10:22 30/08/2024

Xu hướng tăng của đồng yên đe dọa lợi nhuận doanh nghiệp Nhật Bản

An Huy

Xu hướng tăng giá gần đây của đồng yên Nhật Bản đã đưa tỷ giá đồng tiền này so với USD vượt quá mức mà nhiều công ty Nhật dựa vào làm căn cứ để dự báo lợi nhuận...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Điều này đặt ra khả năng doanh nghiệp xuất khẩu của đất nước mặt trời mọc phải cắt giảm dự báo lợi nhuận, dẫn tới rủi ro đối với triển vọng phục hồi của thị trường chứng khoán Nhật.

Với những tín hiệu điều chỉnh lãi suất đã trở nên mạnh mẽ hơn từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đồng yên đã tăng giá 3,5% so với bạc xanh kể từ cuối tháng 7 đến nay. Một số nhà phân tích dự báo đến cuối năm nay, đồng yên có thể đạt mức 135 yên đổi 1 USD - hãng tin Bloomberg cho hay.

Mức tỷ giá đó sẽ vượt xa mức tỷ giá dự báo trung bình 144,77 yên/USD mà 9.000 doanh nghiệp đưa ra trong một cuộc khảo sát hàng tháng do BOJ thực hiện. Tỷ giá đồng yên như vậy cũng cao hơn dự báo của các nhà xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản như Toyota và Honda.

Giới phân tích ước tính rằng cứ mỗi yên tăng thêm trong tỷ giá đồng yên so với USD sẽ khiến lợi nhuận của doanh nghiệp Nhật Bản giảm 0,4-0,6%. Đồng yên đã giao dịch ở mức cao hơn 144,77 yên/USD trong phần lớn thời gian của tuần này và cách rất xa mức thấp nhất gần 4 thập kỷ 161,95 yên đổi 1 USD ghi nhận hồi đầu tháng 7.

“Một khi đồng yên đạt ngưỡng dưới của vùng 140-150 yên/USD, một số công ty Nhật có thể sẽ phải điều chỉnh dự báo kết quả kinh doanh”, chiến lược gia cấp cao Kohei Onishi của Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities Co. nhận định với Bloomberg. Theo ông Onishi, lịch sử cho thấy chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Nhật Bản thường có khuynh hướng giảm mỗi khi tỷ giá đồng yên cao hơn so với dự báo của doanh nghiệp niêm yết.

Sau đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán toàn cầu vào tuần đầu của tháng này, nhà đầu tư đã trở nên lạc quan hơn về chứng khoán Mỹ bởi các chỉ số kinh tế nước này và phát biểu của giới chức Fed phản ánh kịch bản “hạ cánh mềm” có thể trở thành hiện thực. Trái lại, chứng khoán Nhật Bản đang đuối sức so với thị trường Mỹ. S&P 500 đã tăng 1,3% kể từ sau đợt bán tháo, trong khi Nikkei giảm thêm 1,9%.

“Mối lo về sự tăng giá của đồng yên qua ngưỡng 140 yên USD là nguyên nhân lớn nhất của diễn biến trái ngược gần đây giữa chứng khoán Mỹ và chứng khoán Nhật Bản”, Giám đốc điều hành Nobuyuki Kashihara của công ty Marusan Securities nhận định. “Vùng tỷ giá từ 130 đến dưới 140 yên đổi 1 USD đã lâu chưa xuất hiện, bởi vậy khi xuất hiện, những mức tỷ giá như vậy sẽ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm lý nhà đầu tư”.

Cho tới gần đây, dự báo về tỷ giá đồng yên của các doanh nghiệp xuất khẩu Nhật Bản vẫn cao hơn nhiều so với mức thực tế, tạo cho họ dư địa để đạt lợi nhuận tốt hơn so với kỳ vọng trong bối cảnh yên mất giá.

“Với đồng yên tăng nhanh trong tháng này, dự báo lợi nhuận của các công ty Nhật không còn được coi là dè dặt nữa”, chiến lược gia trưởng Hiroshi Namioka thuộc công ty T&D Asset Management nhận định.

Ngành ô tô Nhật Bản là một trong những ngành đối với mặt với rủi ro không đạt mức lợi nhuận kỳ vọng do đồng yên tăng giá so với USD, vì ngành này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu mà tỷ giá đồng nội tệ tăng sẽ khiến doanh thu của doanh nghiệp xuất khẩu “teo lại” khi đưa về nước để chuyển đổi từ ngoại tệ thành nội tệ.

Chẳng hạn, Toyota đã dự báo tỷ giá yên ở mức 145 yên/USD trong tài khóa hiện tại, còn Honda dự báo mốc 140. Khi tỷ giá dao động quan ngưỡng 161 yên/USD trong năm nay, dự báo lợi nhuận của các công ty này được cho là quá mức dè dặt và doanh nghiệp có tiềm năng lớn đưa ra con số lợi nhuận thực tế vượt xa kỳ vọng.

Tuy nhiên, một số ngành có mức độ dễ tổn thương cao với biến động tỷ giá lại đang ở trong một chu kỳ hàng tồn trữ thuận lợi, chẳng hạn như ngành điện tử. Bởi vậy, doanh nghiệp những ngành này có thể tiếp tục đạt lợi nhuận tốt hơn dự báo nhờ doanh số bán sản phẩm đạt mức cao - theo ông Namioka.

Trong thời gian tới, mối lo về tỷ giá đồng yên của doanh nghiệp Nhật có lắng xuống hay không sẽ tùy thuộc vào việc liệu kinh tế Mỹ có hạ cánh mềm hay không, các chỉ số kinh tế Mỹ thế nào, và liệu Fed sẽ giảm lãi suất với tốc độ như thế nào - theo chiến lược gia trưởng Masahiro Ichikawa của công ty Sumitomo Mitsui DS Asset Management.

“Nếu đồng yên lại tăng giá mạnh và nhanh, đó sẽ là một bất ngờ và đặt ra trở ngại lớn đối với thị trường chứng khoán Nhật”, ông Ichikawa nói.