.. là những ví dụ điển hình.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua các lực lượng chức năng đã có hàng trăm cuộc thanh tra, kiểm tra phát hiện những tồn tại trong việc hoạt động quản lý hóa chất.

Các vi phạm phổ biến là chưa thực hiện việc xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố; chưa tổ chức huấn luyện an toàn hóa chất; chưa xây dựng được nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở sản xuất, sắp xếp hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng các quy định hiện hành.

Tại tọa đàm trực tuyến “Nâng cao nhận thức trong xã hội về nguy cơ, sự cố hóa chất, tác hại và biện pháp phòng tránh”, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất cho rằng, sau 13 năm thực thi, Luật hóa chất đã phát huy hiệu quả nhất định nhưng cho đến bây giờ Luật cũng đã bộc lộ một số điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tiễn thị trường và thông lệ quốc tế.

Nhiều năm qua, các địa phương vẫn gặp khó khăn lớn về vấn đề nhân lực, nguồn lực, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hóa chất cũng như hoạt động phân cấp quản lý, ứng phó sự cố hóa chất tại các địa phương. Do đó cần có những thay đổi, bổ sung các quy định về quản lý hóa chất.

Ông Thanh chia sẻ, trong năm 2021 Cục Hóa chất đã rà soát những quy định pháp luật về quản lý hóa chất để quyết định giữ lại quy định nào, đổi mới, cải tiến, bổ sung quy định nào. Dự kiến đến cuối năm 2022 sẽ tham mưu Chính phủ để trình Quốc hội đưa vào chương trình sửa luật năm 2023 - 2024. Song việc sửa đổi một bộ luật là công việc khổng lồ và phải đòi hỏi sự chuẩn bị rất kỹ.

Mặt khác, theo Cục hoá chất, hiện nay tại Việt Nam có khoảng 52.000 loại hóa chất đang lưu hành, sử dụng, chưa kể các loại hóa chất này kết hợp với nhau thành những loại hóa chất hỗn hợp. Trong khi công tác quản lý hóa chất rất phức tạp, cần phải có trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

“Vì vậy trong quá trình tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất, Cục đang đề xuất xây dựng một mạng lưới tư vấn kỹ thuật nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp quản lý hóa chất, hỗ trợ các cơ quan quản lý kiểm tra và thực thi các quy định pháp luật quản lý hóa chất một cách tốt nhất”, ông Thanh thông tin.

CẦN SỰ PHÂN CẤP QUẢN LÝ

Cho rằng hóa chất là một trong những ngành có hệ thống quy định pháp luật tương đối đầy đủ từ luật, các nghị định, thông tư hướng dẫn cho đến những quy định về triển khai phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, giữa nhà nước với doanh nghiệp, giữa trung ương và địa phương, song theo ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, nhà nước vẫn cần tiếp tục xem xét, điều chỉnh một số quy định chưa thực sự nhuần nhuyễn để đảm bảo tính hợp lý trong thực hiện, đặc biệt tại các địa phương.

Đặc biệt cần phải có cơ quan đầu mối, chủ trì ở cấp địa phương trong thực hiện công tác này.

Đơn cử tại Hà Nội, ông Thắng cho biết, hiện có Sở chỉ huy ứng phó sự cố hóa chất nhưng chức năng quản lý của các sở, ngành thực hiện theo quy định của các bộ chủ quản. Nên chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, phân công rõ ràng, cụ thể về vai trò chủ trì hay phối hợp thực hiện giữa từng sở, ngành.

Đề xuất thêm, theo ông Thắng, trong xu hướng chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp tình hình mới, cần có sự phân cấp trong quản lý hóa chất và ứng phó với sự cố hóa chất giữa cơ quan quản lý nhà nước theo từng cấp trung ương - tỉnh, thành phố - các quận, huyện theo hướng tốn ít chi phí, lao động nhất và mang lại lợi ích cho số đông nhiều nhất. Đồng thời có sự thay đổi về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia thực hiện những khâu phù hợp.

Bên cạnh trách nhiệm quản lý, ông Thanh cho rằng, doanh nghiệp phải nhận thức và có chiến lược lâu dài để đảm bảo an toàn theo như tinh thần của khẩu hiệu “An toàn là số một”. Bởi an toàn đồng hành với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Đặc biệt, người đứng đầu doanh nghiệp phải là người có nhận thức cao nhất trong hệ thống quản lý của doanh nghiệp về an toàn hóa chất và đảm bảo sức khỏe, môi trường.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cho rằng, yếu tố mấu chốt giúp giảm thiểu các sự cố hóa chất có thể xảy ra tại doanh nghiệp chính là công nghệ trong lưu trữ, vận chuyển và sử dụng hóa chất.

“Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước trung ương và địa phương cần tổ chức cuộc hội thảo, tọa đàm về các công nghệ tiên tiến, xu hướng đổi mới trong quản lý, sử dụng hóa chất để các doanh nghiệp cập nhật và nâng cấp chương trình, kế hoạch ứng phó”, ông Dũng đề nghị.

Mặt khác, quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu dùng không thể loại bỏ hết hóa chất, nhưng trong quá trình nghiên cứu, phát triển sẽ có những loại hóa chất ít độc hại hơn. Do vậy, ông Dũng cho rằng, các cơ quan nhà nước cần thường xuyên cập nhật thông tin về việc ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại hơn, giúp định hướng doanh nghiệp kịp thời thay thế để an toàn, thân thiện hơn trong sản xuất.