15:34 14/11/2023

Dự án gần 1.500 tỷ chỉ khởi động, rồi "bất động" suốt hơn một thập niên

Nguyễn Thuấn

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn "đắp chiếu" từ cuối năm 2010 đến nay, với nhiều lý do khác nhau. UBND tỉnh Thanh Hóa đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng xem xét các nội dung, vấn đề còn tồn tại của dự án trên, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định...

Dự án xi măng Thanh Sơn chỉ mới đầu tư một số hạng mục, rồi  dừng thi công từ cuối năm 2010
Dự án xi măng Thanh Sơn chỉ mới đầu tư một số hạng mục, rồi dừng thi công từ cuối năm 2010

Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 3/2008. Dự án có quy mô công suất 2.500 tấn clinker/ngày (tương đương khoảng 0,91 triệu tấn xi măng/năm), diện tích sử dụng đất khoảng 36,14 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1.474,8 tỷ đồng.

HUY ĐỘNG VỐN KHÓ KHĂN

Theo thông tin của Văn phòng Tỉnh ủy Thanh Hóa, sau khi được chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn (Thuộc Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long TINCOM) đã san lấp mặt bằng nhà máy, xây dựng cổng, tường rào bao quanh, nhà điều hành, đường điện 35kV phục vụ thi công, nhưng chưa triển khai các hạng mục công trình chính của nhà máy sản xuất xi măng.

Tổng giá trị khối lượng thực hiện theo báo cáo của chủ đầu tư ước đạt 400 tỷ đồng. Do khó khăn trong việc huy động vốn, nên dự án đã dừng thi công từ cuối năm 2010.

Đến tháng 10/2020, Công ty Cổ phần Xi măng Thanh Sơn có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép đơn vị điều chỉnh công suất Nhà máy xi măng Thanh Sơn từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày (tương đương 01 dây chuyền sản xuất 2,3 triệu tấn/năm phổ biến hiện nay) và có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ bổ sung Nhà máy xi măng Thanh Sơn vào Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, phía công ty này có văn bản cam kết sẽ hoàn thành đi vào sử dụng tháng 7/2022, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thực hiện dự án từ 1.474,8 tỷ đồng lên 4.854,3 tỷ đồng.

Khu vực cổng chính vào dự án đã "cửa đóng, then cài" nhiều năm
Khu vực cổng chính vào dự án đã "cửa đóng, then cài" nhiều năm

Đến ngày 25/4/2022, Bộ Xây dựng có Văn bản số 1408/BXD-VLXD gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc nghiên cứu, xem xét về đề nghị của Công ty Cổ phần xi măng Thanh Sơn phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

Cũng tại Báo cáo số 142/BC-BXD ngày 29/11/2022 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định về đầu tư theo thẩm quyền, đảm bảo quyền lợi và vốn đã đầu tư của Công ty cổ phần xi măng Thanh Sơn, tránh phát sinh khiếu kiện, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.

KHÔNG ĐẢM BẢO CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ

Qua công tác rà soát của ngành chức năng, đơn vị liên quan của tỉnh Thanh Hóa, việc thực hiện đầu tư dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc bị kéo dài quá trình đầu tư từ năm 2008 đến nay là do chủ đầu tư thiếu vốn đầu tư, không đủ năng lực tài chính để thực hiện đầu tư, trách nhiệm này thuộc về nhà đầu tư.

Đến nay, công ty xin thực hiện điều chỉnh công suất Nhà máy lên 6.000 tấn clinker/ngày (hoặc đơn vị chỉ thực hiện đầu tư theo công suất 2.500 clinker/ngày như dự án cũ) cũng gặp nhiều vướng mắc, không đảm bảo các điều kiện để thực hiện đầu tư theo quy định hiện hành của pháp luật.

Cụ thể như, về tác động môi trường của dự án liên quan đến khu vực dân cư, Vị trí xây dựng Nhà máy xi măng Thanh Sơn nằm trong Đô thị trung tâm miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt tại Quyết định số 5042/QĐ-UBND ngày 27/12/2016; với phía Đông Bắc giáp thôn Vân Sơn (có khoảng 64 hộ dân, hộ gần nhất giáp tường rào, hộ xa nhất cách tường rào nhà máy khoảng 450m); phía Đông Nam cách hộ dân gần nhất thôn Hồng Sơn (84 hộ dân) khoảng 350m; phía Tây Bắc cách hộ dân gần nhất thôn Thanh Bình với 272 hộ dân, khoảng 300m, phía Tây Nam cách thôn Lương Sơn khoảng 100m.

Theo đó, khoảng cách từ Nhà máy xi măng Thanh Sơn đến các khu dân cư lân cận hiện không đảm bảo theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng - QCVN 01:2021/BXD.

Một số hạng mục công trình dự án đã xuống cấp, phía bên trong dự án cỏ mọc ùm tùm.
Một số hạng mục công trình dự án đã xuống cấp, phía bên trong dự án cỏ mọc ùm tùm.

