15:00 19/08/2019

Dốc lực phát triển kinh tế miền Trung

Nhóm phóng viên

Cả miền Trung đang trong những ngày tháng thôi thúc phát triển

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mong muốn đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng cả nước, bất chấp nắng lửa, bất chấp mưa giông, cả miền Trung đang trong những ngày tháng thôi thúc phát triển... Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung dự kiến dưới sự chủ trì trực tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diễn ra trong một không khí như vậy.

Địa phương đăng cai tổ chức sự kiện này là Bình Định. Đây cũng là lần đầu tiên, Bình Định được chọn để tổ chức một hội nghị có quy mô lớn chưa từng có như vậy về phát triển kinh tế miền Trung. Bình Định hiện không chỉ là địa phương rất nỗ lực trong phát triển kinh tế, mà còn rất nỗ lực trong chăm lo đời sống của người dân.

Tăng trưởng kinh tế không để người dân nào bị bỏ lại là chủ trương xuyên suốt của Chính phủ. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, vấn đề chăm lo đời sống nhân dân đang tạo ra điểm nhấn ấn tượng của Chính phủ. Chính phủ muốn từ Bình Định, các địa phương miền Trung, nơi còn rất nhiều người dân còn chịu cảnh nghèo khổ, cũng dốc lực phát triển để đem lại bức tranh đời sống xã hội tươi sáng hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Hồ Quốc Dũng chia sẻ, "chúng tôi đã bỏ rất nhiều tiền bạc, công sức để ưu tiên đầu tư lĩnh vực giáo dục, y tế phục vụ cuộc sống người dân. Bệnh viện của Bình Định là một trong những nơi tốt nhất miền Trung. Vừa rồi, tỉnh bỏ ra 500 tỷ đồng để đầu tư trang thiết bị cho bệnh viện đa khoa và mua sắm hầu hết các máy móc, thiết bị hiện đại. Cùng với y tế, so sánh với các địa phương khác, địa phương chúng tôi cũng được đánh giá rất tốt về an toàn môi trường, an ninh trật tự".

Nhìn nhận Bình Định rất chú trọng phát triển kinh tế nhưng không phát triển bằng mọi giá mà bỏ qua các mong muốn của người dân, ông Dũng cho hay, toàn bộ không gian biển của vịnh Quy Nhơn là niềm tự hào của người dân và họ được tự do xuống biển, chính quyền không giao cho bất cứ nhà đầu tư nào cả. Thậm chí, Bình Định còn chủ động bỏ tiền ra để giải phóng mặt bằng làm công viên, phố đi bộ... phục vụ cộng đồng.

Ông Dũng kể: "Vừa rồi, khi Tp.Quy Nhơn đang làm công viên ở khu vực đường Trường Chinh, có người đã hỏi tôi rằng, chỗ này đã bán cho ai rồi. Tôi trả lời họ, tại đây mùa mưa ngập nước bãi cỏ không đẹp nên cải tạo thành công viên lát đá, trồng cỏ như mô hình ở Lăng Bác, để người dân có chỗ đi bộ tập thể dục đẹp hơn, chứ làm gì bán cho ai.

Tới đây, chúng tôi còn giải tỏa khách sạn Bình Dương để làm công viên cho người dân đi bộ ngắm biển. Không riêng gì khách sạn Bình Dương, sắp tới, khách sạn Hoàng Yến, Hải Âu cũng sẽ giải tỏa theo lộ trình, trả lại không gian công cộng ven biển cho người dân. Chúng tôi cũng tự hào là một trong những địa phương hiếm hoi trong cả nước chịu bỏ ra hàng trăm tỷ đồng đền bù chỉ để đổi lấy công viên, không gian công cộng phục vụ người dân".

Thông tin về Hội nghị Phát triển kinh tế miền Trung sẽ được tổ chức ngày 20/8 tại Tp.Quy Nhơn, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tại hội nghị này, đại diện cho các địa phương vùng kinh tế miền Trung, Bình Định sẽ kiến nghị lên Chính phủ các nhóm vấn đề như: sớm đầu tư hoàn thiện đường cao tốc Bắc - Nam trong đó có đoạn Quảng Ngãi - Bình Định - Phú Yên; đầu tư cao tốc nối liền các tỉnh duyên hải miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên, trước mắt là đoạn Bình Định - Gia Lai; sớm đầu tư hoàn thiện hệ thống đường ven biển, có cơ chế hỗ trợ vốn phù hợp với khả năng của địa phương, đảm bảo khả thi việc triển khai đầu tư xây dựng (Trung ương hỗ trợ tối thiểu 70% tổng mức đầu tư).

Qua hội nghị, Bình Định cũng sẽ đề nghị Trung ương ban hành chính sách để đầu tư các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền cho các tỉnh duyên hải miền Trung (Trung ương hỗ trợ tối thiểu 70% tổng mức đầu tư).

