16:23 12/06/2023

“Cơn bão” lạm phát đẩy châu Âu vào suy thoái

Bình Minh

Điều này cho thấy cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn so với những gì được dự báo ban đầu...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Nền kinh tế khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Euro (Eurozone) đã rơi vào suy thoái khi Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực, chuyển sang trạng thái suy giảm thay vì tăng trưởng. Điều này cho thấy cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể gây ra những ảnh hưởng sâu sắc hơn so với những gì được dự báo ban đầu.

Trong khi nền kinh tế Mỹ cho đến nay đã chứng tỏ được sự vững vàng trước sự đi lên của lãi suất, tiếp tục tăng trưởng nhờ tiêu dùng mạnh mẽ, thị trường việc làm thắt chặt và sự phục hồi của thị trường chứng khoán, thì châu Âu đang ngày càng tụt lại phía sau. Tờ Wall Street Journal cho rằng kinh tế Eurozone đang bị mắc kẹt trong tình trạng kinh tế tương đương với tình trạng Covid kéo dài ở người. Quy mô của nền kinh tế Mỹ hiện đã đạt mức lớn hơn 5,4% so với trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, nền kinh tế Eurozone chỉ lớn hơn 2,2%.

LẠM PHÁT BÀO MÒN TĂNG TRƯỞNG

Lạm phát - do chi phí năng lượng tăng đột biến và giá lương thực cao dai dẳng - đã dịu đi ở châu Âu trong thời gian gần đây nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mong muốn của các nhà hoạch định chính sách của khu vực và đang ảnh hưởng tiêu cực đến tiêu dùng.

Sự suy yếu trong nền kinh tế Đức là một vấn đề gây lo ngại đặc biệt. Trong những thập kỷ trước, nền kinh tế Đức thường phục hồi nhanh chóng sau những cú sốc kinh tế nhờ vào sức mạnh của khu vực xuất khẩu vốn dĩ có tính cạnh tranh cao của nước này.

Tuy nhiên, thương mại toàn cầu đã bị ảnh hưởng bất lợi bởi đại dịch và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nên rất có khả năng thương mại sẽ không mang lại mức độ hỗ trợ như trước cho kinh tế Đức vào thời điểm này. Sản lượng của các nhà máy ở Đức đã cho thấy sự sụt giảm mạnh trong tháng 3, trong khi cuộc chiến tiếp diễn ở Ukraine vẫn là một nguyên nhân chính gây bất ổn cho kinh tế khu vực.

Do quy mô lớn và giữ vai trò đầu tàu, nền kinh tế Đức có thể kéo khu vực Eurozone đi lên hoặc đi xuống theo. Việc kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái vào đầu năm đã xảy ra bất chấp sự tăng trưởng ở Pháp, Ý và Tây Ban Nha - những nền kinh tế lớn khác của khu vực này.

Các nhà kinh tế cho rằng tất cả thực tế này chỉ ra một điều rằng sự phục hồi của kinh tế châu Âu trong thời gian còn lại của năm nay sẽ ì ạch và kéo dài. Trong quá trình phục hồi đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng sẽ cảm nhận rõ áp lực từ chi phí đi vay cao hơn khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tiếp tục tăng lãi suất để chống lạm phát. Theo hầu hết các nhà phân tích, việc Eurozone rơi vào suy thoái không nghiêm trọng đến mức khiến chiến dịch tăng lãi suất của ECB phải tạm dừng.

Eurostat, cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU) hôm thứ Năm vừa rồi cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tất cả quốc gia dùng chung đồng Euro đã giảm 0,4% trong quý 1/2024, sau khi giảm trong quý 4 năm ngoái. Hai quý tăng trưởng âm liên tiếp đáp ứng định nghĩa của một cuộc suy thoái kinh tế kỹ thuật.

Trước đó, Eurostat ước tính rằng nền kinh tế của khu vực tăng trưởng nhẹ trong quý đầu tiên, nhưng sự thay đổi lớn của dữ liệu từ Đức và sự yếu kém của tăng trưởng ở Ireland và Phần Lan đã đẩy Eurozone vào trạng thái suy giảm kinh tế.

Giới chuyên gia kinh tế kỳ vọng tăng trưởng sẽ trở lại với kinh tế Eurozone trong quý 3 này, khi hóa đơn năng lượng giảm giúp giải toả bớt áp lực lên ngân sách hộ gia đình, nhưng bất kỳ sự phục hồi nào cũng có thể chỉ ở mức độ yếu ớt. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm thứ Tư tuần trước dự báo ​​nền kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm nay, gần bằng một nửa so với mức dự báo tăng dành cho kinh tế Mỹ.

