Giá vàng tuột dốc không phanh vì tin Mỹ - Trung, lực tăng ngắn hạn có thể đã cạn kiệt
Giới phân tích cho rằng mức độ bất định giảm xuống, tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện và đồng USD tăng giá đều là những yếu tố không có lợi cho giá vàng...

Giá vàng thế giới giảm sâu dưới mức 3.300 USD/oz trong phiên giao dịch sáng nay (12/5) tại thị trường châu Á, khi nhu cầu phòng ngừa rủi ro của nhà đầu tư toàn cầu có dấu hiệu suy yếu vì Mỹ và Trung Quốc bày tỏ lạc quan sau cuộc gặp cấp cao về thương mại vào cuối tuần vừa rồi. Một số nhà phân tích cho rằng lực tăng của giá vàng trong ngắn hạn có thể đã cạn kiệt nhưng xu hướng tăng trong dài hạn vẫn còn.
Lúc hơn 8h sáng theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á gảim 60,9 USD/oz so với đóng cửa tuần trước tại thị trường New York, tương đương giảm 1,83%, còn 3.265,4 USD/oz - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương 102,8 triệu đồng/lượng, giảm gần 2 triệu đồng/lượng so với cuối tuần vừa rồi.
Cùng thời điểm, website của Vietcombank báo giá USD ở mức 25.750 đồng (mua vào) và 26.140 đồng (bán ra).
Giá vàng lao dốc sau khi có tin tốt về đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sỹ vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Giới chức Mỹ nói đã có một “thỏa thuận” để giảm thâm hụt thương mại nước này với Trung Quốc, trong khi giới chức Trung Quốc nói hai bên đã đạt được “sự đồng thuận quan trọng” và nhất trí khởi động một diễn đàn đối thoại kinh tế mới.
Theo hãng tin Reuters, cả hai bên đều không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào sau khi hoàn tất hai ngày đàm phán. Phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong nói một tuyên bố chung sẽ được công bố tại Geneva vào ngày thứ Hai (12/5). Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Scott Bessent và Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer nói có “bước tiến lớn” và cũng cho biết thông tin chi tiết sẽ được công bố vào ngày thứ Hai.
Dù chi tiết về kết quả đàm phán chưa được thông tin cụ thể, việc hai bên đều lạc quan sau cuộc gặp đã giúp thị trường tài chính toàn cầu giải tỏa bớt nỗi lo liên quan tới cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ đồng loạt tăng hơn 1%, phản ánh tâm lý ham thích rủi ro tăng lên.
Đồng USD cũng tăng giá khá mạnh, với chỉ số Dollar Index đạt gần 100,6 điểm vào đầu giờ sáng của phiên châu Á, từ mức hơn 100,3 điểm đóng cửa phiên Mỹ cuối tuần trước.

Giới phân tích cho rằng mức độ bất định giảm xuống, tâm lý của nhà đầu tư được cải thiện và đồng USD tăng giá đều là những yếu tố không có lợi cho giá vàng.
Trao đổi với trang Kitco News hôm thứ Sáu vừa rồi, nhà phân tích Michael Brown của công ty Pepperstone nhận định ngày càng có nhiều kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến sự hạ nhiệt trong bất ổn địa chính trị. Ông cho rằng trong một môi trường như vậy, có khả năng giá vàng sẽ kiểm thử mức hỗ trợ ở 3.000 USD/oz.
“Việc hạ nhiệt căng thẳng hoặc giảm một số mức thuế quan chắc chắn sẽ là chất xúc tác để bên bán giành lại quyền kiểm soát trên thị trường vàng, ít nhất là trong ngắn hạn. Việc nỗ lực tăng giá của vàng bị rơi vào đình trệ hai lần ở vùng giữa của khoảng giá 3.400-3.500 USD/oz cũng là một dấu hiệu cho thấy lực tăng giá có thể sẽ cạn kiệt trong ngắn hạn”, ông Brown nói.
Ông Naeem Aslam, Giám đốc đầu tư tại công ty Zaye Capital Markets thì cho rằng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất vào tháng 7 “đã được phản ánh một phần lớn vào giá vàng”, nên dư địa để giá vàng tăng trên cơ sở dự báo này không còn nhiều. Ông nhận định trong ngắn hạn, khả năng giá vàng giảm lớn hơn khả năng tăng
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tin tưởng xu hướng tăng giá của vàng sẽ duy trì trong dài hạn. Ông Aslam nói mỗi lần giảm giá nên được xem là cơ hội để mua vào. “Chúng tôi tin xu hướng dài hạn của giá vàng vẫn là tăng, và giá sẽ vượt 3.500 USD/oz chừng nào căng thẳng địa chính trị vẫn còn”, ông nói.
Tương tự, ông Brown nói ông coi bất kỳ đợt điều chỉnh nào cũng là cơ hội mua để nắm giữ dài hạn. “Vàng vẫn đang trong xu hướng tăng giá dài hạn vì là nơi trú ẩn thực sự duy nhất trong bối cảnh bất ổn chính trị và địa chính trị vẫn tiếp diễn, đồng thời cũng được hưởng lợi từ dòng vốn đổ vào do nhiều quốc gia - đặc biệt là các thị trường mới nổi - đa dạng hóa dự trữ của họ bằng những tài sản như vàng để giảm bớt phụ thuộc dự trữ vào USD”, ông nói.
Giá vàng thế giới lập kỷ lục mọi thời đại trên mốc 3.500 USD/oz hồi tháng 4. Từ đỉnh giá đó tới nay, giá kim loại quý này hiện đã giảm gần 7%.