Giải bài toán quy hoạch cho “thủ phủ” du lịch miền Trung
Đà Nẵng, “thủ phủ” du lịch miền Trung được thiên nhiên ưu đãi có đầy đủ núi, sông và biển
Đà Nẵng, "thủ phủ" du lịch miền Trung được thiên nhiên ưu đãi có đầy đủ núi, sông và biển tạo thành một điểm nhấn đặc sắc thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Không thể phủ nhận du lịch đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế Đà Nẵng. Thế nhưng, đi cùng với tốc độ phát triển nhanh chóng thì Đà Nẵng cũng đang phải đối mặt với không ít áp lực.
Điểm sáng trên bản đồ du lịch
Trong năm 2016, Đà Nẵng đã vượt qua 8 thành phố du lịch nổi tiếng của châu Á là Bangkok, Bắc Kinh, Hồng Kông, Kuala Lumpur, Macau, Seoul, Thượng Hải, Singapore và được vinh danh là "Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á" tại lễ trao giải thưởng World Travel Awards 2016 khu vực Châu Á - Thái Bình Dương 2016.
Như vậy, sau gần 20 năm xây dựng và phát triển kể từ khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng đã được định vị như một điểm đến hiện đại, an toàn trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Theo số liệu báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 7 của UBND thành phố Đà Nẵng, hoạt động du lịch thời gian quan tiếp tục khởi sắc. Lũy kế 7 tháng qua, tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 4.060 nghìn lượt, đạt 64,5% kế hoạch năm, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó lượng khách quốc tế ước đạt 1.457 nghìn lượt, tăng 68,4%. Tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch 7 tháng ước đạt 11.938 tỷ đồng, đạt 64,5% kế hoạch năm.
Lượng khách du lịch đến Đà Nẵng năm sau tăng cao hơn năm trước chứng tỏ Đà Nẵng ngày càng chứng tỏ được sức hút của mình. Sức hấp dẫn này không chỉ đến từ lợi thế tự nhiên mà còn từ những thuận lợi về vị trí và hạ tầng.
Nhờ nằm ở vị trí "trung chuyển", du khách muốn tham quan các địa phương lân cận như Huế, Hội An đều có thể dừng chân tại Đà Nẵng. Với hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hiện đại, được đầu tư nâng cấp bài bản, khoảng cách từ Đà Nẵng đến các điểm du lịch lân cận này ngày càng được rút ngắn.
Bên cạnh đó, một trong những điểm mạnh khác của thị trường này là sân bay quốc tế Đà Nẵng, góp phần thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, chính sách đầu tư thông thoáng của Đà Nẵng đang ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước về thành phố này tìm kiếm cơ hội trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, du lịch, công nghệ cao.
Rõ ràng tiềm năng phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm du lịch, dịch vụ là rất lớn. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng thì Đà Nẵng cũng phải đối mặt với những áp lực từ quá trình đô thị hóa như dân số tăng nhanh, gia tăng lưu lượng giao thông, lượng xả thải, bùng nổ các cơ sở lưu trú du lịch kéo theo nhu cầu bức thiết về nhà ở của người dân địa phương.
Phát triển ra ngoài khu trung tâm
Vài năm trở lại đây, thành phố đang dần tập trung khai thác sang các khu vực lân cận có tiềm năng và lợi thế về du lịch nhằm giảm tải áp lực cho khu trung tâm.
Theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển khu vực đô thị cũ là trung tâm lịch sử truyền thống, tập trung chủ yếu các cơ quan ban ngành và là trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị và giáo dục của thành phố.
Khu vực ven biển phía Đông vốn được coi là khu trung tâm sẽ được chú trọng phát triển về kinh tế và du lịch nghỉ dưỡng. Trong khi đó, khu vực ven biển Tây Bắc còn hoang sơ sẽ hướng tới phát triển du lịch sinh thái, trung tâm thương mại dịch vụ, giao thông vận tải và kinh tế biển, đặc biệt là các khu đô thị dân cư. Đồng thời, ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin sẽ được ưu tiên phát triển tại khu vực phía Tây.
Để phục vụ cho kế hoạch biến nơi đây thành khu đô thị vệ tinh, nhiều dự án lớn đang được triển khai tại trục Tây Bắc thành phố.
Trong số đó, có thể kể đến kế hoạch chi 15.400 tỷ đồng nhằm triển khai dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng. Mục tiêu chính của dự án là di dời ga đường sắt ra khu vực phía Tây thành phố nhằm giảm ùn tắc giao thông trong khu vực trung tâm.
Song song đó, tạo tiền đề để phát triển cảng Liên Chiểu, kết nối thuận lợi giữa cảng Liên Chiểu và hệ thống đường sắt quốc gia; kết hợp với dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án mở rộng hầm đường bộ Hải Vân để tạo động lực để phát triển khu vực phía Tây và Tây Bắc thành phố.
Cũng tại khu vực này, Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư Khu công nghệ thông tin tập trung với mục tiêu đưa nơi này trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin theo mô hình Thung lũng Silicon tại Hoa Kỳ.
Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, Sở Xây dựng Đà Nẵng, ông Bùi Huy Trí cho biết đô thị Đà Nẵng sẽ tiếp tục được mở rộng quy mô lên khoảng 37 nghìn ha để đáp ứng quy mô dân số trên 2 triệu người vào năm 2030. Các khu vực đồi núi phía Tây, một số khu vực nông thôn sẽ là quỹ đất phát triển. Tiềm năng du lịch sẽ được khai thác và phát huy hơn nữa.
Ông Trí cũng cho biết thêm, ngoài các khu đô thị do thành phố đầu tư, hiện khu Tây Bắc đã bắt đầu triển khai một số dự án lớn như Khu Công nghệ cao (1.010 ha), các du lịch và bất động sản của các nhà đầu tư như Khu du lịch Xuân Thiều, Khu đô thị Golden Hill, Khu đô thị Thủ Tú, Khu đô thị Bàu Tràm…
Trong tương lai gần, thành phố sẽ xúc tiến một số dự án và chương trình phát triển đô thị lớn như Khu đô thị Cảng Liên Chiểu, Khu Kinh tế đặc thù với quy mô hàng nghìn ha mỗi dự án.
Bên cạnh đó các dự án du lịch Nam Hải Vân (1067 ha) và dọc theo sông Cu Đê, Trường Định và ven các triền núi sẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực Tây Bắc Đà Nẵng, biến khu vực này trở thành "cực" phát triển mới của thành phố trong những năm tới đây, mở ra cơ hội đầu tư giàu tiềm năng cho các nhà kinh doanh bất động sản cũng như người dân Đà Nẵng có nhu cầu về nhà ở.