Kinh tế Mỹ chưa thấy dấu hiệu suy thoái: Tan hy vọng Fed hạ lãi suất
Sự vững vàng của kinh tế Mỹ khiến cho giới chuyên gia và đầu tư phải từ bỏ hy vọng rằng Fed sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay...
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) khởi động chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa có những dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái đang hoặc sắp xảy ra - điều mà đã có những thời điểm giới chuyên gia dự báo “chắc như đinh đóng cột”. Sự vững vàng này khiến cho giới chuyên gia và đầu tư phải từ bỏ hy vọng rằng Fed sẽ chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng chính sách tiền tệ trong năm nay.
Các nhà tuyển dụng ở Mỹ vẫn đang ồ ạt tuyển nhân sự, người tiêu dùng vẫn khá thoải mái trong việc chi tiêu, thị trường chứng khoán đang đi lên và thị trường bất động sản có vẻ đang hồi phục. Tất cả đều nói lên một điều rằng nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế sự leo thang của giá cả vẫn chưa khiến cho nền kinh tế suy yếu đi nhiều.
Những hệ quả kéo dài của đại dịch Covid-19 đã khiến cho người tiêu dùng và nhà tuyển dụng tiếp tục trong một cuộc đuổi bắt để bù đắp những thiếu hụt mà họ đã phải trải qua và xung lực này có thể sẽ tự duy trì. Người Mỹ đang tiêu mạnh cho những hoạt động mà họ không được phép trong thời gian phong tỏa chống dịch, như đi du lịch, xem hát và ăn uống ở nhà hàng. Các doanh nghiệp phải tuyển thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu bị dồn nén đó. Các chính sách của Chính phủ Mỹ để phản ứng với đại dịch, gồm lãi suất siêu thấp và hàng nghìn tỷ USD hỗ trợ tài chính, đã mang tới cho người tiêu dùng và doanh nghiệp một lượng lớn tiền mặt và những khoản vay lãi suất thấp. Chưa kể, chính vấn đề lạm phát khiến Fed “mất ăn mất ngủ” lại là một nhân tố đẩy tiền lương và lợi nhuận tăng lên, từ đó thúc đẩy chi tiêu diễn ra mạnh mẽ hơn.
SỨC MẠNH CỦA THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM VÀ TIÊU DÙNG
Nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo rằng việc Fed tăng lãi suất sẽ làm nền kinh tế hạ nhiệt và giải toả áp lực giá cả theo thời gian, dẫn tới một cuộc suy thoái vào cuối năm nay. Nhưng cho tới hiện tại, các số liệu kinh tế Mỹ vẫn nóng hơn so với dự báo. Đặc biệt, tăng trưởng việc làm vẫn giữ được tốc độ ấn tượng, tạo dòng thu nhập ổn định và tăng cho người lao động Mỹ. Trong tháng 5 vừa qua, số lượng việc làm mới trong khu vực phi nông nghiệp của Mỹ là 339.000, vượt xa mọi dự báo của giới phân tích. Cùng với đó, Bộ Lao động Mỹ cũng điều chỉnh tăng số liệu việc làm mới của tháng 3 và tháng 4 so với lần công bố đầu tiên.
“Tôi không cho là có khả năng kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái”, giáo sư kinh tế học Justin Wolfers thuộc Đại học Michigan nói với Wall Street Journal. Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNN, ông Wolfers nói: “Kinh tế Mỹ chưa bao giờ suy thoái khi mà thị trường việc làm lại mạnh như bây giờ. Sẽ là kỳ cục nếu nói đến suy thoái vào một thời điểm mà công ăn việc làm đang được tạo ra với tốc độ như hiện nay”.
Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ (NBEA), một tổ chức nghiên cứu và giữ vai trò “trọng tài” trong việc công bố suy thoái kinh tế ở nước này, dựa vào việc phân tích nhiều dữ liệu kinh tế khác nhau để xác định suy thoái đã xảy ra hay chưa. Theo ông Wolfers, ở thời điểm hiện tại, hầu hết các chỉ số đó đều đang tốt.
Trong toàn bộ nền kinh tế, số lượng công việc cần tuyển dụng đã tăng lên mức 10,1 triệu vị trí trong tháng 4, từ mức 9,7 triệu vị trí của tháng 3, vượt xa con số 5,7 triệu người Mỹ thất nghiệp trong tháng 3. Sự mất cân đối giữa cơ hội việc làm và số người tìm việc tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tiền lương. Mức lương bình quân theo giờ ở Mỹ trong tháng 5 tăng mạnh, với mức tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái, tương tự như mức tăng đạt được trong tháng 3 và tháng 4.
“Trước đây, tôi không nghĩ là thị trường việc làm lại có thể mạnh như vậy trong một thời gian dài”, nhà kinh tế trưởng Carl Tannenbaum của Quỹ Northern Trust nhận định.
Thị trường lao động của Mỹ có thể tiếp tục duy trì tình trạng thắt chặt, vì hàng triệu người lao động gần tuổi nghỉ hưu đã từ bỏ ý định đi làm lại, đồng nghĩa với việc họ rút khỏi lực lượng lao động kể từ khi đại dịch bắt đầu. Tỷ lệ người Mỹ tuổi từ 16 trở lên đang làm việc hoặc tìm kiếm việc làm, tức lực lượng lao động, duy trì ổn định ở mức 62,6% trong tháng 5. Người Mỹ hiện có khoảng 500 tỷ USD tiền tiết kiệm dôi dư - con số tăng thêm so với lượng tiền tiết kiệm nếu xu hướng trước đại dịch duy trì, theo một báo cáo hồi tháng 5 của Fed Chi nhánh San Francisco. Lượng tiền dôi ra này cho phép người Mỹ chi tiêu thoải mái cho những chuyến du lịch mùa hè, vé nghe nhạc hoặc những bữa ăn ở nhà hàng, bất chấp giá cả tăng, đồng thời cũng tạo điều kiện để các công ty tiếp tục tăng giá hàng hóa, dịch vụ mà không mất khách.
CEO Bob Jordan của Hãng hàng không Southwest Airlines cho biết: hãng này dự báo nhu cầu tăng mạnh trong 2-3 tháng tới, khoảng thời gian mà hầu hết mọi người ở Mỹ đặt vé máy bay. Hãng tăng dự báo doanh thu mỗi đơn vị ghế trong quý 2 trên cơ sở nhu cầu mạnh. Theo Cơ quan An ninh giao thông Mỹ, số hành khách đi qua các sân bay của Mỹ trong dịp nghỉ lễ Tưởng niệm (Memorial Day) vào cuối tháng 5 vừa rồi đã vượt con số của cùng kỳ năm 2019, trước đại dịch xảy ra.
CEO Brett Keller của chuyên trang du lịch Priceline cảm thấy ngạc nhiên trước nhu cầu du lịch tăng cao trong lúc người tiêu dùng phải trả mức giá cao hơn cho vé máy bay và phòng khách sạn. Ông Keller lấy ví dụ là giá vé khứ hồi cho mỗi chuyến bay giữa vùng Bờ Đông và Boise, bang Idaho, đã vượt 1.000 USD, tăng gấp hơn 2 lần so với cách đây một năm.
Rõ ràng, các hoạt động kinh tế và lạm phát ở Mỹ chưa hề giảm tốc như kỳ vọng của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ trong Fed. Từ tháng 3/2022, Fed đã tăng lãi suất 10 lần liên tiếp, đưa lãi suất quỹ liên bang (fed funds rate) từ 0-0,25% lên 5-5,25%, cao nhất 16 năm...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 24-2023 phát hành ngày 12-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam