08:32 23/04/2022

Dow Jones “bay” gần 1.000 điểm, giá dầu lao dốc vì nỗi lo tăng trưởng

Bình Minh

Tính cả tuần, Dow Jones giảm 1,9%, đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp và là tuần giảm thứ 9 trong vòng 11 tuần trở lại đây. Giá dầu cũng "bốc hơi" 5% tuần này...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (22/4), với chỉ số Dow Jones giảm mạnh nhất kể từ những ngày căng thẳng của đại dịch Covid-19. Loạt báo cáo tài chính mới nhất và nỗi lo lãi suất tăng cao đã khiến nhà đầu tư ồ ạt bán cổ phiếu.

Giá dầu thô cũng có một phiên giảm mạnh vì triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu xấu đi trong môi trường lãi suất tăng, hoàn tất tuần giảm xấp xỉ 5%.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 981,36 điểm, tương đương giảm 2,8%, còn 33.811,4 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue-chip kể từ hôm 28/10/2020.

Chỉ số S&P 500 trượt 2,8%, còn 4.271,78 điểm, đánh dấu ngày giảm tồi tệ nhất kể từ tháng 3. Chỉ số Nasdaq giảm 2,6%, còn 12.839,29 điểm.

Cú giảm hơn 3% của cổ phiếu UnitedHealth đã lấy đi của Dow Jones hơn 100 điểm. Cổ phiếu Caterpiller, với mức giảm 6,6%, khiến chỉ số mất thêm gần 100 điểm nữa. Goldman Sachs, Home Depot và Visa cũng đóng góp nhiều vào sụt sụt giảm của Dow Jones trong phiên này.

Tính cả tuần, Dow Jones giảm 1,9%, đánh dấu tuần giảm thứ 4 liên tiếp và là tuần giảm thứ 9 trong vòng 11 tuần trở lại đây. S&P 500 mất 2,8% trong tuần, đánh dấu tuần giảm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, mức giảm cả tuần mạnh nhất thuộc về Nasdaq, khi chỉ số này mất 3,8%.

Kết quả kinh doanh quý 1 gây thất vọng của nhiều doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt các công ty y tế, là nguyên nhân chính khiến thị trường đổ dốc phiên này. HCA Healthcare giảm 21,8% và là cổ phiếu giảm mạnh nhất trong S&P 500. Loạt cổ phiếu y tế khác cũng giảm sâu theo, như Intuitive Surgical và Universal Health Services mất 14,3% mỗi cổ phiếu. DeVita giảm 9,2%; DexCom giảm 6,7%.

Cổ phiếu Verizon giảm 5,6% sau khi nhà mạng viễn thông hàng đầu nước Mỹ cho biết mất 36.000 thuê bao điện thoại trong quý 1.

“Thị trường đang lo ngại về những phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Nhưng sự thận trọng trong dự báo tăng trưởng doanh thu mà nhiều doanh nghiệp đưa ra đã dẫn tới mối mối lo còn lớn hơn, đó là cuộc chiến chống lạm phát sẽ gây ra một số tổn thất”, chuyên gia kinh tế trưởng Robertson Stephens Wealth Management nhận định.

Diễn biến chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: TradingView.
Diễn biến chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ trong vòng 1 năm trở lại đây - Nguồn: TradingView.

Trước phiên giảm này, chứng khoán Mỹ đã “đổ đèo” trong phiên ngày thứ Năm, khi một phát biểu của ông Powell gây sứt mẻ tâm lý thị trường. Ông nói rằng chống lạm phát là việc “cực kỳ quan trọng” và Fed đang cân nhắc khả năng nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tháng 5.

“Sự cứng rắn của ngân hàng trung ương và xu hướng tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lại đang chi phối thị trường”, nhà phân tích Ross Mayfield của Baird nói với CNBC. “Những vấn đề này không phải là mới, nhưng tiếp tục nhắc nhở chúng ta về sự dịch chuyển to lớn đang diễn ra trên phương diện chính sách. Ông Powell đã nói về những lợi ích mà việc tăng lãi suất sớm và quyết liệt có thể mang lại. Cách hành động như vậy sẽ giúp Fed có dư địa để cắt giảm lãi suất về sau nếu nền kinh tế giảm tốc mạnh”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng mạnh trong phiên ngày thứ Năm, sau phát biểu của Chủ tịch Fed. Phiên ngày thứ Sáu, lợi suất chững lại, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giữ quanh ngưỡng 2,9%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,68 USD/thùng, tương đương giảm 1,6%, còn 106,65 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,72 USD/thùng, tương đương giảm 1,7%, còn 102,07 USD/thùng.

Tuần này, giá cả hai loại dầu cùng giảm gần 5% vì mối lo kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc, kéo theo suy giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Tháng trước, giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.

Cách đây ít ngày, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022. Vị quan chức số 2 của IMF ngày 22/4 nói rằng cơ quan này có thể tiếp tục cắt giảm triển vọng kinh tế thế giới nếu các nước phương Tây tăng cường trừng phạt Nga vì chiến tranh Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao hơn.

Đức sẽ cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế nước này năm nay còn 2,2%, từ mức 3,6% - một quan chức chính phủ nước này tiết lộ. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu ở Trung Quốc trong tháng 4 có thể giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái vì phong toả chống Covid – theo hãng tin Bloomberg.

“Ở thời điểm hiện tại, mối lo về tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và Fed thắt chặt chính sách tiền tệ có vẻ như đang cân bằng với mối lo rằng châu Âu sẽ sớm mở rộng trừng phạt sang năng lượng Nga”, nhà phân tích Jeffey Halley thuộc Oanda nói về tác động của các yếu tố này lên giá dầu.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong 1 năm trở lại đây. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.
Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại thị trường London trong 1 năm trở lại đây. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: TradingView.

Tuần này, một nguồn tin từ Liên minh châu Âu (EU) tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Uỷ ban châu Âu (EC) đang đẩy mạnh nỗ lực tìm kiếm các nguồn cung cấp năng lượng thay thế nguồn cung từ Nga. Một cố vấn Nhà Trắng bày tỏ tin tưởng rằng châu Âu đã quyết tâm tiến tới “cai” năng lượng Nga.

Một báo cáo của Morgan Stanley nâng dự báo giá dầu Brent trong quý 3 năm nay thêm 10 USD/thùng, lên 130 USD/thùng, cho rằng nguồn cung dầu năm nay sẽ thâm hụt do sản lượng dầu của Nga và Iran giảm, tới mức vượt quá sự suy yếu của nhu cầu trong ngắn hạn.