21:31 17/08/2008

Chứng khoán chờ thời khắc quyết định

Đức Hoàng

Việc các tin tốt được “sắp hàng” để công bố ra thị trường được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho một đợt phục hồi mạnh

Ủy ban Chứng khoán đã quyết định trả lại biên độ 5% cho sàn HOSE và tăng từ 4% lên 7% cho sàn HASTC - Ảnh: Việt Tuấn.
Ủy ban Chứng khoán đã quyết định trả lại biên độ 5% cho sàn HOSE và tăng từ 4% lên 7% cho sàn HASTC - Ảnh: Việt Tuấn.
Cuối cùng tia lửa nhỏ cũng đã đến với thông tin giảm giá xăng dầu cuối tuần qua. Điều này thực sự đã tạo niềm phấn khích lớn cho thị trường chứng khoán.

Nhưng “vụ nổ” này sẽ lớn đến đâu? Câu trả lời sẽ phải đến trong tuần tới.

Dồn dập tin tốt

Trong bối cảnh “khát” tin tốt, quyết định giảm giá bán lẻ xăng dầu đã tạo ra hiệu ứng lớn hơn mức giảm thực tế chỉ có 1.000 đồng/lít. Thị trường đã suy diễn thông tin trên theo một hướng lạc quan hơn nhiều: mức giảm ít nghĩa là Chính phủ để một “dư địa” cho lần giảm tiếp theo.

Việc giảm giá xăng sẽ tác động tích cực đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 9, mà trước mắt là nhóm ngành vận tải đã rục rịch giảm giá cước. Việc các tin tốt được “sắp hàng” để công bố ra thị trường được kỳ vọng sẽ hỗ trợ cho một đợt phục hồi mạnh.

Giá dầu thế giới sau khi tạo nên một “bẫy phục hồi” (bull-trap) - với mức cao nhất 117,48 USD ngày 13/8 - đã nhanh chóng quay trở lại mức 113,93 USD. Nếu giá dầu tiếp tục rơi xuống vùng dưới 110 USD, đây sẽ thực sự là tín hiệu rất tốt đối với thị trường chứng khoán.

Một thông tin nữa cũng đến trong tuần qua là quyết định trả lại biên độ 5% cho sàn HOSE và tăng từ 4% lên 7% cho sàn HASTC. Tuy nhiên đây cũng là điều e ngại nhất do lịch sử đã cho thấy hễ tăng biên độ là giá chứng khoán giảm. Liệu lối mòn này sẽ tiếp tục được kéo dài?

Thực tế, nếu loại trừ các hành vi đè giá, biên độ không quyết định chuyện tăng giảm mà chỉ tăng tính thanh khoản. Lần tăng biên độ này, như quan chức Ủy ban Chứng khoán đã cho biết, mang một sắc thái khác: không đặt nặng mục đích tăng thanh khoản cho thị trường mà vì các yếu tố vĩ mô đã được cải thiện.

Các lần nới biên độ trước đó chủ yếu do sức ép thanh khoản khi giới đầu cơ hầu hết phải nói lời từ biệt thị trường vì hết đất "kiếm ăn". Khi biên độ được trả lại như cũ, mức độ dao động giá sẽ lớn hơn, đồng nghĩa với kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt được nhanh hơn, họat động chốt lãi mạnh hơn và mức độ điều chỉnh giảm cũng lớn hơn.

Điều khiến nhà đầu tư phải thận trọng, là mức độ đánh giá sự tích cực từ các thông tin cơ bản như tình hình vĩ mô của nền kinh tế và kết quả hoạt động của doanh nghiệp như thế nào. Chúng ta đều biết rằng thông tin tích cực sẽ tác động tốt đến giá, nhưng sự khác biệt là ở mức độ tác động lớn đến đâu. Sự đánh giá của mỗi người là khác nhau.

