10:55 07/05/2019

Góc nhìn từ mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc

Chu Khôi

Khảo sát nhanh cũng cho thấy, lợi ích mà các hộ góp đất thu về thực tế từ cao su thấp hơn nhiều so trồng các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn trước kia

Mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi rất lớn quỹ đất canh tác hàng năm của các hộ dân.
Mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi rất lớn quỹ đất canh tác hàng năm của các hộ dân.

Ngày 3/5/2019, Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Hội đồng Dân tộc Quốc hội tổ chức tọa đàm "Người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa: từ góc nhìn của mô hình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc".

TS. Nguyễn Lâm Thành - Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết, năm 2008 - khi giá mủ cao su cao ở mức đỉnh điểm, tại vùng Tây Bắc, lần đầu tiên mô hình người dân góp đất canh tác cùng các công ty của Nhà nước để trồng cao su bắt đầu được hình thành.

Nhằm tạo hành lang pháp lý cho mô hình này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 990/QĐ-TTg ngày 18/6/2014, cho phép thí điểm mô hình hộ nông dân góp đất, hợp tác với các công ty của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để phát triển cao su tại Sơn La. Quyết định nêu rõ "Hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện thí điểm cho hộ dân góp đất; tổng kết, đánh giá kết thúc giai đoạn thực hiện thí điểm, trình Thủ tướng Chính phủ vào quý 4/2018".

Đến nay, thời hạn đánh giá kết quả của mô hình thí điểm đã qua, thế nhưng, Tập đoàn Công nghiệp cao su vẫn chưa có báo cáo đánh giá trình lên Chính phủ.

Ông Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VUSTA cho hay, từ năm 2008 đến nay, đã có trên 30.000 ha chủ yếu từ nguồn đất canh tác của hộ đồng bào dân tộc được góp cùng với các công ty cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su để trồng cây cao su ở vùng Tây Bắc. Với bình quân mỗi hộ góp 1ha, tổng số hộ tham gia mô hình là trên dưới 3 vạn hộ. Vì vậy, tác động của mô hình này tới sinh kế của các hộ tại vùng Tây Bắc là rất lớn.

Tuy nhiên, theo Forest Trends trình bày tại tọa đàm, tổ chức này đã tiến hành khảo sát nhanh tại 6 cộng đồng thôn bản trên địa bàn tỉnh Sơn La vào tháng 2-3/2019. Cho thấy, mô hình góp đất trồng cao su đã thay đổi quỹ đất canh tác hàng năm của hộ rất lớn. Cụ thể, trong 399 hộ phản hồi khảo sát, có 15% số hộ góp trên 80% diện tích đất canh tác của mình vào mô hình; 17% số hộ góp 60-80% diện tích đất canh tác, 44% góp 40-60% diện tích.

Kết quả khảo sát nhanh cũng cho thấy, lợi ích mà hộ thu được thực tế từ cao su đến nay thấp hơn nhiều so với lợi ích mà hộ thu được từ các loại cây hàng năm như lúa, ngô, sắn mà hộ trồng trên cùng các diện tích trước khi góp với công ty để trồng cao su.

Hiện bình quân mỗi hộ tham gia mô hình nhận được trên dưới 500.000 đồng/năm, tức là chỉ bằng 2-3% so với thu nhập từ các loại cây trồng như ngô và sắn với diện tích tương đương. Có tới 9% số hộ được khảo sát cho rằng thu nhập của mình giảm trên 80%; 38% số hộ cho rằng thu nhập giảm 40-80%.

Ông Lò Văn Hùng - một hộ dân góp đất trồng cao su ở Mai Sơn (Sơn La) chia sẻ: "Gia đình tôi góp đất trồng cây cao su đến nay đã được 11 năm mà chưa được hưởng bất kỳ lợi ích gì từ cây cao su. Hiện hộ nào có nhiều cây cao su cho mủ thì được chia vài triệu đồng, hộ ít được vài trăm ngàn đồng, thậm chí có hộ chỉ nhận được 5.000 đồng. Cây cao su không chịu được đất ở Sơn La, sương muối xuống là cây chết. Hiện tại, người dân chỉ mong muốn công ty trả lại đất cho dân để canh tác cây khác". 

Ông Lù Văn Hải - Trưởng bản Ta Mo, Mường Bú, Mường La (Sơn La) thông tin thêm, hiện nay, một số diện tích trồng cây cao su không lên, công ty không trồng bù đắp thêm. Vấn đề chia cổ tức thế nào, tính ra sao, bà con cũng chưa được biết. "Nhà tôi góp 2,5ha mà hiện chỉ có 800 cây. Tính theo đúng mật độ, 800 cây chỉ tương ứng với 1,7ha, còn 8.000m2 thì không được chia cổ tức. Chúng tôi yêu cầu không chia thì công ty phải trả lại đất để dân canh tác cây khác", ông Hải nhấn mạnh.

Trả lời những bức xúc của người dân, cũng như câu hỏi của các chuyên gia, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu cho hay, tổng diện tích công ty ký hợp đồng với hộ dân góp đất trồng cao su là 7.600 ha/4.900 hộ. 

Năm 2017, doanh nghiệp đưa vào khai thác mủ cao su, chia lại cho hộ dân góp đất số tiền 2,8 tỷ đồng. Năm 2018, con số chi trả này là 5,3 tỷ đồng. Theo ông Thắng, 2 năm thực hiện khai thác mủ, toàn bộ số tiền lãi, công ty đã chi trả 100% cho hộ dân. 

"Cao su là cây đa mục đích nhưng là cây công nghiệp dài ngày. Những năm đầu, số cây đưa vào khai thác ít, nhưng số cây sẽ lớn dần từng năm. Tổng vốn đầu tư của công ty là hơn 1.000 tỷ đồng trên tổng số hơn 6.900ha, tính toán thu hồi vốn trong vòng 20 năm. Do vậy, mọi tính toán phải tính trong vòng 20 năm, nên xét góc độ chung chứ không nên lấy hạt cát ra soi", ông Thắng nói.

Kết luận tọa đàm, TS. Nguyễn Lâm Thành cho rằng, chúng ta nghe người dân và doanh nghiệp nói ngược nhau, nên không biết ai đúng, ai sai. Các chuyên gia, tổ chức quốc tế và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, cùng các doanh nghiệp phải ngồi lại cùng nhau tiến hành đánh giá tổng kết cụ thể, xem xét kỹ lưỡng ở mọi góc độ lợi, hại để có báo cáo lên Chính phủ.