Tỷ giá các đồng tiền châu Á so với USD có thể tăng chậm lại
“Chúng tôi dự báo phần lớn các đồng tiền ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng giá, ngay cả khi giai đoạn tăng mạnh nhất có thể đã qua đi”...
Các đồng tiền ở khu vực châu Á đã tăng giá mạnh so với đồng USD trong những tháng gần đây, nhờ sự kết hợp giữa điều kiện kinh tế khởi sắc, lạm phát toàn cầu xuống thang, và cán cân thương mại có lợi. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, khi các điều kiện kinh tế toàn cầu trở nên ổn định hơn, tốc độ tăng giá của các đồng tiền này có thể chậm lại.
Một báo cáo của công ty nghiên cứu Capital Economics dự báo đà tăng của các đồng tiền tại khu vực châu Á như nhân dân tệ Trung Quốc, yên Nhật Bản, đôla Đài Loan, won Hàn Quốc, ringgit Malaysia… có thể giảm, nhưng ít có khả năng đảo ngược. “Chúng tôi dự báo phần lớn các đồng tiền ở khu vực châu Á sẽ tiếp tục tăng giá, ngay cả khi giai đoạn tăng mạnh nhất có thể đã qua đi”, báo cáo viết.
Có một số yếu tố thúc đẩy xu hướng tăng gần đây của các đồng tiền châu Á. Đầu tiên phải kể tới tăng trưởng kinh tế khả quan tại một số nền kinh tế như Ấn Độ và Indonesia. Thứ hai, cán cân thương mại cải thiện, nhất là ở những nền kinh tế có hoạt động xuất nhập khẩu lớn như Hàn Quốc và Đài Loan.
Thứ ba, lạm phát giảm trên toàn cầu dẫn tới việc các ngân hàng trung ương lớn như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) bắt đầu giảm lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng đang tiến tới có đợt hạ lãi suất đầu tiên vào tháng 9. Sự điều chỉnh này rút ngắn khoảng cách lãi suất giữa các nền kinh tế phương Tây và các nền kinh tế châu Á, giúp giải tỏa áp lực mất giá đối với đồng tiền châu Á.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại đã xuất hiện một số yếu tố cho thấy xu hướng tăng của các đồng tiền châu Á có thể chậm lại. Dù Fed sắp hạ lãi suất, tốc độ giảm lãi suất của Fed có thể không mạnh như kỳ vọng, dẫn tới chênh lệch lãi suất với châu Á rút ngắn chậm, trong khi kỳ vọng về sự thu hẹp của khoảng cách lãi suất về cơ bản đã được phản ánh vào tỷ giá. Ngoài ra, khi Fed hạ lãi suất, các ngân hàng trung ương ở châu Á cũng sẽ giảm lãi suất theo.
Tiếp đó, đợt tăng giá gần đây của các đồng tiền châu Á có thể bắt đầu gây áp lực suy giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu của các nền kinh tế khu vực. Vì lý do này, cán cân thương mại có thể dịch chuyển theo chiều hướng bất lợi hơn đối với tỷ giá.
Một chỉ số của hãng tin Bloomberg về các đồng tiền ở khu vực Đông Nam Á cũng cho thấy đà tăng đang chậm lại. Chỉ số Relative Strength Index - một thước đo về mức độ kéo căng của tỷ giá - đã vượt mức 80 điểm. Đây là mức điểm cao hơn mức mà một đồng tiền thường được cho là đã được mua quá nhiều. Trong tháng 8 này, các đồng tiền trong khu vực đã chiếm 4 vị trí cao nhất trong xếp hạng các đồng tiền ở khu vực châu Á về mức độ tăng giá so với USD.
Ngân hàng DBS nhận định trong một báo cáo vào hôm thứ Ba tuần này rằng đồng đôla Singapore có thể chuyển sang trạng thái tích lũy trong ngắn hạn vì đã được mua quá nhiều cùng với các đồng tiền châu Á khác.
Một chỉ số của Bloomberg đo tỷ giá các đồng baht Thái, ringgit Malaysia, rupiah Indonesia, peso Phillipines và đôla Singapore đã tăng hơn 4% trong tháng 8 này, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ ít nhất năm 2015.
DBS cho rằng một số đồng tiền châu Á còn dư địa tăng nhiều hơn so với những đồng tiền khác trong khu vực như rupiah Indonesia và peso Philippines, trong khi những đồng như ringgit Malaysia và baht Thái có thể tăng ít hơn. Trong trường hợp Thái Lan, rủi ro chính trị giảm xuống có thể giúp nước này thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, giúp cải thiện tỷ giá đồng nội tệ
Theo Capital Economics, dù xu hướng tăng chậm lại, triển vọng dài hạn của các đồng tiền châu Á vẫn tích cực nhờ những yếu tố mang tính cấu trúc như các yếu tố kinh tế nền tảng mạnh, vị thế tài khóa tốt lên, và cải cách tiếp tục được túc đẩy. Chẳng hạn, Trung Quốc đang nỗ lực dịch chuyển nền kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào tiêu dùng thay vì xuất khẩu. Điều này có thể tạo ra một nền tảng ổn định hơn cho đồng nhân dân tệ trong dài hạn.
Tuy nhiên, cũng có một số rủi ro đối với triển vọng này. Chẳng hạn, một sự giảm tốc mạnh hơn dự báo của kinh tế toàn cầu hay lạm phát trỗi dậy đều có thể gây gián đoạn xu hướng tưang của các đồng tiền ở châu Á.