Gỗ ghép thanh tồn kho lớn
Trong chuyến công tác mới đây đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ngãi, vào bất cứ nhà máy, phân xưởng sản xuất gỗ ghép thanh nào chúng tôi cũng đều chứng kiến cảnh máy móc lặng im, vắng bóng công nhân làm việc, sản phẩm tồn kho đầy ắp...
Hiện nay, cả nước có 146 doanh nghiệp sản xuất ván gỗ ghép thanh, với công suất khoảng 570.000 m3/năm. Các loại ván ghép thanh ở Việt Nam phổ biến được sản xuất từ các loại gỗ rừng trồng như keo, bạch đàn, tràm, cao su, thông… Ván ghép thanh được sử dụng rộng rãi trong các công trình dân dụng và các sản phẩm nội thất cao cấp.
ĐÌU HIU SẢN XUẤT GỖ GHÉP THANH
Tại Công ty TNHH thương mại, sản xuất và dịch vụ Tân Thành Phú ở Cụm công nghiệp Bình Nguyên (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), trên diện tích đất rộng tới 4,67 ha là những kho hàng khổng lồ chứa đầy ắp gỗ ván ghép thanh chưa xuất khẩu được. Nhà xưởng chế biến gỗ ghép thanh với hàng trăm máy móc cũng nằm im lìm, không bóng dáng một công nhân nào.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Lưu Phụng Linh Tiên, Giám đốc Công ty Tân Thành Phú, cho biết thông thường vào thời điểm này là cao điểm của ngành chế biến gỗ xuất khẩu, thị trường gỗ ghép thanh rất nhộn nhịp. “
Tuy nhiên, năm nay hoàn toàn trái ngược, chúng tôi đã phải dừng hoạt động từ tháng 9/2022. Hàng trăm tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp đang đóng băng trong 800 m3 gỗ ghép thanh tồn kho. Ngoài ra, còn tồn khối lượng lớn gỗ xẻ phôi chưa chế biến thành gỗ ghép. Công ty đã phải giảm tới 80% lao động do đến thời điểm này hoàn toàn không có đơn hàng”, bà Tiên ngao ngán.
Tại phường Hố Nai (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), có một làng nghề cưa xẻ lớn nhằm phục vụ nhu cầu phôi nguyên liệu cho sản xuất, xuất khẩu khu vực phía Nam, nhưng hiện nay rất nhiều hộ trong làng nghề này đã phải trả xưởng, ngưng sản xuất. Điển hình là Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng (khu phố 8, Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) hiện trong tình trạng hoàn toàn “đóng băng” đơn hàng xuất khẩu gỗ ván ép thanh.
Bà Nguyễn Hoàng Lý, Giám đốc Công ty Mộc Quyết Thắng, cho biết thị trường gỗ ghép thanh vốn ổn định trong vòng 10 năm trở lại đây. Đáng chú ý, thời điểm dịch Covid-19, thị trường gỗ ghép thanh phát triển rất tốt, có thời điểm sản xuất không kịp để bán và không có tình trạng tồn nguyên liệu trong kho.
Tuy nhiên, trong 11 tháng năm 2022, tình trạng “rớt” đơn hàng, giảm sút sản lượng đã diễn ra liên tục. Đầu ra của gỗ ghép thanh là làm bàn, ghế, tủ, giường để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU, nhưng hiện nay các thị trường này đang rơi vào suy thoái kinh tế khiến đầu ra của gỗ ghép thanh bị “tắc”.
DOANH NGHIỆP "NGỦ ĐÔNG" CHỜ TRỢ SỨC
Theo các doanh nghiệp, để làm ra 1 m3 gỗ ghép thanh thành phẩm cần sử dụng từ 1,7-1,8 m3 gỗ xẻ. Không chỉ là nguồn nguyên liệu quan trọng cho sản xuất đồ gỗ trong nước, từ nhiều năm nay, gỗ ghép thanh đã trở thành sản phẩm xuất khẩu đem về nguồn ngoại tệ kha khá, chiếm hơn 3% tổng giá trị xuất khẩu của toàn ngành gỗ và sản phẩm gỗ.
Giá trị xuất khẩu gỗ ghép thanh năm 2019 đạt 332,7 triệu USD, năm 2020 đạt gần 360 triệu USD. Thời kỳ hoàng kim của gỗ ghép thanh là vào khoảng năm 2019-2020. Khi đó, nếu như gỗ xẻ có giá từ 3,1-3,5 triệu đồng/m3 thì giá gỗ ván ghép thanh lên tới 10-14 triệu đồng/m3. Vào năm 2021, giá xuất khẩu gỗ ghép thanh dao động từ 850-1.500 USD/m3 (tùy vào chất lượng sản phẩm).
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 48 phát hành ngày 28-11-2022. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam