Room ngoại tại các tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc có thể lên 49%
Các ngân hàng MB, HDBank và VPBank đang dự định nhận chuyển giao bắt buộc sẽ có cơ hội nới room ngoại lên cao...
Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.
Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 6 về hình thức mua cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài có thể mua cổ phần trong trường hợp tổ chức tín dụng cổ phần chào bán cổ phần, phát hành cổ phần để tăng vốn điều lệ.
Đáng chú ý, dự thảo bổ sung khoản 6a vào sau khoản 6 Điều 7 (tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, với trường hợp đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, Chính phủ quyết định tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc vượt giới hạn quy định tại khoản 5 Điều này khi phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc, nhưng không vượt quá 49% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng nhận chuyển giao bắt buộc.
Thời gian qua, Vietcombank, MB, HDBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. Trong khi đó, VPBank cũng đang trong quá trình lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém. Các ngân hàng chuyển giao bắt buộc lần lượt là: CB, OCeanBank, DongABank và GPBank.
Tuy nhiên, theo Quyết định 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, ngân hàng Vietcombank sẽ được thực hiện theo Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” nêu tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08/06/2022 của Thủ tướng Chính phủ và “Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến 2025, định hướng đến 2030" nêu tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA), trong 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (ngày 01/08/2020), Việt Nam đã cam kết xem xét cho phép 2 tổ chức tín dụng Châu Âu được phép sở hữu tới 49% vốn điều lệ của 2 ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, thỏa thuận này sẽ không áp dụng đối với các ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank khỏi cam kết này.
Như vậy, nếu dự thảo mới được thông qua, các ngân hàng MB, HDBank và VPBank nhận chuyển giao bắt buộc sẽ có cơ hội nới room ngoại từ tối đa 30% như hiện nay lên 49%. Thậm chí, trong trường hợp 2 ngân hàng được nới room theo EVFTA không trùng với 3 ngân hàng nhận chuyển giao, thì số lượng ngân hàng đạt room ngoại 49% có thể lên tới 5 ngân hàng.
Quay lại dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng dự tính sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 7, tỷ lệ sở hữu quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 6a Điều này bao gồm cả phần vốn nhà đầu tư nước ngoài ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần.
Về điều kiện đối với tổ chức tín dụng Việt Nam bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (Điều 11), dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau: Tổ chức tín dụng cổ phần có phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông thông qua, trong đó có phương án bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Đối với tổ chức tín dụng có tỷ lệ sở hữu của Nhà nước trên 50% vốn điều lệ, phương án tăng vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính của doanh nghiệp nhà nước trước khi trình Đại hội đồng cổ đông thông qua.