14:54 09/03/2012

Góp vốn bằng đất nông nghiệp vì sao thất bại?

Chu Khôi

Hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì sợ mất đất vĩnh viễn

Hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì sợ mất đất vĩnh viễn - Ảnh: Getty.
Hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì sợ mất đất vĩnh viễn - Ảnh: Getty.
Mô hình công ty cổ phần với cổ đông là nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là sự kỳ vọng tạo ra sự đổi thay đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp áp dụng mô hình này đều thất bại, đến nay chỉ có hai mô hình tạm thời trụ lại được, nhưng về lâu dài cũng rất rủi ro.

Do diện tích đất canh tác bình quân ở mỗi hộ gia đình quá thấp (0,4 ha/hộ), nên quy mô sản xuất rất nhỏ, manh mún. Trong khi đó, rất nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vừa thiếu vốn vừa không có đất để tổ chức sản xuất. Nếu thúc đẩy tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, phát triển cơ giới hóa, thì sẽ dẫn đến nhiều bộ phận nông dân khác mất đất canh tác.

Một giải pháp trung hòa cho hai áp lực này là nông dân góp vốn với công ty cổ phần bằng quyền sử dụng đất, nông dân không mất đất nhưng doanh nghiệp có diện tích canh tác lớn. Vấn đề nông dân khi tham gia làm cổ đông ở các công ty cổ phần có thể góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất đã được pháp luật nước ta công nhận trong Luật Đất đai, Luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Viện Chiến lược chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) đã khảo sát nghiên cứu về thực trạng triển khai mô hình doanh nghiệp cổ phần mà cổ đông là nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tại hội thảo “Thể chế cho phát triển nông thôn, nâng cao phúc lợi cho nông dân”, TS. Lê Đức Thịnh, Trưởng bộ môn Thể chế nông thôn của Ipsard, đã chỉ ra sự thất bại của việc góp vốn bằng đất nông nghiệp.

Tại 4 tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên và Vĩnh Phúc, tất cả nông dân và doanh nghiệp khi được hỏi đều không tán thành cách làm này.

Nếu nông dân nhượng quyền sử dụng đất hoặc giao đất cho doanh nghiệp, nhận đền bù bằng tiền mặt thì họ sẽ có nhiều lựa chọn, có tiền để chuyển đổi nghề kinh doanh. Trong khi nếu góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thì giá trị đất đó được các doanh nghiệp định giá rất thấp. Nhiều doanh nghiệp khi nhận đất góp của nông dân nhiều năm báo lỗ và khoản lỗ này nông dân phải cùng gánh chịu. Hậu quả là chỉ sau vài năm, nhiều nông dân đã mất hết quyền sử dụng đất vào tay doanh nghiệp.

Bởi vậy, hầu hết nông dân sợ góp vốn bằng quyền sử dụng đất vì sợ mất đất vĩnh viễn nếu phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng sang công. Khi trở thành cổ đông, nông dân không thể tham gia vào quản lý công ty vì họ không có kỹ năng, lượng vốn nhỏ không có đáp ứng tỷ lệ vốn của đại cổ đông.

Trong khi đó, trên 80% các nhà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp lựa chọn hình thức công ty TNHH thay vì lập công ty cổ phần. Bởi vì, nếu nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cũng sẽ không giải quyết được tình trạng thiếu vốn của doanh nghiệp nhưng lại có quá nhiều cổ đông là nông dân tham gia vào doanh nghiệp, tạo ra sự phức tạp trong sản xuất kinh doanh.

TS. Lê Đức Thịnh nhận định, hiện khung pháp lý của nước ta về vấn đề này chưa đầy đủ. Vấn đề phải bảo đảm giá trị cổ phần trong công ty. Nhà nước cũng chưa có hướng dẫn xử lý thời hạn giao đất 20 năm đối với đất thu hồi là đất nông nghiệp.

Hiện cả nước chỉ có hai mô hình công ty cổ phần mà nông dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất là Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) và Công ty Cao su Sơn La. Tại Công ty Mía đường Lam Sơn, nông dân góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với thời hạn 20 năm, hết thời hạn này thì đất lại thuộc về nông dân. Công ty bỏ vốn hàng năm tổ chức sản xuất, nông dân vẫn canh tác trên ruộng mía của họ, nhưng không phải lo đầu tư giống, vốn, kỹ thuật, lại được tính thêm tiền công lao động. Nông dân được chia 30% số tiền từ doanh thu bán mía cho công ty mẹ, trung bình mỗi ha đã được trả 18 triệu đ/năm. Công ty dành 10% lợi nhuận để xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất. Mô hình này đã tạo ra thuận lợi: doanh nghiệp có vùng nguyên liệu mía ổn định, có điều kiện để xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy cơ giới hóa và áp dụng tiến bộ kỹ thuật.

Khó khăn là, doanh nghiệp cần lượng vốn rất lớn ban đầu để đầu tư cho nông dân, với 100 ha tối thiểu cần 20 tỷ đồng. Với nông dân, có được đầu ra ổn định, không lo vốn đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, chính công ty cổ phần sẽ gặp nhiều rủi ro, vì lợi nhuận của cty sẽ không cao và phụ thuộc vào công ty mẹ. Mô hình này cũng không giúp công ty cổ phẩn tự kiểm soát chất lượng sản phẩm. Mặt khác, rủi ro cũng sẽ đến khi công ty sử dụng quyền ruộng đất để thế chấp vay vốn.

Mô hình ở Công ty Cao su Sơn La, nông dân được hưởng 40% giá trị mủ cao su và gỗ khai thác. Mô hình này tạo nhiều rủi ro cho nông dân. Nông dân trồng cao su 7-8 năm mới bắt đầu khai thác, suốt thời gian đó nông dân không được hỗ trợ tiền để sống. Giá trị quyền sử dụng đất được cty định giá để góp vốn quá thấp, chỉ 10 triệu đồng/ha, nên cổ tức sẽ rất thấp. Tỷ lệ ăn chia mà nông dân được hưởng rất thấp, chỉ 40% trong khi nếu nông dân tự trồng cao su và bán mủ cho nhà máy thì sẽ được hưởng 100% lợi nhuận.

Các chuyên gia kiến nghị, cần phải nghiên cứu xây dựng mô hình, thể chế riêng cho loại công ty cổ phần mà cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Loại công ty này có đặc thù riêng, vì thực chất đây là giải pháp xây dựng vùng nguyên liệu chế biến, khắc phục manh mún, gắn sản xuất với chế biến, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và nông dân.

Các dự án chỉ khả thi khi khung pháp lý được nghiên cứu ban hành theo hướng: xác định đúng giá trị quyền sử dụng đất của nông dân. Tỷ lệ phân chia sản phẩm  phải được tính toán hợp lý; có giải pháp về vốn cho doanh nghiệp, tránh tình trạng đầu tư nửa chừng. Cần có giải pháp hỗ trợ người dân, người nghèo trong giai đoạn kiến thiết cơ bản đối với loại cây trồng lâu năm mới cho thu hoạch như cao su, cà phê, chè. Nông dân phải được pháp luật bảo hộ đủ mức, tránh đẩy nông dân vào vị thế bất lợi trong doanh nghiệp do không có khả năng tham gia quản lý.