Sự khác biệt chính giữa kinh tế châu Âu và kinh tế Mỹ hiện nay nằm ở chi tiêu của người tiêu dùng. Người Mỹ đang chi tiêu thoải mái cho các hoạt động mà họ đã bỏ qua trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, chẳng hạn như du lịch, xem nhạc và đi ăn nhà hàng. Không giống như người châu Âu, người Mỹ không phải cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa để có thể chi tiêu như vậy cho dịch vụ.

Ở châu Âu, chi tiêu hộ gia đình giảm trong cả quý 4 năm ngoái và quý 1 năm nay. Nhập khẩu cũng giảm mạnh trong cả hai quý - một dấu hiệu cho thấy sự yếu kém của kinh tế Eurozone đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp ở các khu vực khác trên thế giới.

Một lý do dẫn tới gia tăng khoảng cách kinh tế giữa hai bờ Đại Tây Dương nằm ở số tiền tiết kiệm mà người Mỹ tích lũy được trong thời kỳ đại dịch. Công ty nghiên cứu Oxford Economics ước tính rằng trong khi lượng tiền tiết kiệm dôi dư ở Mỹ đạt khoảng 8,3% sản lượng kinh tế hàng năm vào thời điểm cuối năm 2022, thì ở Eurozone, con số tương ứng chỉ đạt hơn 5%. Người Mỹ cũng sẵn sàng sử dụng những khoản tiết kiệm đó hơn, trong khi các cuộc khảo sát cho thấy người châu Âu thận trọng với những bất ổn phát sinh từ cuộc chiến ở Ukraine.

Giá năng lượng ở châu Âu đã bình thường trở lại sau khi lập kỷ lục mọi thời đại vào năm 2022, nhưng giá lương thực tiếp tục tăng với tốc độ nhanh, làm suy yếu chi tiêu của các hộ gia đình đối với các hàng hóa và dịch vụ khác. Năm nay, giá thực phẩm ở Mỹ chỉ tăng với tốc độ bằng khoảng một nửa so với ở châu Âu.

SỨC ÉP TỪ LÃI SUẤT TĂNG

Chuỗi tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu từ tháng 7 năm ngoái đã tác động đến hệ thống tài chính của khu vực. Lực cản đối với tăng trưởng từ nguồn này có thể sẽ tăng lên trong những tháng tới. ECB đã phát tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất cơ bản trong cuộc họp thứ 8 liên tiếp dự kiến diễn ra trong tuần này, sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Một nhà hoạch định chính sách của ECB, bà Isabel Schnabel, phát biểu: “Việc lạm phát cơ bản qua đỉnh là không đủ để tuyên bố chiến thắng lạm phát. Chúng tôi cần thấy bằng chứng thuyết phục về việc lạm phát quay trở lại mục tiêu 2% của chúng tôi một cách bền vững và kịp thời. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa đạt đến điểm đó.”

OECD dự báo ​​lạm phát ở Eurozone sẽ giảm xuống 5,8% trong năm nay từ mức 8,4% vào năm 2022, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 3,2% mà ECB đề ra cho năm 2024.

Một lý do khiến kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái là Ireland - nền kinh tế từ lâu giữ vị trí tăng trưởng nhanh nhất trong khu - chứng kiến cú sụt  44,7% của sản lượng các nhà máy trong tháng 3, có thể là do các công ty dược phẩm Mỹ hoạt động tại quốc gia này. Điều đó dẫn đến sự sụt giảm 17,3% GDP của Ireland trong quý 1. Văn phòng thống kê của Ireland đã không đưa ra lý do cho sự sụt giảm sản xuất đó, nhưng số liệu được công bố tuần trước đã cho thấy mức phục hồi 70,7% trong tháng 4 - một tín hiệu rằng sự sụt giảm trong quý 1 chỉ là nhất thời.

Hoạt động kinh tế yếu kém của kinh tế Eurozone từ đầu năm đến nay phản ánh phần nào những tổn thất mà chiến tranh Nga-Ukraine gây ra. Nền kinh tế Nga đã giảm 2% trong năm ngoái và OECD dự đoán kinh tế Nga sẽ giảm thêm 1,5% trong năm nay và 0,4% vào năm 2024. Nền kinh tế Ukraine đã giảm 1/3 vào năm 2022 và có khả năng bị thiệt hại thêm sau khi một con đập và nhà máy thủy điện ở miền Nam của nước này bị phá huỷ trong tuần vừa rồi.