Duyệt khung bồi thường dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế có quy mô đường cao tốc 4 làn xe, phần mặt đường rộng 14m
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo quyết định trên, Thủ tướng giao UBND các tỉnh: Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Khung chính sách đã được phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật. Dự án đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn đi qua địa phận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế được đầu tư theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe, phần mặt đường rộng 14m.
Trong đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 hai làn xe rộng 8m. Đầu tư xây dựng đoạn Cam Lộ - La Sơn, cùng với đoạn La Sơn - Túy Loan đang được đầu tư xây dựng sẽ nối thông nhánh Đông đường Hồ Chí Minh qua khu vực miền Trung, từng bước hoàn thành toàn tuyến theo các Nghị quyết số 38/2004/QH11 và số 66/2013/QH13 của Quốc hội, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ của cả nước.
Đoạn Cam Lộ - La Sơn là dự án giao thông có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế nói riêng và khu vực nói chung; tăng cường củng cố quốc phòng an ninh, biên giới quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho hay, hồi tháng 11/2017, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, với quyết tâm xây dựng 2.100 km cao tốc chạy qua 32 tỉnh, thành, với mức đầu tư dự kiến lên đến 310.000 tỷ đồng (15 tỷ USD), hoàn thành trong 2018-2021.
Riêng với đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), theo Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh cần đầu tư giai đoạn 2014 - 2017 theo hình thức BT. Tuy nhiên, theo số liệu dự báo nhu cầu vận tải, đoạn này có lưu lượng thấp hơn các đoạn ưu tiên giai đoạn 2017 - 2020, nên khả năng thu hút nhà đầu tư thực hiện PPP là rất khó khăn.