13:42 08/05/2025

Mua ròng 6 tháng liên tiếp, Trung Quốc bổ sung 30 tấn vàng vào dự trữ ngoại hối

Điệp Vũ

Trong vòng 6 tháng mua ròng, dự trữ vàng của PBOC tăng thêm gần 1 triệu ounce, tương đương khoảng 30 tấn vàng...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua ròng vàng tháng thứ 6 liên tục trong tháng 4 vừa qua, cho thấy nỗ lực tăng dự trữ kim loại quý ngay cả khi giá vàng cao kỷ lục và trong bối cảnh chiến tranh thương mại diễn biến khó lường.

Số liệu chính thức do PBOC công bố ngày 7/5 cho thấy dự trữ vàng mà cơ quan này nắm giữ tăng thêm khoảng 70.000 ounce trong tháng trước. Trong vòng 6 tháng mua ròng, dự trữ vàng của PBOC tăng thêm gần 1 triệu ounce, tương đương khoảng 30 tấn vàng - theo hãng tin Bloomberg.

Giá vàng đã liên tiếp lập kỷ lục từ đầu năm đến nay, một phần do nhiều ngân hàng trung ương duy trì xu hướng mua ròng vàng để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng USD. Tính từ đầu năm, giá vàng đã tăng 30% trong khi chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD giảm gần 8%. Hồi cuối tháng 4, giá vàng lập kỷ lục mọi thời đại trên 3.500 USD/oz.

Một động lực quan trọng khác cho xu hướng tăng giá vàng là nhu cầu “hầm trú ẩn” của giới đầu tư tăng cao do chiến tranh thương mại khiến thị trường tài chính biến động mạnh và gây lo ngại về các tài sản Mỹ.

Tại Trung Quốc, đã có những dấu hiệu cho thấy nhà đầu tư đổ mạnh tiền vốn vào vàng. Trong những tuần gần đây, khối lượng giao dịch vàng trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải đạt mức cao chưa từng thấy. Nhu cầu vàng trong nước tăng mạnh đã dẫn tới việc PBOC cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu vàng cho các ngân hàng thương mại.

Sau khi Nga bị phương Tây đóng băng dự trữ ngoại hối ở nước ngoài vì cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, các ngân hàng trung ương đã mua ròng mạnh vàng như một biện pháp để phòng ngừa rủi ro tương tự. Từ năm 2022 đến nay, lượng mua ròng vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng gấp 5 lần - theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs, một trong những tổ chức dự báo lạc quan nhất về triển vọng tăng giá của vàng trong những tháng gần đây.

Xu hướng này có thể là “một sự dịch chuyển mang tính cấu trúc trong hành vi quản lý dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương, và chúng tôi không kỳ vọng xu hướng đó sẽ đảo ngược trong ngắn hạn” - một báo cáo của Goldman Sachs hồi tháng 3 viết.

Tại thời điểm đó, Goldman Sachs ước tính vàng chiếm khoảng 8% trong dự trữ ngoại hối của PBOC, thấp hơn mức bình quân toàn cầu là khoảng 20% và cũng thấp hơn nhiều so với tỷ trọng vàng trong dự trữ ngoại hối của các nền kinh tế phát triển. Nếu Trung Quốc đặt mục tiêu phân bổ 20% dự trữ ngoại hối vào vàng, nước này sẽ mất khoảng 3 năm để đạt tới mức đó - theo các nhà phân tích của ngân hàng Mỹ.

“Việc Trung Quốc mua vàng chậm lại trong mấy tháng qua cho thấy họ sẽ mua nhiều hơn khi có được mức giá hấp dẫn. Có khả năng PBOC sẽ tiếp tục mua vàng khi họ giảm mức nắm giữ các tài sản được định giá bằng USD như trái phiếu kho bạc Mỹ”, CEO Ross Norman của trang Metals Daily nhận xét.

Theo số liệu chính thức, PBOC mua ròng 2,8 tấn vàng trong tháng 3, nâng tổng lượng mua ròng của quý 1 lên 12,8 tấn. Tuy nhiên, Goldman Sachs cho rằng khối lượng mua ròng vàng thực tế của Trung Quốc lớn hơn nhiều, có thể lên tới 50 tấn vàng trong tháng 2.

Hồi năm 2019, PBOC mua ròng hơn 100 tấn vàng để bổ sung vào dự trữ quốc gia khi quan hệ Mỹ - Trung xấu đi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump.

Trong tháng 5, chênh lệch giữa giá vàng bán lẻ ở Trung Quốc so với giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế có lúc lên tới 50 USD/oz, cao nhất kể từ đầu năm 2024.

“Phần bù giá vàng ở Trung Quốc đang rất cao. Phản ứng với nhu cầu mạnh ở Trung Quốc, vàng đang dịch chuyển từ nhiều nơi khác trên thế giới tới nuóc này”, ông Joseph Stefans - trưởng giao dịch của công ty MKS PAMP - nhận xét.