10:53 07/01/2019

Ghế Tổng thống Pháp của ông Macron lại lung lay vì “áo vàng” ồ ạt xuống đường

An Huy

Đã có khoảng 50.000 người biểu tình "áo vàng" xuống đường vào ngày thứ Bảy vừa rồi

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tưởng như đã bước vào năm 2019 trong ưu thế trước phong trào biểu tình "áo vàng". Tuy nhiên, thực tế là ông Macron đối mặt thêm những thách thức mới từ những cuộc biểu tình biến thành bạo lực trên đường phố Paris vào cuối tuần vừa rồi.

Theo hãng tin Reuters, với khởi đầu là những buộc biểu tình phản đối tăng thuế dầu diesel và chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, "áo vàng" đã trở thành một phong trào đặt ghế Tổng thống của ông Macron và các thể chế của nước Pháp vào trạng thái lung lay.

"Áo vàng" suy yếu rồi mạnh lên

Vào hôm thứ Bảy vừa rồi, người biểu tình đã dùng một xe cẩu hàng để mở đường xông vào khu trụ sở của một cơ quan thuộc Chính phủ Pháp và phóng hỏa nhiều xe cộ trên đại lộ Champs Elysees. 

Trong cuộc đụng độ với cảnh sát trên một cây cầu bắc qua sông Seine, người biểu tình đã hạ gục nhiều cảnh sát chống bạo động.

Việc nhà chức trách không thể giữ được trật tự trong các cuộc biểu tình cuối tuần của những người "áo vàng" đặt ra câu hỏi không chỉ về chiến thuật của lực lượng cảnh sát, mà còn cả về cách phản ứng của ông Macron - người đang chuẩn bị đưa ra những quy định ngặt nghèo hơn về trợ cấp thất nghiệp và sa thải hàng nghìn công chức.

Vào buổi tối ngày Chủ nhật, nhà lãnh đạo Pháp viết trên mạng xã hội Twitter: "Một lần nữa, nước Pháp bị tấn công bởi bạo lực cực đoan - nhằm vào những người bảo vệ, những người đại diện và những người bảo vệ của nước Pháp".

Phong trào "áo vàng" có vẻ đã suy yếu trong kỳ nghỉ Giáng sinh vừa qua, và chính quyền ông Macron từ đó đã thể hiện một lập trường cứng rắn hơn với những người biểu tình. 

Hôm thứ Sáu, phát ngôn viên Chính phủ Pháp Benjamin Griveaux tuyên bố Chính phủ sẽ không từ bỏ các cải cách nhằm định hình lại nền kinh tế, đồng thời cho rằng những người biểu tình còn tham gia "áo vàng" là những phần tử kích động quần chúng nhằm mục đích lật đổ chính quyền.

Ghế Tổng thống Pháp của ông Macron lại lung lay vì “áo vàng” ồ ạt xuống đường - Ảnh 1.

Một viên cảnh sát chống bạo động đứng gần một đám cháy do người biểu tình gây nên trên đại lộ Saint Germain ở Paris, Pháp hôm thứ Bảy - Ảnh: Reuters.

Chỉ 24 giờ đồng hồ sau đó, ông Griveaux phải rời văn phòng bằng cửa sau, bởi những người biểu tình đã tấn công vào sân trước của cơ quan ông và đập phá nhiều xe hơi. 

"Cuộc tấn công không nhằm vào tôi, mà nhằm vào nước Pháp", ông Griveaux nói sau đó.

Nguyên nhân sâu xa dẫn tới sự bất ổn hiện nay ở nước Pháp là sự bất bình, đặc biệt của những người thuộc tầng lớp lao động thu nhập thấp, về tình trạng thu nhập ngày càng đi xuống, và quan điểm cho rằng ông Macron xa rời quần chúng, không thấu hiều nhu cầu của người dân khi ông thực hiện những cải cách được xem là thân thiện với doanh nghiệp và làm lợi cho giới nhà giàu.

Chính phủ Pháp loay hoay

Chính phủ của ông Macron đã lung lay vì biểu tình, rơi vào thế bị động hồi tháng 11 khi phong trào "áo vàng" bất ngờ bùng lên mạnh mẽ, người biểu tình chặn những con đường cao tốc, chiếm các trạm thu phí, và bạo lực xâm chiếm Paris và các thành phố lớn khác vào mỗi cuối tuần.

Đã hai tháng trôi qua, nhưng Chính phủ Pháp vẫn chưa tìm ra được biện pháp để xoa dịu nỗi bất bình của người biểu tình và đáp ứng các yêu cầu của họ - bao gồm tăng lương tối thiểu, một nền dân chủ có sự tham gia (participative democracy) lớn hơn, và ông Macron phải từ chức.

Do những người "áo vàng" không có một thủ lĩnh rõ ràng nào, việc đàm phán với họ là rất khó khăn.

Hồi tháng 12, ông Macron đã tìm cách xoa dịu "áo vàng" bằng cách hứa giảm thuế đối với những người hưu trí, tăng lương cho tầng lớp lao động nghèo nhất, và dừng kế hoạch tăng thuế xăng dầu, đồng thời hứa có sự thảo luận toàn quốc trong các vấn đề chính sách chủ chốt. 

Tuy nhiên, những nhượng bộ này vẫn chưa đủ để làm hài lòng những người biểu tình.

Cái giá cho những nhượng bộ trên là 10 tỷ Euro, tương đương 11,39 tỷ USD, đủ để đẩy chi phí vay vốn của Chính phủ Pháp tăng lên, bởi nhà đầu tư lo ngại về mức nợ công của nước này và khả năng của ông Macron trong việc cải tổ nền kinh tế lớn thứ nhì châu Âu.

Ông Laurent Berger, thủ lĩnh CFDT - tổ chức công đoàn lớn nhất nước Pháp - ngày Chủ nhật cáo buộc chính phủ của ông Macron thiếu sự hợp tác vào thời điểm cần có sự nhượng bộ.

"Chúng ta đang ở trong một tình thế bế tắc. Một bên là phong trào bạo lực, và bên kia là một chính phủ cho rằng mình có thể tự tìm giải pháp", ông Berger nói với France Inter.

Theo ước tính của cơ quan chức năng, đã có khoảng 50.000 người biểu tình "áo vàng" xuống đường vào ngày thứ Bảy vừa rồi tại nhiều thành phố ở Pháp, gồm Paris, Bordeaux, Toulouse, Rennes và Marseille.