19:13 14/10/2022

“Hộ chiếu xanh” FLEGT cho xuất khẫu gỗ: Thách thức trước mắt nhưng lợi ích lâu dài

Chu Khôi

Tính đến ngày 10/10/2022, mới chỉ có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại Nhóm I, chiếm tỷ lệ quá ít trong tổng số các doanh nghiệp phải thực hiện phân loại (1.200 -1.300 doanh nghiệp). Đây là một trong những lý do khiến việc cấp giấy phép Flegt cho các lô hàng xuất khẩu gỗ vẫn chưa thể thực hiện được…

Gỗ nguyên liệu nhập khẩu về đã có chứng nhận gỗ hợp pháp.
Gỗ nguyên liệu nhập khẩu về đã có chứng nhận gỗ hợp pháp.

Trong 2 ngày, từ 12-14/10/2022, tại Đồng Nai, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) phối hợp với Tổng Cục Lâm nghiệp Việt Nam tổ chức “Hội thảo Chuỗi giá trị lâm sản và thực thi Hiệp định VPA/FLEGT”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cung cấp thông tin về Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). 

CHUYỂN BIẾN VỀ NHẬP KHẨU GỖ

Ông Lưu tiến Đạt, Tổng Cục Lâm nghiệp, cho biết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) đã ký kết từ năm 2018, có hiệu lực từ năm 2019.

Hiệp định hướng tới mục tiêu đảm bảo các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam được sản xuất hợp pháp, góp phần cải thiện quản trị rừng, mở rộng thị trường, thúc đẩy thương mại gỗ và sản phẩm gỗ bền vững.

Hiệp định VPA/FLEGT đã trở thành một trong những nội dung cam kết trong Chương 13: Thương mại và phát triển bền vững của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Theo ông Đạt, quá trình thực hiện cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT của Việt Nam đã được thông qua “nội luật hóa’’ bằng Nghị định 102 (Chính phủ ban hành vào ngày 1/9/2020).

Tổng cục Lâm nghiệp đã đánh giá sâu tác động của Hiệp định VPA/FLEGT và Nghị định 102 đến chuỗi hoạt động sản xuất, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng rất mạnh trong suốt 10 năm qua, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 30-40%.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm phẩm gỗ đạt 14,72 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ba Lan,  Đức và Ý. Ngành Gỗ phấn đấu năm 2025 đạt 20 tỷ USD.

Ths.Nguyễn Tường Vân, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, nhận định Hiệp định VPA/FLEGT chưa có tác động nhiều tới xuất khẩu gỗ vào EU, mà lại tác động mạnh ở xuất khẩu đồ gỗ vào thị trường Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng có đạo luật riêng đối với thương mại gỗ, nhưng khi thấy Việt Nam đàm phán và thực thi Hiệp định VPA với EU, Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ kiểm soát gỗ, ngăn chặn gỗ hợp pháp, nên Hoa Kỳ cũng coi đây như là “hộ chiếu” cho sản phẩm gỗ Việt xuất vào Hoa Kỳ. Đến nay, kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam vào Hoa Kỳ chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.

"Tác động rõ rệt nhất của Nghị định 102 về quản lý gỗ nhập khẩu là sự chuyển biến về thị trường nhập khẩu: Từ vùng địa lý không tích cực (rủi ro) sang vùng địa lý tích cực (Hoa Kỳ, EU, Úc). Số lượng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ vùng địa lý tích cực tăng mạnh", bà Vân nhấn mạnh.

CHẬM TRỄ CẤP GIẤY PHÉP FLEGT, VÌ ĐÂU?

Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa thể cấp giấy phép FLEGT cho các lô hàng đồ gỗ xuất khẩu sang EU. Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, ông Đạt cho biết tuy Việt Nam xuất khẩu sản phẩm gỗ đến hơn 100 quốc gia, nhưng cũng nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ gần 80 quốc gia, vì thế dễ bị ảnh hưởng khi một trong các thị trường xuất nhập khẩu chủ lực thay đổi quy định pháp luật và chính sách về quản lý rừng và thương mại gỗ.

