Được nới room tín dụng, ngân hàng vẫn gặp áp lực cân đối vốn để cho vay
Theo SSI Research, việc nới hạn mức tín dụng trong năm 2022 sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không...
Như VnEconomy đưa tin, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát đi thông cáo cho biết, cơ quan này quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Theo SSI Research, như vậy tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400 nghìn tỷ đồng. Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, Ngân hàng Nhà nước đã nêu nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.
Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các ngân hàng thương mại là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm.
Cũng theo SSI Research, cần phải lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố sau.
Thứ nhất, theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các ngân hàng thương mại là 14% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các ngân hàng thương mại cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.
Thứ hai, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
Đánh giá về tình hình thanh khoản trên hệ thống, theo SSI Research đã có tín hiệu dịu lại về cuối tháng, nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt cũng như các doanh nghiệp phát hành đã phần nào giải quyết tạm thời các vấn đề liên quan đến việc gia hạn/giãn/cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các ngân hàng thương mại cổ phần đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.
Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350 – 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ ngân hàng Nhà nước (tính đến cuối tháng 10) vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.
Trái ngược lại, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của ngân hàng Nhà nước về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.
Trên thực tế, trong vòng vài ngày qua, hai ngân hàng VCB và HDB đã công bố việc giảm lãi suất cho vay, từ 0,5% đên 3,5%/năm đối với các khoản vay VNĐ đối với một số nhóm khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu với thời gian triển khai từ ngày 1/11 - 31/12.
Về tỷ giá, trước diễn biễn hạ nhiệt của USD thế giới cũng như tình trạng thanh khoản hệ thống cải thiện, tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá chợ đen và tỷ giá liên ngân hàng đều đã được điều chỉnh giảm mạnh trong tuần cuối tháng 11. Trong đó, tính đến ngày 2/12, tỷ giá niêm yết đã giảm tới 2,4% trong vòng 1 tuần, hiện chỉ còn tăng 6,5% so với cuối năm 2021.
Trước đó, ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạ tỷ giá bán tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước 3 lần trong tháng 11, về VND 24.840/USD, và nhiều khả năng ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ trong thời gian tới với bước giá cao hơn.
Nhìn chung, tâm lý găm giữ USD có thể đã được giải tỏa nhờ chênh lệch tăng cao giữa lãi suất huy động VND và USD. Bên cạnh đó, các yếu tố cơ bản liên quan đến nguồn cung ngoại tệ cũng có nhiều điểm tích cực, như dòng vốn FDI giải ngân, FII, cán cân thương mại thặng dư hay dòng tiền từ các khoản vay ngoại tệ mới được giải ngân từ MSN, VPB, VCI, LTG,…