Gần 2.000 đầu sách vở giả ngụy trang Tem các nhà xuất bản
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng của tỉnh Quảng Bình phát hiện gần 2.000 đầu sách, vở giả mạo tem Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại thành phố Đồng Hới và huyện Lệ Thuỷ.
Theo thông tin Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Quảng Bình, đơn vị này vừa phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, Công an thành phố Đồng Hới, Công an huyện Lệ Thủy đồng loạt tiến hành kiểm tra tại một số cửa hàng kinh doanh văn phòng phẩm trên địa bàn, phát hiện có gần 2.000 đầu sách, vở giả.
Theo đó, ngày 2/7, tiến hành kiểm tra tại Cửa hàng Văn phòng phẩm Thủy Tiên tại phường Đồng Hải, thành phố Đồng Hới, phát hiện tại cửa hàng có hơn 1.350 xuất bản phẩm gồm sách, vở các loại. Tất cả số sách vở này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu giả mạo tem Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tiến hành kiểm tra tại cửa hàng văn phòng phẩm Đăng Cường tại thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, phát hiện tại cửa hàng có hơn 600 xuất bản phẩm sách, vở các loại cũng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, có dấu hiệu giả mạo tem Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình đã tiến hành lập hồ sơ xử lý 2 cơ sở kinh doanh này về hành vi buôn bán hàng giả, theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường Quảng Bình đã kiểm tra 319 vụ việc, xử lý 191 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng; giá trị tang vật vi phạm trên 7,3 tỷ đồng. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước trên 6,2 tỷ đồng, tăng gần 4 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023, vượt gần 40 % chỉ tiêu giao năm 2024.
Để đạt được kết quả trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình đã tập trung chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường triển khai thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các Kế hoạch kiểm tra định kỳ/chuyên đề đã ban hành; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên thị trường nội địa và trên khâu lưu thông; trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực/mặt hàng trọng điểm: xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thuốc lá, đường cát, thực phẩm; hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ,….; tăng cường xử lý các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.
Theo đơn vị này, trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn xảy ra với diễn biến phức tạp, nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên môi trường truyền thống và thương mại điện tử tiếp tục gia tăng, nhất là vào các dịp cao điểm Lễ, Tết.