Giá dầu thoát đáy 5 tháng nhờ phát biểu của Chủ tịch FED
Tuy nhiên, áp lực giảm giá dầu vẫn còn lớn do triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi trong chiến tranh thương mại
Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, hưởng ứng sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Phố Wall, nhờ người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ để ngỏ khả năng hạ lãi suất.
Chứng khoán Mỹ đã có một phiên tăng điểm bùng nổ sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell phát tín hiệu có một đợt hạ lãi suất trong thời gian còn lại của năm 2019.
Ông Powell nói rằng FED sẽ có hành động "phù hợp" để ứng phó với những rủi ro mà chiến tranh thương mại gây ra cho nền kinh tế. Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi một quan chức cấp cao khác của FED là ông James Bullard, Thống đốc FED chi nhánh St. Louis, nói rằng có thể sớm có cơ sở cho một đợt giảm lãi suất.
Giá dầu đã đảo chiều ngoạn mục sau phát biểu của ông Powell, hưởng ứng sự đi lên của các chỉ số chứng khoán.
Lúc đóng cửa, giá dầu WTI giao tháng 7 tại thị trường New York tăng 0,23 USD, đạt 53,48 USD/thùng. Trông phiên, có lúc giá dầu WTI giảm còn 52,43 USD/thùng.
Tại thị trường London, giá dầu Brent giao tháng 7 đóng cửa với mức tăng 0,69 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 61,97 USD/thùng.
Trong phiên, có thời điểm giá dầu Brent giảm còn 60,21 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 1.
Vào đầu phiên giao dịch, giá dầu đã chịu sức ép giảm mạnh do mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và tuyên bố của Nga rằng nước này sẽ phản đối nếu Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) muốn kéo dài thỏa thuận hạn chế sản lượng đến hết năm.
Nga và OPEC, tức nhóm OPEC+, đang thực thi thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để hỗ trợ giá dầu sau đợt giảm sâu vào cuối năm ngoái. Thỏa thuận này có hiệu lực trong 6 tháng đầu năm 2019, và nhóm đang cân nhắc có gia hạn thỏa thuận đến cuối năm hay không.
Những phiên gần đây, dầu đã bị giới đầu tư bán mạnh do mối lo ngày càng lớn về triển vọng xấu đi của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh xung đột thương mại của Mỹ leo thang và lan rộng.
"Chừng nào vấn đề thuế quan của Mỹ với Trung Quốc và Mexico còn chưa được giải quyết, thì dầu thô vẫn còn bị bán ra", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch công ty nghiên cứu Ritterbusch and Associates, nói trong một báo cáo.
So với mức đỉnh của năm 2019 thiết lập vào tháng 4, giá dầu giao sau hiện giảm khoảng 20%. Tháng 5 vừa qua, giá dầu giảm mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.
Hôm thứ Hai tuần này, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih nói rằng OPEC+ đang tiến dần tới sự đồng thuận "để duy trì sự ổn định của thị trường dầu" trong nửa sau của 2019.
Tuy nhiên, vào ngày thứ Ba, Chủ tịch tập đoàn dầu khí quốc doanh Nga Rosneft, ông Igor Sechin, nói rằng hãng này sẽ khai thác dầu tùy ý và sẽ đòi Chính phủ bồi thường nếu thỏa thuận hạn chế sản lượng của OPEC+ được gia hạn.
OPEC lo ngại rằng sự giảm tốc kinh tế toàn cầu sẽ kéo nhu cầu tiêu thụ năng lượng giảm theo. Nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC khó phát huy đầy đủ tác dụng do sản lượng khai thác dầu của Mỹ đang ở ngưỡng cao kỷ lục và nước này xuất khẩu dầu ngày càng nhiều.
Tháng trước, lượng dầu tồn kho của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất gần 2 năm. Gần đây, lượng dầu tồn kho của Mỹ có giảm xuống, nhưng mức giảm khá chậm.
"Lượng dầu tồn kho đang lớn. Trừ khi dầu tồn kho giảm mạnh, giá dầu sẽ còn chịu áp lực giảm", ông Andrew Lipow, Chủ tịch Lipow Oil Associates, nhận xét.