Giá vàng gãy mốc 2.500 USD/oz vì đồng USD tăng giá
Nhà đầu tư đợi báo cáo việc làm Mỹ trong tuần này - điểm dữ liệu có thể quyết định mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sau 2 tuần nữa...
Giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất 1 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (3/9) do đồng USD mạnh lên. Trong khi đó, nhà đầu tư đợi báo cáo việc làm Mỹ trong tuần này - điểm dữ liệu có thể quyết định mức độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sau 2 tuần nữa.
Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá vàng giao ngay giảm 10,5 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương giảm 0,42%, còn 2.493,8 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Tại thời điểm hơn 7h sáng nay (4/9) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 0,2 USD/oz so với giá chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.494 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 75,2 triệu đồng/lượng, giảm 300.000 đồng/lượng so với trước nghỉ lễ.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác, đóng cửa ở mức 101,83 điểm, cao nhất trong 2 tuần trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch. Do vàng định giá bằng USD nên đồng bạc xanh tăng giá gây áp lực giảm lên giá vàng.
Sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022 vào tuần trước, đồng USD đã hồi phục do giới đầu tư giảm bớt kỳ vọng vào khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 9.
USD tiếp tục tăng giá trong phiên ngày thứ Ba, dù khả năng Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm tăng lên so với phiên trước.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 38% Fed hạ lãi suất nửa điểm phần trăm trong đợt giảm đầu tiên vào ngày 18/9. Khả năng áp dụng mức giảm 0,25 điểm phần trăm trong lần họp này là 62%.
“Chừng nào đồng USD tăng, giá hàng hóa cơ bản sẽ gặp bất lợi… Tuy nhiên, xu hướng của giá vàng vẫn sẽ là tăng”, chiến lược gia trưởng Daniel Pavilonis của công ty RJO Futures nhận định với hãng tin CNBC. “Giá vàng vẫn đang cách không xa những mức cao thiết lập trong mấy tháng gần đây. Nhưng tôi cho rằng giờ là lúc nhà đầu tư đang chờ những số liệu kinh tế sắp được công bố”.
Tuần này, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là báo cáo việc làm tháng 8 dự kiến được Bộ Lao động Mỹ công bố vào ngày thứ Sáu.
Ngày thứ Ba, số liệu từ công ty S&P Global cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ trong tháng 8 suy giảm so với tháng 7. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cũng không đạt mức mà giới phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.
Những số liệu này khiến thị trường gia tăng đặt cược vào khả năng Fed lựa chọn mức giảm lãi suất lớn hơn trong cuộc họp tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng yếu tố quyết định sẽ là số liệu việc làm tổng thể sắp được công bố là tốt hơn hay xấu hơn kỳ vọng.
“Nếu báo cáo việc làm Mỹ xấu hơn nhiều so với dự báo, mối lo suy thoái kinh tế Mỹ và khả năng Fed giảm nhanh lãi suất sẽ bị đẩy lên cao. Khi đó, giá vàng sẽ được hỗ trợ”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
Một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho rằng vàng “vẫn là tài sản được ưa chuộng để phòng ngừa rủi ro địa chính trị và tài chính. Bên cạnh đó, giá vàng còn được hỗ trợ bởi khả năng Fed sắp giảm lãi suất và nhu cầu mua ròng vàng của ngân hàng trung ương các nền kinh tế mới nổi”.
“Chúng tôi khuyến nghị giao dịch đầu cơ vàng giá lên”, báo cáo viết, đồng thời duy trì dự báo cho rằng giá vàng sẽ đạt mốc 2.700 USD/oz vào đầu năm 2025.
Trang tin tài chính Kobeissi Letter cho biết các ngân hàng trung ương đã mua ròng 483 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, mức cao kỷ lục và nhiều hơn 5% so với mức kỷ lục cũ là 460 tấn thiết lập vào nửa đầu năm 2023. “Quý 2 năm nay, các ngân hàng trung ương mua ròng 183 tấn vàng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng ít hơn 39% so với lượng mua ròng 300 tấn ghi nhận trong quý 1”, báo cáo của Kobeissi viết.