Ninh Bình siết chặt khai thác vật liệu xây dựng, ngăn chặn việc găm hàng, đẩy giá
Trước thực trạng nhiều loại vật liệu xây dựng như cát, đất san lấp, mỏ sét đang thiếu hụt, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ngành khẩn trương rà soát, cân đối nguồn cung – cầu, rút ngắn thủ tục cấp phép khai thác và tăng cường kiểm soát giá cả, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xây dựng trên địa bàn...

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn tỉnh Hà Nam (cũ) hiện có 62/71 mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường đang được cấp phép và khai thác, với tổng trữ lượng trên 400 triệu m3. Tổng công suất khai thác được cấp phép tính đến ngày 30/6/2025 đạt hơn 32 triệu m3/năm.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang quản lý một số mỏ vật liệu khác gồm: 1 mỏ đất, đá làm vật liệu san lấp được gia hạn khai thác đến tháng 4/2029, diện tích 5,23 ha, trữ lượng hơn 1 triệu m3; 1 mỏ cát xây dựng có diện tích 15,5 ha, trữ lượng gần 700.000 m3, khai thác đến tháng 11/2025; 1 mỏ cát san lấp diện tích hơn 11 ha, trữ lượng trên 560.000 m3, công suất 48.000 m3/năm, tuy nhiên đã tạm dừng hoạt động từ cuối năm 2021 theo chỉ đạo của UBND tỉnh để đánh giá tác động sạt lở khu vực bãi bồi sông Hồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh hiện có 8 mỏ sét làm gạch, ngói đang được cấp phép, với tổng diện tích trên 111 ha và trữ lượng vượt 4 triệu m3.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng tỉnh này, mặc dù sản lượng đá vôi khai thác hiện tại đủ đáp ứng nhu cầu cho các công trình trọng điểm trong thời gian tới, nhưng nguồn cung các loại vật liệu như đất, đá san lấp, cát xây dựng và mỏ sét lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, UBND tỉnh Ninh Bình vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề nhằm đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn cung khoáng sản làm vật liệu xây dựng, phục vụ nhu cầu đầu tư công trên địa bàn.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến từ các sở, ngành, doanh nghiệp, đơn vị thi công đã nêu rõ những vướng mắc về nguồn cung vật liệu xây dựng. Đặc biệt, sự chênh lệch giữa giá phê duyệt trong hồ sơ và giá thực tế thị trường đang tạo ra khó khăn trong công tác lập dự toán, điều chỉnh hợp đồng, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai dự án.
Một số nhà đầu tư cũng cho biết việc tìm kiếm nguồn vật liệu hợp pháp, đúng quy định hiện gặp nhiều trở ngại do quy trình cấp phép còn rườm rà, trong khi nhu cầu thi công các công trình trọng điểm ngày một gia tăng.
Trước thực trạng trên, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trương Quốc Huy chỉ đạo Đảng ủy UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan nhanh chóng triển khai các giải pháp đảm bảo đủ nguồn cung vật liệu phục vụ đầu tư công.
Cụ thể, Sở Xây dựng được giao nhiệm vụ theo dõi sát tình hình biến động giá cả các loại vật liệu như đất, đá, cát san lấp; hướng dẫn các địa phương lập kế hoạch, dự kiến nhu cầu vật liệu cần cung ứng cho từng dự án; đồng thời yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản dành sản lượng hợp lý phục vụ dự án đầu tư công.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng được yêu cầu cập nhật, công bố kịp thời giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tiệm cận với giá thị trường, tránh gây bất cập trong đấu thầu, lập và điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Đồng thời, Sở Xây dựng cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát, xác định rõ các mỏ có khả năng khai thác, công suất thực tế và khả năng cung ứng, từ đó đảm bảo cân đối cung – cầu trên địa bàn tỉnh.
Để rút ngắn quy trình, giảm chi phí cho doanh nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong khâu cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, nhằm kịp thời giải quyết nguồn cung cho các loại vật liệu đang thiếu hụt như cát, đá, đất san nền, vật liệu đắp đường.
Vấn đề quản lý hoạt động khai thác khoáng sản và bình ổn thị trường vật liệu xây dựng cũng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Bí thư Tỉnh ủy Trương Quốc Huy giao các ngành Thuế, Công an, Tài chính, Công Thương, Thanh tra căn cứ chức năng được giao tăng cường giám sát việc thực hiện đúng giấy phép khai thác; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như bao che, bảo kê, đầu cơ, găm hàng, nâng giá bất hợp lý.
Các cơ quan chức năng cũng được yêu cầu kiểm tra, xử lý triệt để hàng giả, hàng nhái, vật liệu xây dựng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, làm ảnh hưởng đến an toàn và tiến độ thi công các công trình trọng điểm.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khai thác và cung ứng vật liệu xây dựng cần đề cao trách nhiệm xã hội, chủ động đổi mới, tiết giảm chi phí, cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn về nguồn cung, bảo đảm đủ vật liệu phục vụ các công trình trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.