09:53 25/03/2024

Giá vàng thế giới tăng khá mạnh, vàng miếng trong nước nhảy 300.000 đồng/lượng

Điệp Vũ

Giới phân tích nhận định giá vàng quốc tế có thể đương đầu với áp lực giảm trong ngắn hạn, nhưng xu hướng tăng trong dài hạn sẽ duy trì...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá vàng thế giới khởi động tuần giao dịch mới trong xu thế tăng khá mạnh, đưa giá vàng miếng trong nước sáng nay (25/3) tăng 300.000-400.000 đồng/lượng so với cuối tuần trong khi giá vàng nhẫn tăng ít hơn. Giới phân tích nhận định giá vàng quốc tế có thể đương đầu với áp lực giảm trong ngắn hạn, nhưng xu hướng tăng trong dài hạn sẽ duy trì.

Lúc hơn 9h sáng, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 78,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 80 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng thứ Bảy, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện tăng 400.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Vàng nhẫn tròn Phú Quý 999,9 có giá 68,4 triệu đồng/lượng và 69,65 triệu đồng/lượng, tương ứng giá mua và bán, tăng 100.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng so với cuối tuần.

Công ty Bảo Tín Minh Châu báo giá nhẫn tròn Rồng Thăng Long 999,9 ở mức 68,52 triệu đồng/lượng và 69,72 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 190.000 đồng/lượng và 90.000 đồng/lượng so với sáng thứ Bảy.

Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 78,3 triệu đồng/lượng và 80,3 triệu đồng/lượng, tương ứng tăng 300.000 đồng/lượng và đi ngang so với cuối tuần.

Nhẫn tròn SJC có giá mua vào là 68 triệu đồng/lượng và bán ra là 69,3-69,4 triệu đồng/lượng tuỳ trọng lượng sản phẩm, tăng 200.000 đồng/lượng ở mỗi đầu giá.

Cùng thời điểm trên, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á tăng 11,4 USD/oz so với đóng cửa cuối tuần trước tại thị trường New York, tương đương tăng 0,53%, giao dịch ở mức 2.176,8 USD/oz. Mức giá này tương đương 65,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, tăng 300.000 đồng/lượng so với cuối tuần.

Trong tuần trước, giá vàng thế giới đã lập kỷ lục mọi thời đại khi vượt qua mốc 2.200 USD/oz sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên dự báo sẽ giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Sau đó, áp lực chốt lời và xu hướng tăng giá của đồng USD khiến giá vàng trượt khỏi đỉnh giá này.

Trong một báo cáo cách đây ít ngày, nhà phân tích thị trường cấp cao David Morrison của công ty Trade Nation, cho rằng xu hướng tăng giá của đồng USD đang là một rào cản lớn đối với sự tăng giá của vàng. Điều này - cùng với nhu cầu chốt lời của những nhà đầu tư đã mua vàng vào đầu tháng - đang đặt ra áp lực mất giá vàng trong ngắn hạn.

Ông Morrison nhấn mạnh việc USD tăng giá ngay cả khi Fed giữ nguyên triển vọng cắt giảm lãi suất. Sự tăng giá này của đồng bạc xanh cho thấy rằng không chỉ Fed mà các ngân hàng trung ương khác cũng đang tiến tới hạ lãi suất.

“Tuần vừa rồi, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB) đã bất ngờ hạ lãi suất. Khi các ngân hàng trung ương lớn đều hạ lãi suất, đồng USD sẽ được ưa chuộng trở lại… Vàng sẽ khó tăng giá nếu đồng USD tiếp tục mạnh lên”, ông Morrison nói.

Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá vàng thế giới 10 năm qua. Đơn vị: USD/oz - Nguồn: Trading Economics.

Tuy nhiên, theo trang Kitco News, một số nhà phân tích khác cho rằng nhà đầu tư nên tiếp tục tập trung vào xu hướng tăng của giá vàng trong dài hạn. Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư của công ty Zaye Capital Markets, nhận định giá vàng vẫn có tiềm năng tăng cao hơn.

“Giá vàng vẫn chưa qua đỉnh. Chúng tôi cho rằng yếu tố quan trọng đối với giá vàng là định nghĩa của Fed thế nào là lãi suất bình thường, tức là mức lãi suất mục tiêu của họ. Fed đang gửi đi một tín hiệu mềm mỏng rằng mức lãi suất trước Covid của họ là cao. Nếu Fed giảm lãi suất xuống thấp hơn so với trước đại dịch, chúng tôi kỳ vọng giá vàng sẽ tăng cao hơn nhiều”, ông Aslam nói.

Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 24.570 đồng (mua vào) và 24.940 đồng (bán ra), tương ứng giảm 10 đồng và tăng 10 đồng so với mức chốt của tuần vừa rồi.