Như đã có lần bàn tới, trên thị trường, không phải cứ mỗi người mua có một người bán tương ứng hay ngược lại, mà là một người bán có thể bằng nhiều người mua nếu xét theo tiềm lực tham gia thị trường và quy mô bán. Do đó, điều quan trọng là sự đánh giá thông tin của các tổ chức lớn trên thị trường, chứ không phải sự lạc quan của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Mua, bán hay nắm giữ?

Hiện tại, nhà đầu tư đang có những lựa chọn khác nhau.

Lựa chọn rủi ro hơn - nhưng lợi nhuận có thể lớn hơn - là tham gia thị trường tại những phiên điều chỉnh khi tiệm cận đỉnh 500 điểm (gần như chắc chắn sẽ xảy ra điều chỉnh) và lựa chọn ít rủi ro hơn là “lên tàu” khi chắc chắn rằng thị trường đã đi vào sóng thứ 3 (vượt qua mức 500 điểm).

Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, bán ra tại vùng đỉnh 500 điểm cũng không phải là dở nếu nhằm mục đích giảm thiểu rủi ro và có thể mua lại khi một xu hướng chắc chắn được thiết lập.

Những quyết định đó, chung quy lại, cũng là thể hiện việc chấp nhận mức độ rủi ro nào của mỗi người.

Do đó, sự đấu tranh giữa hai phe “bull” (lạc quan) và “bear” (bi quan) chắc chắn phải thể hiện ra ở khối lượng giao dịch và sự tranh chấp về giá. Khi phân tích kỹ thuật không xác định được điều gì sẽ xảy ra quanh mốc 500 điểm, chúng ta nên tập trung đến một công cụ hữu hiệu hơn: đó là tương quan cung cầu tại các phiên tranh chấp. Diễn biến giao dịch tại các điểm kháng cự hay hỗ trợ là thông tin quan trọng nhất, nhanh nhạy nhất, vượt mọi chỉ báo khác.

Điều chúng ta cần xác định lúc này là liệu thị trường có đủ lực vượt mức 500 điểm hay không? Chúng ta đang chờ đợi phe "bull" thể hiện sức mạnh và tốt nhất là đánh giá sức mạnh đó ở những phiên hoặc những thời khắc điều chỉnh khi lực bán ra bắt đầu mạnh lên.

Độ “hiếu chiến” và thực lực của bên mua mạnh đến đâu? Sự tập trung vào bảng điện tử sẽ đem lại câu trả lời chính xác nhất.

Chứng khoán chờ thời khắc quyết định - Ảnh 1

* Hiện tại, hầu như mọi chỉ báo phân tích kỹ thuật đều hết sức thuận lợi và chỉ ra một xu hướng tăng. Sự khác biệt của biên độ sẽ bắt đầu tác động vào một số chỉ báo về cường lực như RSI, Momentum. Do đó khi thị trường tăng liên tục, những chỉ báo này sẽ mang lại tín hiệu lạc quan quá mức.

Đối với những nhà đầu tư theo trường phái sóng Elliott, thị trường có vẻ đang bắt đầu bước vào con sóng thứ 3. Sóng đẩy đầu tiên được xác lập từ đáy 364 điểm ngày 20/6/2008 và đỉnh 493 điểm ngày 17/7/2008. Sóng hiệu chỉnh 2 từ đỉnh này xuống mức 425 điểm ngày 28/7/2008. Hơn hai tuần giao dịch gần đây, VN-Index tăng điểm liên tục và tiệm cận đỉnh cũ 493 điểm. Về lý thuyết, mức độ tăng của sóng thứ 3 có thể xác định bằng tỉ lệ Fibonacci 161,8% của sóng 1, tức là lên đến vùng 550 điểm.

Dĩ nhiên nếu sóng 3 hình thành, thị trường sẽ có một đợt tăng trưởng khá mạnh. Tuy nhiên, sóng 3 chỉ hình thành khi vượt được đỉnh của sóng 1, tức là băng qua vùng 500 điểm. Các lý thuyết chỉ đúng trong một số trường hợp và không có nghĩa là sóng 3 nhất thiết phải hình thanh theo đúng kịch bản.