13:55 23/08/2021

Doanh nghiệp phía Nam nỗ lực chăm lo đời sống người lao động

Tuệ Mỹ

Theo Cục Việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), do dịch diễn biến ngày càng phức tạp tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, sức ép lớn về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý lo lắng đã khiến cho nhiều người lao động nghỉ việc về quê...

Việc lao động trở về quê thời gian qua sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, tạo nên nghịch lý lớn về cung cầu lao động. Nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các thành phố nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng sẽ dư thừa lao động ở những nơi nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu.

Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động cũng như phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong đó, chú trọng ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu đồng thời ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động ổn định xã hội.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Huba, cho biết thời gian qua, các doanh nghiệp đã dốc sức để cùng thành phố chăm lo an sinh xã hội. Dù vậy, cũng cần quan tâm, chăm lo cho người lao động đang làm việc hoặc đã nghỉ việc tại đơn vị mình thông qua các hoạt động phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, ban ngành ở địa phương. Chăm lo cho người lao động là chăm lo cho nguồn lực sản xuất, vì vậy doanh nghiệp cần chủ động tăng cường thực hiện công tác này để không người lao động nào đang gặp khó khăn mà bị bỏ sót.

Các doanh nghiệp đều ý thực được rằng chăm lo cho người lao động là chăm lo cho nguồn lực sản xuất.
Các doanh nghiệp đều ý thực được rằng chăm lo cho người lao động là chăm lo cho nguồn lực sản xuất.

Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động TP.HCM, cho biết dù hệ thống Công đoàn thành phố đã rất nỗ lực chăm lo cho 107.000 người lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch và hỗ trợ hơn 250.000 người đang gặp khó khăn theo Nghị quyết 09 của thành phố nhưng không tránh khỏi việc bỏ sót một số trường hợp. Vì vậy, cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp với hệ thống Công đoàn để công tác chăm lo, hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn trong đại dịch lần này được hiệu quả hơn.

"Nhiều doanh nghiệp đặt vấn đề sử dụng kinh phí Công đoàn tích lũy để chăm lo người lao động cũng như hỗ trợ người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, Công đoàn cũng sẵn sàng và doanh nghiệp nên có tác động thêm," ông Trung nói.

Được biết, công đoàn TP.HCM vừa triển khai chương trình hỗ trợ 150.000 suất nhu yếu phẩm cho công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với tổng số tiền 22,5 tỷ đồng. Các trường hợp được hỗ trợ theo quy định là đoàn viên, công nhân lao động đang ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú; đoàn viên, công nhân lao động đang ở trong khu cách ly, khu phong tỏa trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, nhiều chương trình, hoạt động thiết thực, hiệu quả và được triển khai kịp thời như: Chương trình hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu, "Siêu thị 0 đồng", tổ chức đi chợ cho người lao động tại khu cách ly trên địa bàn dân cư và doanh nghiệp... Ngoài ra, còn có các mô hình, cách làm hay trong chăm lo vật chất cho công nhân, người lao động như: "Công đoàn đồng hành cùng người lao động, hộ dân", "Chung sức vượt qua đại dịch"… 

Tương tự tại Đồng Nai, trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã đưa ra nhiều giải pháp chăm lo, đồng thời cũng là cách giữ chân người lao động, chờ khống chế được dịch bệnh để phục hồi sản xuất. Theo đó, nhiều tổ chức công đoàn cơ sở đưa ra các giải pháp chăm lo tốt nhất để người lao động yên tâm sản xuất. 

Thời gian qua, các doanh nghiệp đã dốc sức để cùng thành phố chăm lo an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã dốc sức để cùng thành phố chăm lo an sinh xã hội, chăm lo cho người lao động.

Đại diện Tổng Công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) cho biết: Để giữ chân người lao động, ngoài tiền lương, công ty đã hỗ trợ hơn 250.000đồng/người/ngày, những người có con nhỏ còn được hỗ trợ thêm. Ông Trần Thanh Thắng - Phó chủ tịch Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cũng cho rằng: Tuy tình hình dịch bệnh khó khăn, doanh nghiệp tốn rất nhiều chi phí phòng, chống dịch nhưng cần quan tâm đến đời sống người lao động bằng cách hỗ trợ thêm cho những ai ở lại thực hiện 3 tại chỗ. Như vậy, người lao động sẽ yên tâm gắn bó lâu dài với công ty.

Còn đối với nhiều doanh nghiệp có số lượng lao động lớn, lên tới hàng chục nghìn người, không thể thực hiện 3 tại chỗ, thì các doanh nghiệp tại Đồng Nai cũng chủ động đưa ra các giải pháp để chăm lo cho người lao động tại khu nhà trọ, tặng tiền, và cả giải pháp về nâng cao chế độ tiền lương khi người lao động ngừng việc để họ yên tâm, “ai ở đâu ở yên đó”, chờ dịch qua đi sẽ tiến hành phục hồi lao động sản xuất ngay. 

Theo các cán bộ Công đoàn, các doanh nghiệp có chính sách đầu tư cho người lao động  chính là khoản đầu tư sinh lời vì khi được quan tâm, chăm sóc chu đáo, người lao động sẽ tận lực cống hiến cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Taekwang Vina (Khu công nghiệp Biên Hoà 2) cho biết: Ban giám đốc đã có sẵn chính sách để chăm lo cho người lao động ngay sau khi được đi làm trở lại. Tuy nhiên, trước mắt để giữ chân người lao động ở lại địa phương và cũng là cách để người lao động được an toàn “ai ở đâu ở yên đấy”, trong thời gian công ty tạm ngừng hoạt động để phòng dịch Covid-19, toàn bộ gần 40.000 công nhân đều được trả đủ lương cơ bản và hỗ trợ khoảng 800.000 đồng/người trong 2 tuần…

Có thể thấy, trong đợt dịch bệnh lần thứ tư, tại các tỉnh phía Nam, nhiều doanh nghiệp cũng như công nhân lao động đã bị ảnh hưởng rất lớn. Mặc dù vậy, với chủ trương người lao động là tài sản quý giá nhất, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chính sách, hoạt động cụ thể thiết thực để chăm lo cho người lao động, giữ chân người lao động “ở yên tại chỗ”, để có thể phục hồi hoạt động sản xuất ngay sau khi dịch bệnh được khống chế.