5 tháng cuối năm sẽ thực sự khó khăn với doanh nghiệp dệt may
Dịch Covid 19 lần thứ 4 đã ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của các ngành hàng xuất khẩu như dệt may và da giày. Nếu không sớm có các giải pháp vượt qua khó khăn, doanh nghiệp sẽ đối mặt với nguy cơ bị dừng, huỷ đơn hàng…
Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), 7 tháng đầu năm, dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu gần 23 tỷ USD, tăng hơn 50% so với cùng kỳ, vượt Bangladesh, chỉ xếp thứ hai sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới. Nhưng tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành phía Nam đã bắt đầu "ngấm", ảnh hưởng tới nhịp sản xuất, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp từ tháng 7.
Báo cáo tình hình kinh doanh tháng 7 của Công ty Dệt may Thành Công (TCM) ghi nhận doanh thu đạt hơn 14 triệu USD (gần 331 tỷ đồng), giảm 3% so với cùng kỳ 2020. Khoản lãi sau thuế vì thế cũng chỉ đạt gần 673.000 USD, tương đương 15 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo ban lãnh đạo TCM, dịch bệnh phức tạp, công ty áp dụng phương án sản xuất "3 tại chỗ" nên năng suất lao động giảm, kéo theo biên lợi nhuận gộp thấp hơn cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm, TCM đạt doanh thu 2.182 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 132 tỷ đồng, giảm 6%.
Tương tự, Công ty Đầu tư và Thương mại TNG (TNG) cũng cho biết, tháng 7 đạt doanh thu 595 tỷ đồng, giảm 27,5 tỷ so với tháng 6. Doanh nghiệp này ghi nhận lãi sau thuế 29,5 tỷ đồng tháng 7, và luỹ kế 7 tháng là 135 tỷ đồng.
Đợt bùng phát dịch thứ tư khiến nhiều tỉnh, thành phía Nam đang phải thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Vitas cho biết, tỷ lệ nhà máy phải đóng cửa đã lên tới 30 - 35%, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ do không đủ kinh phí để thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến". Hệ quả là nguy cơ không thực hiện được đơn hàng, giao hàng chậm hoặc bị khách hàng huỷ đơn hàng là rất lớn. Vitas cho biết, đã có khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch Vitas nhận xét, tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, 5 tháng cuối năm sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn. Mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD năm 2019 sẽ khó mà đạt được. Nếu không kiểm soát được dịch bệnh, khả năng ngành chỉ đạt 33 - 34 tỷ USD trong năm nay.
Ngoài mối lo dịch bệnh làm đứt đoạn chuỗi cung ứng, chi phí logistics tăng cao, thiết hụt trầm trọng container và tình trạng nhiều cảng biển ách tắc lưu thông hàng xuất khẩu... là những trở ngại, tác động trực diện tới nhịp sản xuất của doanh nghiệp dệt may.
Ông Nguyễn Văn Thời - Chủ tịch TNG cho biết, tình hình thiếu hụt vỏ container và cước vận chuyển quốc tế tăng cao đã tác động trực tiếp tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này trong tháng 7, khi giảm 27,5 tỷ đồng so với tháng 6.
Bên cạnh đó, việc giá cước vận tải tăng cũng sẽ tạo áp lực giảm giá mua hàng. Cụ thể, các doanh nghiệp làm gia công theo đơn đặt hàng của đối tác sẽ bị phạt, mất tiền gia công. Còn doanh nghiệp làm theo phương thức FOB sẽ bị thiệt hại lớn hơn, nếu đối tác từ chối nhận hàng do giao chậm. Đó là chưa kể, khi sản xuất bị chậm, doanh nghiệp phải đổi từ giao hàng đường thủy sang hàng không, chi phí sẽ tăng lên nhiều. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thua lỗ.
Ngoài ra, Chủ tịch Vitas Vũ Đức Giang cho rằng, thiếu hụt lao động cũng là mối lo lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó thu hút lao động, trong khi chi phí ngày càng tăng. Các doanh nghiệp còn hoạt động hiện nay đều phải giảm 50% - 60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiêt lập các biện pháp phòng chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động. Doanh nghiệp cũng phải đối mặt với áp lực lớn là nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh.
Chẳng hạn như Tổng công ty CP May Việt Tiến với quy mô 36.000 lao động, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì doanh nghiệp không thể đủ nguồn lực để duy trì trạng thái như hiện nay. Chính vì lượng công nhân quá lớn, không thể đảm bảo điều kiện an toàn cũng như chi phí hỗ trợ, nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP.HCM phải ngưng hoạt động.
Hiện nhiều doanh nghiệp dệt may tính tới phương án chuyển nguyên vật liệu từ Nam ra Bắc để tránh đứt gãy sản xuất. Nhưng ngay phương án tình thế này, ông Giang cho rằng, cũng không quá khả quan khi doanh nghiệp chịu thêm chi phí vận tải, thời gian giao hàng cho các nhãn hàng khó đảm bảo.
Thông tin mới đây của Công ty May Nhà Bè cũng cho biết, dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, ngành dệt may tiếp tục đối diện với sự thiếu hụt lao động, chi phí nhân công tăng cao. Ngoài ra, việc sản xuất ổn định còn phụ thuộc nhiều vào việc doanh nghiệp có “thu xếp” đủ vaccine để tiêm cho người lao động và người thân của họ hay không. Mới đây, Công ty May Nhà Bè đã có 3.000 công nhân được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Công ty May Hưng Yên cho biết, doanh nghiệp liên tục nhận đơn hàng từ châu Âu, Hoa Kỳ… Nhưng, để ổn định sản xuất, đẩy nhanh tiến độ giao hàng, người lao động cần được tiêm vaccine phòng Covid-19. Nếu có thể nhanh chóng tiêm vaccine cho người lao động thì ngành dệt may có thể tạo đà phát triển và bứt phá.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, tuyển dụng đủ lao động và người lao động được tiêm vaccine sẽ tạo điều kiện tốt cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kịp thời giao hàng, trả hàng trong thời gian đến cuối năm. Điều này không chỉ giúp nâng cao uy tín của hàng dệt may Việt Nam hiện nay mà cũng tạo nguồn lợi nhuận, tạo tiền đề cho sự bứt phá trở lại những năm tới.