09:52 24/08/2021

Hà Nội nỗ lực giữ “vùng xanh doanh nghiệp”

Băng Hảo

Tính đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 615 điểm “vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động, vừa bảo đảm sản xuất, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19...

Với phương châm “nhanh hơn một bước, cao hơn một mức” trong triển khai các phương án phòng, chống dịch Covid-19, người lao động cam kết thực hiện quy trình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”, đảm bảo 5K trong mọi hoạt động, Liên đoàn Lao động các quận, huyện trên địa bàn TP. Hà Nội đã phối hợp với doanh nghiệp triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”.

GIỮ CƠ HỘI SẢN XUẤT ĐỂ PHỤC HỒI SAU DỊCH

Ông Hoàng Văn Tiển, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH ABB Power Grids Việt Nam trên địa bàn quận Hoàng Mai thông tin, mặc dù đơn hàng của công ty dồi dào, nhu cầu sản xuất lớn, song đặt tiêu chí sức khỏe người lao động và an toàn sản xuất lên hàng đầu. Để thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch Covid-19, công ty đã triển khai làm việc giãn cách, chia 3 ca độc lập, cách nhau 15 phút, không gặp nhau giờ giao ca, đi và về theo lối riêng.

Tất cả công nhân, nhà thầu, khách hàng khi đến công ty đều phải quét QR code, đo thân nhiệt và đeo khẩu trang suốt thời gian làm việc. Đặc biệt, công ty thực hiện xét nghiệm trước khi nhân viên vào nhà máy và thực hiện xét nghiệm định kỳ theo phương pháp RT-PCR cho tất cả người lao động.

Triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp”, ông Lê Mạnh Bình - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ximăng Sài Sơn chia sẻ, toàn bộ Công ty có 350 người. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn cho công nhân viên, người lao động, Công ty đã cho 80 người có liên quan đến các vùng dịch được nghỉ việc, số còn lại 270 người thực hiện ăn, nghỉ tại chỗ để làm việc. Chính vì cắt giảm số công nhân nên hiện tại Công ty chỉ sản xuất được 2/3 sản lượng so với trước đó. Phương án “3 tại chỗ” này được Công ty triển khai trước khi Uỷ ban Nhân dân thành phố có chỉ thị giãn cách cho đến nay.

Tương tự, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh Xuân Mai Hà Nội khẳng định Công đoàn luôn chủ động, phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp để đảm bảo môi trường an toàn cho người lao động làm việc. Toàn bộ chi nhánh có gần 400 công nhân lao động. Ngay khi có Chỉ thị giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, bộ phận văn phòng được bố trí làm việc online tại nhà, 280 công nhân còn lại được bố trí làm việc tại Công ty; riêng đội ngũ lái xe cam kết thực hiện 1 cung đường, 2 điểm đến...

"Vùng xanh doanh nghiệp" là vùng sản xuất an toàn tại các doanh nghiệp được các cấp chính quyền phê duyệt cho phép sản xuất ngay cả trong thời gian giãn cách, trong đó người lao động bảo đảm không có F0, F1.
"Vùng xanh doanh nghiệp" là vùng sản xuất an toàn tại các doanh nghiệp được các cấp chính quyền phê duyệt cho phép sản xuất ngay cả trong thời gian giãn cách, trong đó người lao động bảo đảm không có F0, F1.

Có thể nói, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 phức tạp như hiện nay, việc giữ được an toàn nhà xưởng, bảo vệ sinh mạng, thu nhập cho công nhân, giữ được đơn hàng là điều nhiều doanh nghiệp phải tìm cách thực hiện được lúc này. Sản xuất chính là cơ hội phải giữ để còn duy trì và phục hồi khi dịch đi qua. Tuy nhiên, không có sứ mệnh nào cao cả hơn việc giữ mạng sống con người, các doanh nghiệp phải giữ cho được "vùng xanh" nhà xưởng, đảm bảo an toàn cho người lao động. Vì thế, từ chính ý thức của từng cá nhân an toàn, từng điểm xanh mới tạo nên được "vùng xanh" cho sản xuất.

CẦN NHỮNG GIẢI PHÁP LÂU DÀI

Hiện nay, TP. Hà Nội đã có 615 điểm “vùng xanh doanh nghiệp” được chính quyền địa phương phê duyệt phương án hoạt động, điển hình như liên đoàn lao động các quận: Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng; huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Chương Mỹ, Thanh Oai…

Đồng thời, đến nay, trên địa bàn thành phố cũng đã có 4.306 doanh nghiệp thành lập tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, với 11.469 tổ và 50.480 người tham gia (tăng 9 doanh nghiệp, 9 tổ và 39 người). Trong đó, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã thành lập 2.116 tổ an toàn Covid-19 tại 408 doanh nghiệp với 8.705 người tham gia. Ngoài ra, Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất cũng thành lập 304 tổ an toàn Covid-19 tại 112 doanh nghiệp với 1.078 người tham gia ở các công đoàn cơ sở không trực thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất và doanh nghiệp chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.

Nhìn chung, sự tham gia của tổ chức công đoàn với mô hình hoạt động của các tổ an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực. Đồng thời khẳng định vị trí, vai trò hết sức to lớn trong việc chăm lo, bảo vệ người lao động, từ đó góp phần ổn định tình hình quan hệ lao động và phát triển sản xuất kinh doanh trong mỗi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn sâu vào những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối diện khi thực hiện “3 tại chỗ”, “vùng xanh doanh nghiệp”, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) TS. Vũ Tiến Lộc nhận định, vaccine là giải pháp cứu cánh, nhưng sẽ phải mất vài tháng nữa mới có thể triển khai rộng rãi. Và kể cả khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng 60 - 70% dân số, dịch bệnh vẫn có thể kéo dài với những biến thể dễ lây lan hơn. Do đó, phải xác định đây là cuộc chiến trường kỳ - cuộc chiến về cả y tế và kinh tế, đòi hỏi phải có những giải pháp lâu dài, có tính chiến lược.

Từ chính ý thức của từng cá nhân an toàn, từng “điểm xanh” mới tạo nên được “vùng xanh” cho sản xuất.
Từ chính ý thức của từng cá nhân an toàn, từng “điểm xanh” mới tạo nên được “vùng xanh” cho sản xuất.

Tại Toạ đàm trực tuyến “Giải pháp cấp bách và lâu dài chống đứt gãy chuỗi cung ứng” do VnEconomy tổ chức mới đây, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng: cần phải đề cao vai trò, tính sáng tạo, tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời, Nhà nước cũng phải tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện các giải pháp đó và nên có những tiêu chuẩn, quy định rõ ràng, minh bạch áp dụng cho cả nước.

Chủ tịch VCCI khẳng định: "Nếu chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế sẽ không chịu được. Do đó, cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở, chấp nhận sự rủi ro. Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế.

Giai đoạn khó khăn do đại dịch này cũng là cơ hội tốt để thúc đẩy nhanh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính và thể chế nói chung, bởi đây là lúc dễ tiến tới những đồng thuận hơn trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Thực ra chúng ta không có gói hỗ trợ lớn như các nước được. Vì thế, những hỗ trợ về chính sách, về thị trường chính là gói hỗ trợ lớn nhất với doanh nghiệp. Nếu làm tốt trong giai đoạn này, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt nhất cho sự bứt phá vươn lên sau đại dịch”.