07:47 11/08/2015

Càng hội nhập, doanh nghiệp đóng cửa càng nhiều?

Đoàn Trần

Với việc gia nhập WTO, cho dù là “làn gió mát”, thì Việt Nam vẫn đang mất nhiều hơn được

97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.
97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa.
Việc giám sát kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam vào WTO của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại nhiều tỉnh thành đều hướng đến việc làm rõ câu hỏi mà Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đặt ra, “đây có phải là làn gió mát?”.

Kết quả từ các tỉnh, thành thu về là không giống nhau nhưng nhìn chung, với việc gia nhập WTO, cho dù là “làn gió mát”, thì Việt Nam vẫn đang mất nhiều hơn được, và vấn đề cần phải khẩn trương tạo ra một cuộc chơi công bằng cho doanh nghiệp Việt khi hội nhập, đang trở nên cấp bách.

Theo Chủ nhiệm Giàu, mỗi năm có hơn 60.000 doanh nghiệp rời khỏi thị trường, điều này có phải vì sự đào thải của môi trường kinh doanh, hay do Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng và các doanh nghiệp này không thích ứng được?

Một thành viên của đoàn giám sát, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng đặt ra câu hỏi rằng: 97% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực rất yếu làm sao sống, cạnh tranh nổi khi hội nhập?

Liệu có phải càng mở cửa, càng khiến lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa càng nhiều?

Tại một thành phố mà khối doanh nghiệp được đánh giá là năng động nhất hiện nay trong cả nước, thì theo báo cáo của lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng tốt lộ trình mở cửa WTO và FTA để đẩy mạnh thị trường xuất khẩu.

Song, sự thụ động đó không hoàn toàn là từ phía doanh nghiệp, mà còn vì các cơ quan chức năng chưa thực sự nhiệt tình giúp cho họ, như nhận xét của bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Bà nói: “Doanh nghiệp Việt Nam yếu trên “sân nhà”, bởi yếu từ khâu được cung cấp thông tin và càng yếu hơn bởi quá trình cải cách nền hành chính công chưa gắn với hội nhập nên họ vẫn phải thường xuyên “đi đêm” và tốn phí bôi trơn”.

Dẫn ra thống kê của VCCI, trên cả nước chỉ có 30% doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng được ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, có nghĩa là 70% còn lại đang bỏ phí cơ hội, thành viên đoàn giám sát, bà Cao Thị Xuân, Ủy viên Hội đồng Dân tộc Quốc hội nhấn mạnh, “chỉ có doanh nghiệp lớn và một số doanh nghiệp vừa tiếp nhận thông tin hội nhập, trong khi ở Tp.HCM có đến 97% doanh nghiệp nhỏ và vừa thì rõ ràng số lượng lớn chưa tiếp cận được thông tin”.

Bà Xuân cho rằng, các hiệp hội, hội ngành nghề cần phát huy hơn nữa trong việc hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nắm bắt cơ hội khi Việt Nam mở cửa.

Phó chủ tịch UBND Tp.HCM Tất Thành Cang cũng thừa nhận doanh nghiệp Tp.HCM phải tự chòi đạp, tự tìm hiểu thông qua các kênh thông tin khác nhiều hơn việc được Nhà nước cung cấp.

Ngay cả thông tin về các nội dung đàm phán FTA, doanh nghiệp trong nước cũng thiệt thòi hơn vì hầu như còn rất lơ mơ trong khi các doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã biết tường tận để cân nhắc, xác định việc đầu tư vào Việt Nam.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế lưu ý, phần lớn quy mô các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.HCM còn nhỏ, sức cạnh tranh thấp... Các khó khăn cơ bản này không dễ khắc phục trong thời gian ngắn, nên chính quyền địa phương và doanh nghiệp cần nhận thức đúng, có giải pháp quyết liệt hơn để tận dụng các cơ hội và hóa giải thành công các thách thức do hội nhập đem lại.

Không chỉ Tp.HCM mà nhiều tỉnh thành khác đều than phiền về câu chuyện này.

Như tại Cà Mau, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản có liên quan đến WTO chưa nhiều, thiếu thường xuyên liên tục, hình thức, nội dung biện pháp tuyên truyền thiếu phong phú, đa dạng, hiệu quả chưa cao; có một số ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm đến lĩnh vực này; tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền về WTO còn hạn chế, số lượng ít, khó hiểu.

Mặt khác, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ...