17:23 13/06/2023

Giữa lúc Fed chờ đợi các tín hiệu lạm phát, nền kinh tế Mỹ đang hình thành những vết nứt?

Hoài Thu

Theo Financial Times, thời gian qua, những nỗ lực thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), cộng với là cuộc khủng hoảng của các ngân hàng khu vực tại nước này sau một loạt vụ phá sản, khiến nhiều người lo lắng rằng nền kinh tế Mỹ cuối cùng đã bắt đầu xuất hiện những vết nứt...

Tiến trình ghìm lạm phát của Fed thời gian qua đã chậm lại, nhưng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới giờ đây đang xem xét cách tiếp cận kiên nhẫn hơn - Ảnh: FT/Getty Images
Tiến trình ghìm lạm phát của Fed thời gian qua đã chậm lại, nhưng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới giờ đây đang xem xét cách tiếp cận kiên nhẫn hơn - Ảnh: FT/Getty Images

Với những chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ như ông Mike Zaffaroni, giám đốc công ty cung cấp vật liệu cảnh quan Liberty Landscape Supply ở bang Florida, nỗ lo về tương lai luôn thường trực. Ông cho rằng tình hình kinh tế nửa cuối năm 2023 có thể trở nên khó khăn hơn.

“Chúng tôi không phải là một công ty công nghệ hấp dẫn ở San Franciso, sống nhờ vào vốn đầu tư cổ phần tư nhân hoặc vốn đầu tư mạo hiểm. Chúng tôi là những doanh nghiệp hữu hình và nhàm chán, sống dựa vào vốn để tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, hàng tồn kho và con người. Vì vậy, chi phí vốn tăng lên sẽ khiến tăng trưởng của chúng tôi giảm tốc trong khoảng thời gian vô định. Đây là thực tế”, ông Zaffaroni chia sẻ.

Liệu nền kinh tế Mỹ có bị bẻ cong tới mức rơi vào suy thoái hay không là vấn đề khiến các quan chức Fed phải đau đầu kể từ khi cơ quan này bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay vào tháng 3/2022. Chỉ trong hơn một năm qua, Fed đã tăng lãi suất cơ bản hơn 5 điểm phần trăm lên mức cao nhất kể từ năm 2007 và sự thay đổi này cần có thời gian để tác động sâu rộng tới nền kinh tế.

Giờ đây, ông Jay Powell, Chủ tịch Fed, đang đối mặt một nhiệm vụ khó khăn là tạo ra được sự đồng thuận trong Ủy ban Thị trưởng mở Liên bang (FOMC) trong bối cảnh các thành viên trong ủy ban có quan điểm trái chiều về tốc độ giảm lạm phát, về tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây cũng như về việc liệu nền kinh tế đã đứng trên bờ vực hay chưa.

Theo các nhà phân tích, tiến trình ghìm lạm phát của Fed thời gian qua đã chậm lại, nhưng ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới giờ đây đang xem xét cách tiếp cận kiên nhẫn hơn. Điều này có thể đồng nghĩa với việc Fed sẽ không tăng lãi suất tại cuộc họp chính sách dự kiến diễn ra trong tuần này, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sau. Trong khi đó, Fed sẽ chưa xem xét việc hạ lãi suất cho tới năm 2024.

Theo ông Charles Evans, cựu chủ tịch Fed Chicago và vừa nghỉ hưu hồi tháng 2, các cuộc tranh luận sắp tới tại Fed sẽ tập trung vào một câu hỏi duy nhất: “Loại sai lầm chính sách nào mà chúng ta cảm thấy thoải mái nhất khi mắc phải?”.

NHỮNG VẾT NỨT ĐANG HÌNH THÀNH Ở ĐÂU?

Đến nay, nền kinh tế Mỹ tránh rơi vào suy thoái là nhờ thị trường lao động. Thị trường lao động Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng Covid và cho thấy sức mạnh đáng ngạc nhiên khi tình trạng thiếu lao động đã châm ngòi cho một cuộc cạnh tranh gay gắt giữa các nhà tuyển dụng.

Bất chấp làn sóng sa thải ở Thung lũng Silicon và Phố Wall, các công ty ở nhiều lĩnh vực khác vẫn đang tuyển dụng ồ ạt, các vị trí cần tuyển dụng đã tăng trở lại sau thời thời gian sụt giảm gần đây và tỷ lệ người Mỹ nghỉ việc vẫn tăng cao.

Tuy nhiên, đằng sau lớp bề mặt đó, một số động lực của thị trường lao động đã bắt đầu suy yếu. Trong vòng 3 tháng qua, số lượng việc làm mới bình quân tăng khoảng 280.000 việc làm mỗi tháng. Dù vẫn tăng nhưng con số này thấp hơn nhiều so với mức tăng gần 400.000 việc làm cùng thời điểm năm ngoái. Và dù vẫn ở mức thấp kỷ lục, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã tăng lên trong tháng 5, tăng 0,3 điểm phần trăm lên 3,7% - mức cao nhất 7 tháng.

Trên khắp nước Mỹ, hàng chục tiểu bang đang phát đi tín hiệu cảnh báo, trong kinh tế vĩ mô được gọi là Quy tắc Sahm. Quy tắc này xác định thời điểm bắt đầu một cuộc suy thoái có liên quan tới thời điểm mà tỷ lệ thất nghiệp trung bình động 3 tháng tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm so với mức thấp trong 12 tháng qua.