Ông Lưu Tiến Đạt khẳng định đến thời điểm này, hệ thống pháp luật Việt Nam đã đầy đủ các quy định để đảm bảo cho sản xuất và thương mại gỗ là hợp pháp và tương thích với EU, đồng thời Việt Nam đã triển khai giám sát chuỗi gỗ hợp pháp rất nghiêm ngặt.

Vì vậy, phía EU và Việt Nam thống nhất xây dựng hệ thống phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, nhằm giảm bớt gánh nặng hành chính cho cơ cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.  

Theo đó, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân thành 2 nhóm. Nhóm 1 là nhóm tuân thủ đầy đủ pháp luật của Việt Nam. Nhóm 2 là các doanh nghiệp chưa tuân thủ các quy định của Pháp Luật Việt Nam.

Doanh nghiệp có tên trong nhóm 1 sẽ không cần xác minh, mà doanh nghiệp sẽ được tự xác nhận vào Bảng kê lâm sản khi làm hồ sơ xuất khẩu.

Với doanh nghiệp thuộc nhóm 2, sẽ phải xác minh trước khi xuất khẩu: Cơ quan kiểm lâm sở tại kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tối thiểu 20% khối lượng của mỗi lô hàng xuất khẩu.

Công việc đánh giá xếp loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ đã triển khai từ tháng 5/2022. Tính đến ngày 10/10/2022, có 141 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được xếp loại nhóm I, chiếm tỷ lệ còn hạn chế trong tổng số các doanh nghiệp phải thực hiện phân loại (1.200 -1.300 doanh nghiệp).

Ths.Vân nhấn mạnh rằng để hệ thống VNTLAS vận hành cấp giấy phép FLEGT còn phải trải qua sự thẩm định đánh giá độc lập với sự tham gia của cơ quan được EU và Việt Nam cùng nhất trí. Tuy nhiên, hiện nay chưa thể tiến hành đánh giá độc lập đối với hệ thống VNTLAS, vì phía EU cho rằng số lượng 141 doanh nghiệp xếp nhóm I là quá ít.

"Hiện phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa gửi hồ sơ tới cơ quan chức năng để xếp loại, bởi đánh giá xếp loại không chỉ về gỗ hợp pháp, mà theo quy định doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định pháp luật Việt Nam, từ đất đai, thuế, môi trường, lao động, phòng cháy chữa cháy. Nhiều doanh nghiệp chưa đảm bảo được các hồ sơ về các vấn đề này", bà Vân nhận định.

Ông Ngô Sỹ Hoài phát biểu tại hội thảo.
Ông Ngô Sỹ Hoài phát biểu tại hội thảo.

Đại diện cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, chia sẻ những năm qua, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào EU phải cung cấp nhiều loại giấy tờ cho đối tác mua hàng để họ thực hiện giải trình, chứng minh tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ nguyên liệu với cơ quan chức năng phía EU. Doanh nghiệp đang mong ngóng được cấp giấy phép FLEGT để không còn phải làm nhiều loại giấy tờ nữa.

“Đến nay, hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đều đã tuân thủ các quy định pháp luật về gỗ hợp pháp. Tuy nhiên, việc không biết đến ngày nào giấy phép FLEGT mới được cấp, khiến các doanh nghiệp rất sốt ruột”, ông Hoài nói.

Khẳng định việc thực thi Hiệp định VPA/FLEGT đối với các doanh nghiệp ngành gỗ tuy đang gặp rất nhiều thách thức trước mắt, nhưng sẽ đem lại lợi ích lâu dài, ông Hoài khuyến cáo: Các doanh nghiệp ngành gỗ cần nhanh chóng đầu tư nguồn lực (nhân lực và tài chính) vào cải tiến sản xuất, điều kiện lao động, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của Nghị định 102.

“Các doanh nghiệp phải tuân thủ mọi quy định về lao động, môi trường, bảo hiểm xã hội, quản lý chuỗi cung ứng. Có như vậy, những “Hộ chiếu xanh FLEGT” mới đến tay doanh nghiệp, để  sản phẩm gỗ Việt Nam tăng tốc mở rộng thị trường tại EU cũng như trên toàn thế giới", ông Ngô Sỹ Hoài nhấn mạnh.