UBND huyện Ngọc Lặc đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến các hộ dân của 5 thôn quanh khu vực nhà máy. Kết quả có 715/717 hộ không đồng ý tiếp tục thực hiện dự án do nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Do đó, nếu dự án đi vào hoạt động sẽ có tác động tiêu cực đến Khu đô thị Trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, không nhận được sự đồng thuận của người dân quanh khu vực.

Tiếp đến, vị trí thực hiện nhà máy không đảm bảo quy hoạch xây dựng. Bởi, Nhà máy xi măng Thanh Sơn thuộc loại xí nghiệp độc hại cấp I, phải quy hoạch ngoài khu vực xây dựng đô thị; tuy nhiên hiện nay, vi trí xây dựng Nhà máy  thuộc phạm vi Quy hoạch Đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa.

Về quy định đầu tư các dự án sản xuất xi măng trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/02/2023, trong đó giữ nguyên phương án bố trí các dự án xi măng hiện có trên địa bàn tỉnh, gồm: Xi măng Bỉm Sơn và Xi măng Long Sơn tại thị xã Bỉm Sơn; Xi măng Nghi Sơn, Xi măng Công Thanh và Xi măng Đại Dương tại Khu kinh tế Nghi Sơn, nhưng không bố trí không gian các công trình, dự án công nghiệp đối với Dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc.

Về vùng nguyên liệu đá vôi, đá sét xi măng của dự án, thì tại thời điểm chấp thuận dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn, khu vực mỏ nguyên liệu đá vôi tại xã Thúy Sơn có khoảng 44,65ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và khoảng 0,85 ha là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp; khu vực mỏ nguyên liệu đá sét tại xã Minh Sơn có khoảng 56,9ha thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất, và khoảng 10,1ha là đất ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Tuy nhiên, sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, công ty chưa thực hiện trình tự thủ tục chuyển mục đích sử dụng diện tích rừng sản xuất (gồm rừng tự nhiên và rừng trồng) sang mục đích khác.

Đến nay, việc chuyển mục đích sử dụng rừng tại khu vực mỏ đá nêu trên để sử dụng cho hoạt động khai thác khoáng sản (nếu có) phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định. Mặt khác, khu vực mỏ đá vôi núi Sắt tại xã Thúy Sơn và mỏ sét tại xã Minh Sơn nằm liền kề khu di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh Hang Bàn Bù là di tích và điểm du lịch cấp tỉnh, việc khai thác mỏ đá vôi, đá sét sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, phá vỡ môi trường, không gian văn hóa, du lịch của danh lam thắng cảnh đã được cấp có thẩm quyền công nhận, xếp hạng.

Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn cũng như dự khai thác vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy cần phải đánh giá kỹ mức độ ảnh hưởng đến các cơ sở an ninh, quốc phòng của khu vực theo quy định.

Về ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với việc triển khai dự án, ngày 03/4/2013, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 485/TTg-KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án xi măng theo quy hoạch. Trong đó, giãn tiến độ đầu tư dự án Xi măng Thanh Sơn sang giai đoạn sau năm 2015. Đến ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Văn bản số 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, trong đó, hoãn triển khai đối với dự án Xi măng Thanh Sơn (không xác định thời hạn cụ thể để triển khai lại dự án).

Đáng chú ý, trong các văn bản này, Thủ tướng Chính phủ đã loại bỏ khỏi Quy hoạch phát triển xi măng nhiều dự án có quy mô công suất nhỏ, do những dây chuyền sản xuất quy mô công suất nhỏ (0,91 triệu tấn/năm) không còn phù hợp, khả năng cạnh tranh không cao, tiêu tốn nguyên, nhiên liệu, ô nhiễm môi trường.

Ngoài ra, tại Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, chỉ cho phép đầu tư mới nhà máy sản xuất clinker có công suất một dây chuyền không nhỏ hơn 5.000 tấn/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và đầu tư đồng thời hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải, đáp ứng đầy đủ các chỉ tiêu về công nghệ và môi trường.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có văn bản cho phép dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn triển khai thực hiện trở lại. Do đó, việc UBND tỉnh Thanh Hóa chủ động điều chỉnh công suất Nhà máy từ 2.500 tấn clinker/ngày lên 6.000 tấn clinker/ngày và cho phép nhà máy hoạt động trở lại theo đề nghị của Công ty tại thời điểm hiện nay là không phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1592/TTg-KTN ngày 28/8/2014 nêu trên.

Từ những lý do nêu trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn 15369/UBND-CN báo cáo Bộ Xây dựng xem xét các nội dung, vấn đề còn tồn tại của dự án Nhà máy xi măng Thanh Sơn tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, làm cơ sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo giải quyết theo quy định.

Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 6 dự án sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế 27,61 triệu tấn/năm, trong đó có 5 dự án đã đi vào sản xuất, là tỉnh dẫn đầu cả nước cả về sản xuất xi măng, với sản lượng chiếm gần 20% tổng sản lượng toàn quốc.