11:26 22/03/2016

“Đối đáp” Obama-Castro ở Havana

An Huy

Trong cuộc gặp ngày 21/3, Chủ tịch Castro đã đưa ra công thức cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Cuba

Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm tại Havana ngày 21/3 - Ảnh: Reuters.<br>
Chủ tịch Cuba Raul Castro (phải) và Tổng thống Mỹ Barack Obama hội đàm tại Havana ngày 21/3 - Ảnh: Reuters.<br>
Trong chuyến thăm lịch sử tới Cuba, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 21/3 hối thúc Havana cải thiện vấn đề nhân quyền. Chủ tịch Cuba Raul Castro khẳng định nước này tôn trọng nhân quyền.

Theo hãng tin Reuters, ông Obama đã đánh giá cao việc ông Castro thảo luận cởi mở về những khác biệt còn tồn tại giữa Mỹ và Cuba. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nói rằng mối quan hệ song phương chỉ “thực sự nở rộ” nếu Cuba có tiến bộ trong vấn đề nhân quyền.

“Nếu không có điều đó, tôi cho rằng quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục gặp trở ngại lớn”, ông Obama nói trong một cuộc họp báo chung với ông Castro. Cuộc họp báo bắt đầu bằng những câu nói vui vẻ giữa hai nhà lãnh đạo, nhưng cũng có những thời điểm bị bao trùm bởi không khí căng thẳng.

“Nước Mỹ tin vào dân chủ. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận, tự do tụ tập, và tự do tôn giáo không chỉ là những giá trị của Mỹ mà còn là những giá trị toàn cầu”, ông Obama phát biểu.

Diễn ra tại Cung Cách mạng ở Havana, cuộc họp báo Obama-Castro được truyền hình trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia Cuba.

Đáp lời Tổng thống Mỹ, Chủ tịch Cuba nói không một quốc gia nào có thể đáp ứng tất cả các quyền quốc tế.

“Có bao nhiêu quốc gia tuân thủ được toàn bộ 61 quyền con người? Các bạn có biết không? Tôi thì biết. Không một nước nào cả”, Castro nói.

Cuộc họp báo này cũng là lần hiếm hoi mà ông Castro trả lời câu hỏi của các nhà báo.

Khi được nhà báo nước ngoài hỏi về tù nhân chính trị ở Cuba, ông Castro đã yêu cầu nhà báo đưa ra danh sách những người bị giam giữ. “Hãy nói xem, ai là tù nhân chính trị. Hãy cho tôi một hoặc những cái tên. Và nếu có những tù nhân chính trị như thế, họ sẽ được phóng thích trước tối nay”, Chủ tịch Cuba nói.

Ông Castro nhấn mạnh Cuba có lịch sử mạnh về nhân quyền như các quyền về y tế, giáo dục và bình đẳng giới. Bấy lâu nay, Cuba chỉ trích Mỹ về các vấn đề phân biệt chủng tộc, bạo lực cảnh sát, và sử dụng tra tấn tại căn cứ hải quân Guantanamo.

Ông Obama là Tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm Cuba sau 88 năm. Vào năm 2014, ông tuyên bố nối lại quan hệ ngoại giao Washington-Havana sau gần 6 thập kỷ mối quan hệ bị cắt đứt.

Những nhân vật phản đối cải thiện quan hệ Mỹ-Cuba cho rằng ông Obama đã cho đi quá nhiều trong vấn đề này, mà không đổi lại được gì từ ông Castro. Tuy nhiên, phát biểu ngày 21/3, ứng viên Tổng thống hàng đầu của Đảng Cộng hòa Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba nếu đắc cử.

Trong cuộc gặp ngày 21/3, Chủ tịch Castro đã đưa ra công thức cho mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Mỹ và Cuba, nói rằng Washington cần dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đã kéo dài 54 năm đối với Havana và trao trả lại căn cứ Guantanamo cho Havana.

Ông Obama không trả lời về vấn đề Guantanamo, nhưng nói ông lạc quan về việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Cuba. “Lệnh cấm vận sẽ chấm dứt. Nhưng tôi không thể chắc chắn hoàn toàn là khi nào”, Tổng thống Mỹ nói.

Nỗ lực của ông Obama nhằm dỡ cấm vận đối với Cuba đang vấp phải sự phản đối của lãnh đạo Đảng Cộng hòa. Thay vào đó, ông Obama đã sử dụng quyền hành pháp của mình để nới các hạn chế về thương mại và du lịch đối với Cuba.

Trao đổi với hãng tin ABC của Mỹ, ông Obama nói các chuyến bay thẳng Mỹ-Cuba sẽ bắt đầu trong năm nay, và hoạt động du lịch thường xuyên tới Cuba sẽ sớm diễn ra.

Trong chuyến thăm mang ý nghĩa lịch sử tới Cuba của người đứng đầu Nhà Trắng, một loạt thỏa thuận kinh doanh đã được ký kết. Trong đó, công ty tàu du lịch Carnival của Mỹ tuyên bố sẽ có chuyến tàu đầu tiên từ Mỹ tới Cuba trong hơn 50 năm, mở đường cho việc đưa hàng nghìn du khách Mỹ tới đảo quốc Carribbean này.

Khoảng hơn một chục thương hiệu Mỹ đã ký thỏa thuận hoặc đang đàm phán với Cuba. Trước khi diễn ra cuộc gặp với Chủ tịch Castro, ông Obama cho biết Google tuyên bố sẽ mở thêm các điểm phát sóng Wi-Fi ở Cuba. Sau đó, Apple nói rằng những nỗ lực này mới đang ở giai đoạn đầu.