09:50 20/08/2008

“Đừng quá kỳ vọng chứng khoán phục hồi mạnh”

Tú Uyên

Đó là nhận định của ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital

"Các yếu tố rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm" - Ảnh: Việt Tuấn.
"Các yếu tố rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm" - Ảnh: Việt Tuấn.
Hỏi chuyện ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc điều hành Quỹ VinaCapital, xung quanh sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung và dài hạn.

Việc tăng biên độ cho sàn Hà Nội lên +/-7% và Tp.HCM là +/- 5% của Ủy ban Chứng khoán đã tác động tích cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông nhận định gì về động thái này?

Về mặt kỹ thuật, việc tăng biên độ lần này sẽ tạo ra mức lãi lỗ cao hơn trong từng phiên giao dịch, giúp mang lại tâm lý hưng phấn trong ngắn hạn và do đó tăng tính thanh khoản cho thị trường.
 
Theo ông, liệu việc nới rộng biên độ có làm cho thị trường hồi phục bền vững hay không?

Việc hồi phục bền vững của thị trường không phụ thuộc nhiều vào việc điều chỉnh biên độ mà phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô cũng như tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty.  

Khi tình hình kinh tế vĩ mô có các cải thiện cơ bản như ổn định tỷ giá, lãi suất cơ bản hạ, lạm phát giảm, GDP tăng trưởng tốt, đồng thời các công ty trong nền kinh tế hoạt động hiệu quả, việc hồi phục bền vững của thị trường sẽ được bảo đảm.

Ngoài việc nới biên độ, các nhà điều hành cần phải làm gì để “giữ nhiệt” cho thị trường trong thời gian tới, thưa ông?

Việc giữ nhiệt cho thị trường là cần thiết thông qua việc tiếp tục nỗ lực bình ổn tình hình kinh tế vĩ mô cũng như đưa thêm các chứng khoán có giá trị tiềm năng cao vào thị trường. Cụ thể, như mạnh dạn phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) các doanh nghiệp nhà nước có hoạt động sản xuất kinh doanh tốt, qua đó kích thích nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng thêm các hoạt động đầu tư vào thị trường.

Trong 7 tháng đầu năm 2008, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu tích cực. Chính phủ cũng đã chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội để giảm thiểu lạm phát và cố gắng phấn đấu cuối năm 2009 đưa tỉ lệ lạm phát trở về một con số. Ông nhận định gì về điều này?

Tôi tin tưởng vào các biện pháp bình ổn nền kinh tế hiện nay của Chính phủ. Thực tế cho thấy các biện pháp bình ổn đã phát huy tác dụng, cộng thêm các yếu tố hỗ trợ của kinh tế thế giới như giá dầu giảm, đồng USD hồi phục, giá vàng giảm..., việc cuối năm 2009 đưa tỉ lệ lạm phát trở về một con số là rất khả quan.

Ông dự báo thế nào về tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam nửa cuối năm 2008 khi mà tình hình lạm phát tại Việt Nam vẫn đang ở mức khá cao và chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang được thực thi triệt để?

Các biện pháp bình ổn nền kinh tế của Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy tác dụng trong giai đoạn 6 tháng cuối năm 2008.  Nếu tình hình kinh tế chính trị thế giới tiếp tục bình ổn, không có các biến động lớn về giá dầu và giá các nguyên vật liệu cơ bản, các yếu tố cơ bản của nền kinh tế Việt Nam sẽ có các chuyển biến tích cực.

Điều này sẽ hỗ trợ cho tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty trong nước và do đó tăng tính bền vững cho thị trường chứng khoánViệt Nam.  

Tuy nhiên, do các yếu tố rủi ro tiềm ẩn của nền kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều, chúng ta không nên quá kỳ vọng vào khả năng hồi phục mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm mà nên nhìn vào xu thế trung và dài hạn của thị trường chứng khoán mà theo tôi là rất tiềm năng.

Động thái của các tổ chức đầu tư nước ngoài, trong đó có VinaCapital hiện tại ra sao? Tiếp tục đầu tư hay “án binh” chờ cơ hội mới?

Kinh tế của Việt Nam đã gặp một số khó khăn trong thời gian vừa qua, ảnh hưởng không nhỏ tới việc huy động và giải ngân của các quỹ đầu tư. Tuy nhiên, chúng tôi nhìn nhận đây là những khó khăn trong ngắn hạn.

Chiến lược của VinaCapital là đầu tư trung và dài hạn. Vì thế chúng tôi vẫn tiếp tục sàng lọc và đầu tư vào các doanh nghiệp có nền tảng kinh doanh vững vàng và tiềm năng tăng trưởng cao.

Chúng tôi tin vào sự phát triển và tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Do đó chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện các dự án đầu tư tại Việt Nam trong tất cả các thị trường tiềm năng như cổ phiếu các công ty trong và ngoài sàn, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, các công ty cổ phần tư nhân, các dự án phát triển bất động sản và cơ sở hạ tầng cũng như trái phiếu Chính phủ.