Quy tắc Sahm thường áp dụng với tỷ lệ thất nghiệp toàn quốc và xu hướng toàn quốc cho thấy các điều kiện của thị trường lao động Mỹ đã yếu đi. Tuy nhiên, sự suy yếu này vẫn chưa lan rộng và sẽ cần phải trầm trọng thêm thì những dự báo xấu nhất mới trở thành hiện thực.

Tiến độ tăng lương cũng đã hạ nhiệt, giúp các nhà hoạch định chính sách bớt lo ngại về việc tăng lương nhanh gây áp lực buộc các doanh nghiệp tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu, nhờ tiền tiết kiệm tích lũy trong đại dịch khi Chính phủ bơm 5.000 tỷ USD hỗ trợ các gia đình. Số tiền này đang cạn dần, nhưng theo các nhà kinh tế tại Fed Florida, các hộ gia đình vẫn còn khoảng 500 tỷ USD tiền tiết kiệm dôi dư, hỗ trợ chi tiêu của họ ít nhất đến cuối năm 2023.

Một số lĩnh vực ban đầu chịu ảnh hưởng lớn bởi việc Fed tăng lãi suất nhanh giờ đây đã bắt đầu ổn định, trong đó có thị trường nhà ở. Nhu cầu đối với các hoạt động liên quan tới dịch vụ như du lịch và giải trí có xu hướng tăng lên, gây áp lực lên lạm phát lõi - loại bỏ các mặt hàng có giá cả biến động như năng lượng và thực phẩm. Việc này cũng khiến Fed khó đưa tỷ lệ lạm phát về mức mục tiêu 2%.

NỖI SỢ CỦA FED

Các quan chức tại Fed từ lâu cho rằng không dễ để giảm lạm phát mà không gây ra một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng. Điều này đã thay đổi sau khi ngân hàng Silicon Valley Bank sụp đổ.

Hồi tháng 3, Fed điều chỉnh dự báo, cho rằng kinh tế Mỹ sẽ “suy thoái nhẹ” trong năm nay, trước khi bắt đầu phục hồi vào năm 2024.

Mối lo bắt nguồn từ việc các ngân hàng vừa và nhỏ tại Mỹ - chiếm khoảng 40% tổng dư nợ cho vay - có nguy cơ phá sản ngay lập tức khi bị rút tiền ồ ạt, giá cổ phiếu lao dốc và thiếu sự giám sát từ cơ quan quản lý trong trường hợp nhiều ngân hàng cùng phá sản.

Do đó, các tiêu chuẩn cho vay đã dược thắt chặt, tiếp tục thúc đẩy xu hướng đang diễn ra khi mà Fed tăng lãi suất. Ông Powell cảnh báo rằng các điều kiện tín dụng thắt chặt hơn có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế, thị trường lao động và lạm phát. Ông cũng nói rằng điều có thể đồng nghĩa rằng Fed không cần tăng lãi suất mạnh như dự kiến ban đầu để đạt được mục tiêu về lạm phát.

Trụ sở Fed tại Washington, D.C. - Ảnh: Wikipedia
Trụ sở Fed tại Washington, D.C. - Ảnh: Wikipedia

Trong bối cảnh đó, Fed càng thêm đau đầu khi đưa ra quyết định chính sách. Trong phần lớn chiến dịch thắt chặt tiền tệ kéo dài từ tháng 3/2022, các quan chức Fed không mấy do dự về con đường chính sách phù hợp. Do phản ứng chậm với lạm phát, Fed đã hành động với sự nhất trí cao trong hầu hết các cuộc họp và liên tục tăng lãi suất với mức 0,5 điểm phầm trăm và 0,75 điểm phần trăm để bắt kịp tình hình.

Sự đồng thuận cao đó giờ đây đang lung lai khi các nhà hoạch định chính sách tại Fed có quan điểm khác nhau về thời điểm các hành động của Fed sẽ có tác động toàn diện tới nền kinh tế. Theo mô tả của ông Alan Blinder, cựu phó chủ tịch Fed, sự chia rẽ này không chỉ là “tự nhiên” mà còn là một “vấn đề” đối với ông Powell.

Ít nhất trong cuộc họp vào tuần này, các nhà lãnh đạo tại Fed dường như đã có sự thỏa hiệp: đó là không tăng lãi suất và để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau đó. Việc chờ đợi sẽ giúp các quan chức Fed có thêm thời gian để xem xét các hoạt động kinh tế và các điều kiện tín dụng - theo ông Christopher Waller, một quan chức Fed trong một bài phát biểu hồi tháng 5.

“Rủi ro lớn nhất hiện nay là việc lạm phát không giảm nhanh như mong đợi. Nếu hôm nay Fed tăng lãi suất quá nhiều và tăng trưởng giảm tốc quá mạnh, họ có thể nhanh chóng hạ lãi suất. Vấn đề này dễ giải quyết hơn”, bà Kristin Forbes, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và hiện đang giảng dạy tại Trường Quản lý Sloan của Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định.

Theo bà, vấn đề nguy hiểm hơn là xảy ra kịch bản lạm phát kèm suy thoái, mà ở đó nền kinh tế suy thoái sau một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài, cùng với lạm phát cao dai dẳng.