Riêng với tỉnh Bình Định, để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương hoàn thành các thủ tục đầu tư, thu hút được các nhà đầu tư thực hiện các dự án có quy mô lớn để tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghiệp của tỉnh, Bình Định sẽ kiến nghị Chính phủ xem xét trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển khu kinh tế đã được Thủ tướng phê duyệt, phân cấp lại cho Chủ tịch UBND tỉnh quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Becamex - Bình Định trong Khu kinh tế Nhơn Hội.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, Bình Định đề nghị Chính phủ bổ sung quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thành cảng hàng không quốc tế để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong các năm sắp đến và phù hợp với định hướng quy hoạch của tỉnh.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng phương án ngừng hoạt động tuyến đường sắt Diêu Trì - Quy Nhơn và di dời ga Quy Nhơn ra khỏi Tp.Quy Nhơn, tạo điều kiện để tỉnh Bình Định triển khai đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch được duyệt; mở rộng không gian đô thị Tp.Quy Nhơn, tiến hành chỉnh trang đô thị, tăng cường kết nối cảng Quy Nhơn với các khu vực giao thông đầu mối trong khu vực và cả nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, để Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa sớm được triển khai xây dựng, Bình Định cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ tỉnh đầu tư về cơ sở hạ tầng, thu hút, phát triển nguồn nhân lực, được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất... như khu công nghệ cao. 

Đồng thời cho cơ chế, chính sách để hình thành một số doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học tại Khu đô thị khoa học này (thành lập viện nghiên cứu y dược học từ việc chuyển một phần hoạt động của Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa, trường Đại học Khoa học ứng dụng...) và các chính sách hỗ trợ khác cho hoạt động đổi mới sáng tạo tại Bình Định...

Đồng loạt khởi sắc

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (tên gọi chung là miền Trung) gồm 14 tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dân số toàn vùng khoảng 20,2 triệu người, chiếm 21% tổng dân số cả nước, diện tích tự nhiên chiếm 28,9% cả nước.

Miền Trung là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, kết nối hai miền Nam - Bắc. Đặc biệt, biển miền Trung là tài nguyên quốc gia, là mặt tiền biển của Việt Nam, với chiều dài đường bờ biển 1.900 km.

Đây là vùng có vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển và các hoạt động kinh tế trên dải đất liền ven biển, địa bàn chiến lược thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển.

Miền Trung còn là cửa ngõ ra biển của tỉnh vùng Tây Nguyên, là bệ đỡ cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tiềm năng và nhu cầu mở cửa, hội nhập với thị trường quốc tế rất lớn.

Thời gian qua, kinh tế 14 tỉnh, thành phố vùng miền Trung đang đồng loạt khởi sắc, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng năm 2019 của vùng đạt cao so với bình quân chung cả nước. Tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 8,05% cao hơn bình quân chung cả nước (bình quân cả nước 6,76%).

Trong đó có 8/14 địa phương tăng trưởng 6 tháng/2019 cao hơn bình quân chung cả nước. Riêng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khá, đạt khoảng 12,8% (cả nước 8,93%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vững vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành.

Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của vùng cũng tăng cao hơn bình quân chung cả nước, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 6 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 6,950 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2018 (cả nước tăng 9,05%). Cùng với đó, thu ngân sách nhà nước đạt cao nhất từ trước tới nay. Tính đến hết tháng 6, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước của các tỉnh miền Trung ước đạt 100,73 nghìn tỷ đồng, bằng 57% dự toán Trung ương giao (173,5 nghìn tỷ đồng) cao hơn mức bình quân cả nước 52,8%, tăng 18% so cùng kỳ năm 2018.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, số vốn FDI đăng ký mới tăng cao hơn so với cùng kỳ 2018. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản lý và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tiếp tục được cải thiện trên bảng xếp hạng cả nước. Phát triển doanh nghiệp ổn định, doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 38,7% so với cùng kỳ 2018.

Với tốc độ này, dự kiến các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 của các tỉnh trong vùng sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 8,5%; các chỉ tiêu về thu, chi ngân sách, tổng mức lưu chuyển hàng hóa, thu hút đầu tư, số lượng khách du lịch... tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ, có 9/10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Ngày mai của Chu Lai

Từng bị coi là mô hình thất bại, Khu kinh tế mở Chu Lai đã sang trang mới. Nhìn lại gần 3 thập kỷ trước, năm 1991, Việt Nam bắt đầu manh nha hình thành các khu chế xuất. 3 năm sau bắt đầu hình thành khu công nghiệp. Đến năm 1996, hình thành ra khu kinh tế cửa khẩu, năm 1998 hình thành chính sách về khu công nghệ cao.

5 năm sau từ 1998 đến 2003, Việt Nam mới bắt đầu nghĩ tới khu kinh tế mở và đến năm 2003, Quảng Nam được chọn để xây dựng khu kinh tế mở đầu tiên của đất nước, Khu kinh tế mở Chu Lai. Quá trình này các bước đi đều có tính toán, rút kinh nghiệm từ quy mô nhỏ.

Sau khoảng thời gian như vậy, bắt đầu thấy những cơ chế cho không gian phát triển kinh tế chật chội và cần phải có Khu kinh tế mở mở để phát triển đất nước. Đây cũng là thời điểm Việt Nam chứng kiến sự thành công rực rỡ của một số mô hình khu kinh tế mở của Trung Quốc như Thẩm Quyến, Hạ Môn...

Khu kinh tế mở Chu Lai từng rất được kỳ vọng về một không gian kinh tế riêng biệt, có thể áp dụng những cơ chế chính sách đặc thù, tạo bước đột phá cho khu vực miền Trung và toàn quốc.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, Khu kinh tế mở Chu Lai được nhắc đến như một sự thất bại của Việt Nam trong thực hiện ước vọng xây dựng đặc khu kinh tế và tính lan tỏa để kéo sự phát triển cho các tỉnh miền Trung trong nhiều năm hầu như chưa được là bao nhiêu.

Nhưng quá khứ đó đang lùi lại. Ngày 24/3/2019, dự lễ khởi công các dự án mới đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dành những lời đầy tâm huyết để phân tích những bài học thực tiễn từ Chu Lai.

Theo Thủ tướng, gần 20 năm trước, ít ai có thể nghĩ một vùng đất cằn cỗi, hoang hóa như Chu Lai lại có thể trở thành nơi đặt đại bản doanh của một trong những tổ hợp công nghiệp thành công hàng đầu của cả nước.

"Đứng tại nơi đây, tôi đang hình dung rõ ràng về một Chu Lai không chỉ là khu sản xuất cơ khí ôtô nổi tiếng", Thủ tướng tin, "trong tương lai gần, Chu Lai sẽ đóng góp quan trọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ nội thất của thế giới và một Chu Lai khởi nghiệp để trở thành trung tâm chế biến nông lâm sản chất lượng cao của cả nước, có khả năng vươn tới những thị trường tiêu dùng, có sức cầu lớn ở các nước ASEAN, Đông Bắc Á, G7 và G20..."

Bài học rút ra từ Chu Lai và cũng là bài học để miền Trung "bật dậy" được người đứng đầu Chính phủ chỉ ra, trước hết, tài nguyên quan trọng hàng đầu của Chu Lai nói riêng, cả nước nói chung, không nằm dưới lòng đất hay ngoài biển khơi, mà ở trong chính khối óc, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và khát vọng vượt lên chính mình của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Cùng đó, muốn thành công, địa phương cần vận động bằng được những con "sếu đầu đàn" có khả năng đi trước dẫn đường. Con "sếu đầu đàn" phải là những nhà đầu tư giàu nghị lực, quyết tâm, sở hữu tiềm lực tài chính, có tinh thần dân tộc, có tầm nhìn xa, trông rộng, tư duy quản trị và óc kinh doanh nhạy bén. Vận động được nhà đầu tư chỉ là bước đi thành công đầu tiên trên một hành trình dài.

Địa phương, đặc biệt là cấp lãnh đạo phải luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, coi uy tín doanh nghiệp là chính uy tín của mình, xem khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của chính mình và mỗi thành quả mà doanh nghiệp đạt được cũng là thành quả của chính địa phương.

Ngược lại, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư phải xây dựng cho mình tư tưởng tương tự. Chìa khóa quan trọng để thực hiện được điều này là công thức 3 bên cùng thắng, tức win-win-win chứ không chỉ win-win: giữa Đảng bộ, chính quyền - cộng đồng doanh nghiệp - nhân dân địa phương; đồng thời giữ vững nguyên tắc "3 trong 1" là kinh tế - xã hội và môi trường trong mọi lựa chọn chiến lược và mô hình phát triển.

Phải thường xuyên nuôi dưỡng khát vọng ngày mai phải tươi sáng hơn hôm nay, mọi thành quả có được không phải để bất kỳ ai tự mãn mà phải xem đó là tiền đề, nền tảng cho những quyết tâm và thành quả to lớn.

Trong mọi đột phá về chiến lược thì đột phá về phương diện thể chế - cơ chế - chính sách luôn đóng vai trò tiên quyết. Điều này không chỉ phụ thuộc vào những chuyển động từ cấp Trung ương, mà địa phương cũng là chất xúc tác chiến lược, đóng góp những ví dụ thực tiễn quan trọng cho những hoạch định chiến lược và chính sách cấp Trung ương.